Tìm kiếm kẻ du hành thời gian trên Twitter

Tại thời điểm hiện nay, loài người vẫn chưa biết được phương thức nào để du hành về quá khứ hay hiểu được hành động đó có ý nghĩa như thế nào. Nhưng nếu bạn là một nhà vật lý thiên văn (astrophysicist), và bạn muốn khám phá các bằng chứng về việc du hành thời gian, bạn sẽ làm gì? Nếu (vâng, lại nếu) bạn là Robert Nemeroff- Giáo Sư ngành Vật Lý Thiên Văn tại Đại Học Công Nghệ Michigan, hay Teresa Wilson- nghiên cứu sinh PhD của Nemeroff, hẳn bạn cũng sẽ tìm kiếm những kẻ du hành xuyên thời gian đó trên …Twitter chứ.

Thuật ngữ “du hành thời gian” không phải là vấn đề gì quá cao siêu và xa vời. Việc “du hành vào tương lai” là một thực tế (fact) mà chúng ta vẫn thực hiện hàng ngày. Du hành xuyên thời gian vào tương lai có thể được đo đạc bằng cách sử dụng một đồng hồ nguyên tử (atomic clocks) trên một máy bay siêu tốc. Tuy nhiên, “du hành về quá khứ” lại là một đề xuất đầy mạo hiểm dù rằng đây không phải vấn đề bị hạn chế bởi các định luật vật lý hiện nay. Chúng ta, hay chính xác là loài người vẫn chưa tìm ra cách nào để thực hiện điều đó.

Trong quá khứ, các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực nhằm liên lạc với những người đến từ tương lại có mặt trong thời đại của chúng ta. Vào năm 2005, một nghiên cứu sinh của MIT đã tổ chức một hội nghị dành cho “những người du hành xuyên thời gian” (time travelers). Dù có một sự công khai đáng kể trước khi tổ chức, nhưng đã không có một người du hành thời gian nào xuất hiện trong hội nghị này. Vào năm 2012, Stephen Hawking cũng đã tổ chức một bữa tiệc dành cho những người du hành xuyên thời gian và gửi giấy mời sau khi chuẩn bị xong xuôi. Và một lần nữa, không có ai xuất hiện trong bữa này.

Tất nhiên, một trong những phương pháp chính để kiểm chứng một người -mà tự xưng là người du hành xuyên thời gian, đó là điều tra kiến thức, hiểu biết của họ về những thứ, những sự kiện chưa xảy ra. Ý tưởng này đã gợi ý cho Nemeroff và Wilson để tìm kiếm trên mạng internet những dấu hiệu của anachronistic factoids ( tạm dịch: những sự thực sai niên đại- xin xem chú thích* bên dưới). Ví dụ, một bài đăng từ năm 2006 và chứa cụm từ “Tổng thống Obama” thì khó có coi là sai niên đại, vì tiềm năng tranh cử của ông đã sớm được đưa ra thảo luận.

Có khá ít sự kiện có thể xác định một cách duy nhất bằng một cụm từ. Những sự kiện đó thường phải có tính bất ngờ đến mức mà những từ mô tả cho sự kiện đó gần như chưa từng được kết hợp trong quá khứ (ví dụ cụm từ Trungmaster Đại Đế chả hạn- đùa thôi). Ở đây các nhà Vật Lý Thiên Văn tại Đại Học Công Nghệ Michigan đã sử dụng cụm từ “sao chổi ISON” (Comet ISON)- được phát hiện vào 21/12/2012, và “Giáo Hoàng Francis” (Pope Francis)- cái tên xuất hiện vào 16/03/2013.

Trong lịch sử chưa từng có sao chổi nào được đặt tên là sao chổi ISON, và cũng không có Giáo Hoàng nào từng có tên là Francis, nên những cụm từ đó thỏa mãn điều kiện được đặt ra bên trên. Tất nhiên, kể cả khi các cụm từ này từng xuất hiện trong một số ngữ cảnh (kiểu như “sẽ có một ngày có Giáo Hoàng tên là Francis”) thì chúng cũng khá dễ dàng để xử lý và loại trừ. Thứ mà các nhà vật lý thiên văn muốn tìm, chính là một tin nhắn từ người này đến người khác trong khoảng năm 2009 mà “vô tình” đề cập đến “Giáo Hoàng Francis” thay vì Giáo Hoàng Benedict XVI.

Phần lớn các công cụ tìm kiếm (search engines) thường gặp khó khăn khi tìm các bài đăng trong một khoảng thời gian cho trước. Và sau nhiều nghiên cứu về khả năng của một số lượng lớn các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội, các nhà điều tra dũng cảm của chúng ta đã lựa chọn Twitter là khu vực tìm kiếm chính. Cùng với một điều đã được suy đoán ngay từ đầu bài viết, họ đã không thành công. Không có bất kỳ một dấu hiệu nào xuất hiện trong cả tỷ bài tweets (cách gọi bài đăng trên twitter). Tất nhiên là các nhà nghiên cứu không bỏ cuộc và tiến hành với một số lượng tìm kiếm liên quan, nhưng vẫn ra về tay trắng.

Mặc dù nghiên cứu này nghe chừng có vẻ hơi bị “hâm hấp” (phải chăng họ định tranh giải IgNobel ?), thế nhưng nó vẫn là một trong những cố gắng để kiểm tra xem liệu những “người du hành xuyên thời gian” có để lại dấu vết về sự hiện diện không đúng niên đại của họ trên thế giới blog hay không. Tuy nhiên, một khi ý tưởng của các cuộc tìm kiếm này đã thực sự lộ diện, xem chừng chúng sẽ không có khả năng được thực hiện tiếp. Dù sao thì “qua nghiên cứu” này cũng có thể kết luận là không có ai đến từ tương lai và để lại những bằng chứng hiển nhiên trong thời điểm này, ít nhất là trên Twitter.

*Chú thích của người dịch:

Hậu tố -oids trong tiếng Anh thường được dùng với nghĩa “có đặc tính tương tự nhưng không hoàn toàn là ..”, ví dụ như humanoid thường được dùng để chỉ các robot có cấu trúc giống người (có tay, chân…) nhưng hiển nhiên không phải con người vậy. Ở đây cụm từ “factoids” được sử dụng để chỉ những sự kiện được truyền thông lặp đi lặp lại, có độ chính xác nào đó mà người ta tin rằng nó là sự thực (dù chưa thực sự xảy ra hoặc không thật sự chính xác đến như vậy).


Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan