Câu chuyện về nhà máy phát điện bằng gió nổi bồng bềnh trên biển

Ngoài khơi tỉnh Fukushima thuộc phía đông Nhật Bản, hiện đang xây dựng hệ thống nông trường gió (Windfarm) dạng thả nổi trên mặt biển. Vào khoảng tháng 9/2011, nửa năm sau thảm hoạ động đất phía Đông Nhật Bản là lần đầu tiên dư luận nghe đến dự án khổng lồ này. Câu hỏi  đầu tiên là: “Chuyện đó có thể làm được không?”, “Liệu có ai đứng ra làm hay không?”. Chúng ta cùng theo dõi nhé.

Hiện nay, nước Nhật vẫn còn là nước đi sau về vấn đề năng lượng tái sinh. Trên thế giới, những máy phát điện bằng năng lượng gió với chi phí sản xuất điện rẻ đang là trọng tâm của năng lượng tái sinh. Tuy nhiên tại Nhật Bản số lượng máy phát điện chạy bằng gió đang còn ít và lúc bấy giờ thì hầu như không có máy phát điện trên biển dạng cố định chứ chưa nói đến dạng thả nổi. Tuy vậy họ đã quyết định xây dựng nhà máy phát điện dạng thả nổi ở ngoài khơi tỉnh Fukushima mặc dù chưa biết là về mặt kỹ thuật có đủ đáp ứng hay không. Đối với dự án khổng lồ do chính phủ Nhật chủ đạo xuất hiện sau sự cố nhà máy điện hạt nhân này thì giới chuyên môn về máy phát điện chạy bằng sức gió đều cảm thấy bất an.

Mặc dù gặp khó khăn như vậy, cho đến hiện tại thì dự án này vẫn tiến hành theo chiều hướng thuận lợi. Tại sao lại có thể làm được  như vậy? Chính là nhờ vào nhà quản lý dự án nổi tiếng – Công ty  Marubeni(*) đã đảm nhận và phát biểu: “Tôi sẽ làm”. Ông Fukuda Tomofumi – Giám đốc bộ phận dự án điện lực quốc nội Marubeni, và cũng là nhân vật chính của bài báo này. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Fukuda đồng thời cũng nắm bắt được tiến độ của dự án. Xin được gửi đến quý độc giả câu chuyện bí mật lúc khởi công dự án này.

Dự án lớn nhất trên thế giới

Mục đích của dự án này là xây dựng máy phát điện chạy bằng sức gió nổi trên biển ở ngoài khơi cách Futaba (thuộc phần phía đông của tỉnh Fukushima) 20km. Sau đó thông qua đường dây cáp ngầm dưới biển dẫn điện đã sản xuất về nhà máy nhiệt điện Hirono đặt tại Futaba và sau đó nối vào mạng lưới điện Tohoku (vùng đông bắc nước Nhật). Tại Nhật Bản thì chỉ cần di chuyển xa đất liền một đoạn là lập tức gặp vùng nước sâu, cho nên không có nhiều nơi thích hợp cho loại máy phát điện chạy bằng sức gió dạng cố định dưới đáy biển. Thêm vào đó, vùng gần bờ có ngành đánh bắt cá đang rất phát triển.

Dù sao đi nữa, Nhật Bản là một quốc đảo, không lý gì lại không tận dụng lợi thế của mặt biển. Do đó, phương thức xây dựng nhà máy phát điện dùng sức gió dạng nổi ngoài khơi hoàn toàn phù hợp với Nhật Bản. Dự định trong hè năm nay sẽ hoàn thành một máy phát điện dạng nổi với công suất 2 MW và mùa hè năm sau thêm hai máy phát điện nữa với công suất 7 MW. Tổng cộng sẽ bao gồm ba máy phát điện dạng nổi và hệ thống biến áp nổi nối với nhau bằng dây cáp.

Các cơ quan thực chứng nghiên cứu của chính phủ Nhật cũng như đông đảo các xí nghiệp Nhật Bản đã cùng nhau hợp tác thực hiện. Trong đó đi đầu là công ty Marubeni, các thành viên khác gồm: đại học Tokyo, tổng công ty Mitsubishi, tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, công ty JMU (Japan Marine United), công ty đóng thuyền Mitsui, công ty Shinnichi, cơ sở chế tạo Hitachi, công nghiệp điện Furukawa, tập đoàn xây dựng Shimizu, cơ sở nghiên cứu công nghệ thông tin Mizuho. Trên thế giới cũng đã có nhiều dự án về máy phát điện bằng năng lượng gió dạng nổi trên mặt biển nhưng chỉ có 1 máy và trạm biến áp ở trên đất liền. Tuy nhiên, để xây dựng nhà máy phát điện quy mô lớn bao gồm nhiều máy phát dạng nổi trên biển thì cần thiết phải có trạm biến áp trên mặt biển.

Trong dự án lần này, có rất rất nhiều yếu tố cần thiết cho việc chạy máy phát điện sức gió dạng nổi với mục đích thương mại. Bao gồm việc sở hữu thiết bị biến áp nổi trên mặt biển, xây dựng nhiều máy phát và vận hành như một nông trường gió (windfarm), tất cả đều là lần đầu tiên trên thế giới. Thêm vào đó phải thực hiện dự án lớn mà chưa ai từng làm với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với từ trước đến nay. Nhìn từ góc độ quy mô hay thời hạn thì dự án lớn quy mô như thế này hoàn toàn bất khả thi.

Ông Fukuda có gần 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành điện lực tại nước ngoài. Từ sau khi vào công ty Marubeni thì hơn nửa thời gian ông làm việc trong ngành điện tại Philipine và Jamaica. Hơn nửa hoạt động thương mại liên quan đến ngành điện của công ty là dưới hình thức IPP (Independent Power Producer – Nhà sản xuất năng lượng độc lập), tức là xây dựng nhà máy điện tại nước ngoài rồi bán cho công ty điện lực của quốc gia đó trong thời gian dài. Mô hình kinh doanh này khá ổn định và có thể nâng cao lợi nhuận một cách hiệu quả, tuy nhiên bị hạn chế trong vấn đề phát triển. Cho nên công ty Marubeni đã xét đến khả năng bước thêm một bước vào ngành sản xuất điện và đã bắt đầu tham gia vận hành một công ty điện lực tại Jamaica.

Công ty điện lực mà Marubeni đã thu mua lại là công ty độc quyền tại Jamaica. Không chỉ đơn thuần là nhà máy điện mà còn độc chiếm cả mạng lưới truyền và phân phối điện đến các hộ gia đình, xí nghiệp. Cũng giống như một mô hình thu nhỏ công ty điện lực Tokyo. Ông Fukuda đã làm giám đốc tại công ty đó. Từ Nhật Bản đến Jamaica, ông luôn phải tự thân vận động, hàng ngày làm việc xung quanh những người Jamaica, không chỉ những nghiệp vụ hàng ngày mà cả công việc giao thiệp đàm phán. Cũng có lúc các công nhân tổ chức đình công, ông còn bị các công nhân da đen bao vây và chửi bới. Tuy vất vả nhưng vẫn là công việc đáng để làm. Dù bị chửi bới ra sao đi nữa thì ông cũng không thể gục ngã. Thuyết phục mọi người là điều tối cần thiết để phát triển công ty. Vào tháng 4 năm 2011 đã có quyết định cho ông về lại Nhật Bản, ông nói: “Từ trước đến bây giờ, tôi đã luôn làm việc tại nước ngoài rồi, phần thời gian đóng góp còn lại cho công ty thì tôi muốn cống hiến cho nước Nhật”. Ngày tôi về là xấp xỉ một tháng sau thảm hoạ động đất phía Đông Nhật Bản.

Bật ra suy nghĩ “Mình không làm thì còn ai làm chứ”

Ông kể lại:

Lần đầu tôi nghe về dự án này là vào tháng 7 năm 2011. Lúc đó, Sở Tài Nguyên và Năng Lượng đã gọi tôi đến để nghe trình bày dự án. “Nhằm mục đích phục hồi sau thảm hoạ động đất, muốn nâng cao ngành sản xuất điện bằng năng lượng gió thông qua việc xây dựng nhà máy điện dạng nổi ngoài khơi tỉnh Fukushima”, khi nghe đến đây thì tôi đã tự nhủ: “mình rất muốn làm cái này”. Và nội trong ngày hôm đó đã trả lời cho phía sở rằng: “Công ty Marubeni chúng tôi sẽ làm”. Cấp trên của tôi lúc bấy giờ là người còn quyết đoán hơn cả tôi. Hơn nữa, về phía công ty đã có những cải thiện đáng kể trong ngành sản xuất điện bằng năng lượng gió. Lý do là vì vào cuối năm 2011, Marubeni đã thu mua được Seajacks, công ty sản xuất điện bằng năng lượng gió trên biển của nước Anh. Cho nên nếu sợ hãi mà từ chối dự án lần này thì ngược lại lại làm cấp trên nổi giận mất. Vì thế nên tôi đã đưa ra câu trả lời ngay lập tức.

Thực ra cho đến tận bây giờ vẫn còn có tiếng nói nghi ngờ tính khả thi kiểu: “Dạng nổi trên bề mặt biển là điều không tưởng. Không có kinh nghiệm về mặt kỹ thuật mà lại dám xây dựng nông trường gió trên biển trong thời gian ngắn đến vậy”. Tuy nhiên, chắc chắn tôi sẽ làm cho dự án này thành công, hãy chờ xem nhé. Cuộc thử nghiệm vận hành diễn ra vào tháng 9 chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp.

Ông Fukuda cho biết:

Kể từ lúc đồng ý nhận dự án cho đến nay đã trôi qua 1 năm rưỡi, thời gian trôi qua nhanh như bão táp. Điều đầu tiên tôi đã làm là nói chuyện với ngư dân trong vùng. Biển chính là nơi làm việc của ngư dân. Nếu không có sự thấu hiểu và hợp tác của họ thì dự án này không thể thành công được. Vì thế hơn phân nửa thời gian tôi đã dành ra để thuyết phục các ngư dân. Về việc này thì cho phép tôi nói sâu hơn trong bài phỏng vấn tiếp theo.

Chiếc máy phát điện bằng năng lượng gió là phần chính trong nông trường gió nổi trên biển ngoài khơi tỉnh Fukushima. Phía trên phần phao nổi khổng lồ đặt một chiếc máy phát điện bằng sức gió khổng lồ. Tổng chiều cao 122m, cánh quạt có đường kính khoảng 80m. Công ty chế tạo Hitachi đã thiết kế và vận chuyển máy phát điện, sau đó công ty đóng thuyền Mitsui đảm nhận việc gắn chúng gắn vào phần phao nổi.

Chú thích:

(*)Marubeni là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất ở Nhật


Người dịch: Trịnh Trần Khánh Duy

Nguồn: Nikkeibp


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan