Khả năng học từ mới phụ thuộc vào liên kết giữa “nghe” và “cử động”

Lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện một “đường dẫn” trong bộ não (mà chỉ có con người có) cho phép chúng ta có thể học được từ mới.

Lượng từ vựng trung bình của một người lớn vào khoảng 30,000 từ (trở lên). Số lượng vốn từ khổng lồ này xem chừng chỉ có con người mới có thể làm được bởi trong thế giới tự nhiên, đến tinh tinh- giống loài gần với người nhất cũng chỉ có thể học được dưới 100 từ. Trước đây, người ta thường quan niệm rằng, việc học một ngôn ngữ phụ thuộc vào sự phối hợp giữa nghe và nói (lặp lại từ) thế nhưng cơ cấu thần kinh thật sự nằm sau khả năng này vẫn còn là một điều bí ẩn. Những nghiên cứu trước đó đã cho thấy dường như có sự liên quan của khả năng học ngôn ngữ đến một “đường dẫn thần kinh” đặc biệt trong bộ não người và con người chỉ có học được những từ nào mà họ có thể phát âm được rõ nét.

Những nhà nghiên cứu đến từ Viện Tâm Thần Học của Đại Học King’s College London, cùng với Viện Nghiên Cứu Sinh Hóa Bellvitge và Đại Học Barcelona đã tiến hành sơ đồ hóa “đường dẫn thần kinh” này. Họ phát hiện ra rằng “bó vòng cung” (arcuate fasciculus)- một tập hợp dây thần kinh liên kết vùng thính giác tại thùy thái dương với vùng cử động ở thùy trán của bán cầu não trái- cho phép “tiếng” của một từ có thể liên kết với vùng phụ trách phát âm của nó. Sự khác biệt về phát triển của liên kết thính giác- cử động đó có thể giải thích về sự khác biệt trong khả năng học từ mới của mỗi người. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).

Hình ảnh "Bó vòng cung" trong não bộ (Nguồn: Brainmind)
Hình ảnh “Bó vòng cung” trong não bộ (Nguồn: Brainmind)

Tiến sĩ Marco Catani, đồng tác giả đến từ Viện Tâm Thần Học Đại Học King’s College London cho biết, thông thường người ta hay cho rằng khả năng học từ mới của con người là đương nhiên và tương tự các giống loài khác. Thế những nghiên cứu này đã gieo một ánh sáng mới cho khả năng học ngôn ngữ độc đáo của con người, bởi “đường dẫn” này không xuất hiện trong bất kỳ giống loài nào khác. Tác động của nghiên cứu này là rất lớn, không chỉ đến việc học ngôn ngữ trong trường lớp, phục hồi sau chấn thương, mà còn phát hiện sớm các bệnh chứng liên quan đến ngôn ngữ như chứng khó đọc, tự kỷ…

Nghiên cứu được tiến hành với 27 người tình nguyện khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một máy chụp phân tán (diffusion tensor imaging) để thu lại hình cấu trúc não bộ trước khi thực hiện thí nghiệm và một máy MRI (cộng hưởng từ) đa chức năng để phát hiện vùng não hoạt động mạnh nhất trong quá trình thí nghiệm. Và họ đã phát hiện một mối liên kết mạnh mẽ giữa khả năng ghi nhớ từ mới và cấu trúc của “bó vòng cung” (như đã trình bày bên trên).

Với những người tình nguyện học từ mới nhanh, “bó vòng cung” của họ có xu hướng myelin hóa (tạo vỏ bên ngoài các sợi dây thần kinh) cao hơn, từ đó tạo điều kiện truyền dẫn tín hiệu điện nhanh hơn. Thêm vào đó hoạt động của hai vùng được kết nối cũng đồng bộ hơn. Hiện tượng myelin hóa là hiện tượng các tế bào Schwann đi kèm với dây thần kinh quấn thành nhiều vòng (như hình dưới). Ngoài việc tạo ra một lớp vỏ myelin cho dây thần kinh, hiện tượng này còn tạo ra các nút gọi là Node of Ranvier. Các tín hiệu thông tin sau quá trình này sẽ “nhảy cóc” qua các nút này do đó tốc độ truyền dẫn tín hiệu trở lên nhanh hơn so với truyền tải qua kênh ion bên trong dây thần kinh thông thường.

Quá trình myelin hóa của dây thần kinh (Nguồn: Encyclopedia)
Quá trình myelin hóa của dây thần kinh (Nguồn: Encyclopedia)

Vậy là cơ chế của việc học từ mới đã phần nào hé lộ và điều làm các nhà khoa học lo lắng, đó là liệu những trẻ có bị ít vốn từ hơn không khi mà tương tác của chúng hiện nay phần nhiều là qua màn hình, nhắn tin hay email (thay vì giao tiếp)?. Nghiên cứu này chính là một bằng chứng thuyết phục để khuyến khích chúng ta quay trở lại cách giao tiếp truyền thống với những đứa trẻ nhiều hơn, nếu không những hệ lụy sẽ là rất khó lường.


Trungmaster, theo Sciencedaily
Link luận văn:
López-Barroso D, Catani M, Ripollés P, Dell’Acqua F, Rodríguez-Fornells A, de Diego-Balaguer R. Word learning is mediated by the left arcuate fasciculus. PNAS, 2013 DOI: 10.1073/pnas.1301696110


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan