Các bạn đã biết đến IoT (Internet Of Things) chưa? Tại sao lại có thể nói rằng IoT sẽ thay đổi toàn bộ bộ mặt ngành công nghiệp trong tương lai, thậm chí đưa đến cách mạng kỹ thuật lần thứ tư? Bài báo sau đây sẽ cho bạn khái niệm cơ bản nhất về cách mà IoT tác động đến giới sản xuất?
IoT giúp thay đổi cách các công ty cung cấp dịch vụ
Ngày xưa, các công ty sản xuất lốp xe chỉ đơn thuần kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm lốp. Khi áp dụng IoT vào trong kinh doanh, mô hình ấy đã hoàn toàn thay đổi.
Đầu tiên, công ty sẽ gắn cảm ứng về áp suất, nhiệt độ, cự ly di chuyển,… vào bánh xe. Thông qua mạng Internet, những cảm ứng ấy sẽ liên tục gửi dữ liệu về trung tâm xử lý của công ty.
Nếu áp suất không khí trong lốp xe không đạt được giá trị tương thích thì sẽ dẫn đến hậu quả lốp xe mau bị mài mòn, đồng thời xe chạy cũng hao xăng hơn. Công ty sẽ chịu trách nhiệm theo dõi tình trạng của lốp xe và lập tức gửi thông báo đến lái xe trong trường hợp xuất hiện tình trạng bất thường. Nhờ đó, tuổi thọ lốp xe được kéo dài và xe chạy cũng ít tốn xăng hơn.
Từ trước đến nay, đối với các công ty sản xuất lốp xe, nếu tuổi thọ lốp xe dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán và không phải là điều công ty mong muốn. Trong mô hình kinh doanh mới được áp dụng IoT thì công ty không chỉ kiếm tiền bằng cách bán lốp xe nữa, mà chuyển sang cung cấp dịch vụ đảm bảo lái xe an toàn, tiết kiệm xăng và tính tiền theo khoảng cách mà xe chạy an toàn. Nhờ vào IoT, ngành cung cấp dịch vụ chắc chắn sẽ tiến hoá lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích cho cả khách hàng và nhà sản xuất.
IoT giúp nhiều loại hình dịch vụ sẽ có thể được cung cấp mà không bị bó buộc về thời gian hay khoảng cách vật lý
Ví dụ như: một chiếc xe chạy ở nước A được gắn cảm ứng vào hệ thống. Cảm ứng này thu được thông tin đĩa thắng gặp vấn đề và gửi dữ liệu về trung tâm dịch vụ ở nước B, cách nước A nửa vòng trái đất, thông qua mạng Internet. Dữ liêu của linh kiện cần thay thế sẽ được trung tâm gửi đến cửa hàng tại nước A. Cửa hàng tại nước A lại sử dụng máy in 3D để in linh kiện ấy và thông báo đến chủ chiếc xe rằng cần thay thế linh kiện. Nhờ vậy, chủ xe có thể thay thế linh kiện trước cả khi xe hỏng và tiết kiệm được khoản tiền thuê xe thay thế khi gặp hỏng hóc. Mô hình này cho đến hiện nay vẫn chưa có, nhưng trong tương lai gần lại rất có thể thành hiện thực. Nếu như vậy, các doanh nghiệp lại càng dễ dàng hơn trong việc tiến quân đầu tư ra nước ngoài.
Dịch vụ Uber cho thuê xe taxi thông qua ứng dụng trên smartphone cũng chính là một trong những mô hình kinh doanh mới áp dụng IoT. Uber sử dụng GPS của smartphone để xác định vị trí của khách hàng. Sau đó, hãng sẽ chọn lựa xe có vị trí gần nhất trong các xe đã đăng ký với hãng và gửi đi đón, Đây chính là cơ cấu kết nối giữa con người và máy móc thông qua ứng dụng smartphone. Hiện tại, đã có rất nhiều công ty đã sử dụng loại cơ cấu này để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đièu quan trọng nhất ở đây chính là hình thức này suy nghĩ đến nhu cầu thực sự của khách hàng. Khách hàng gọi taxi không phải họ muốn leo lên xe taxi, cái họ cần là một phương tiện di chuyển. Mặt khác, người sở hữu xe lại muốn sử dụng xe hiệu quả trong thời gian trống.
Kết hợp nhu cầu và cung ứng trong thời gian thực chính là hiệu quả của IoT. Kể từ giờ, nhờ vào IoT, có lẽ các mô hình kinh doanh tối ưu hoá nhu cầu hiện tại giống như Uber sẽ ngày càng được mở rộng.
IoT có sức mạnh kết nối khách hàng và nhà sản xuất.
Trong tương lai, cách khách hàng chọn lựa hàng hoá và cách sản xuất ra sản phẩm sẽ thay đổi chóng mặt.
Hiện nay, khách hàng phải chọn sản phẩm từ dãy hàng hoá mà phía nhà sản xuất chuẩn bị. Nếu muốn tự thay đổi thiết kế sản phẩm theo sở thích thì phải tốn kém thêm một khoản phí nhất định công thêm khá nhiều phiền toái.
Tuy nhiên, nhờ vào IoT, khách hàng có thể tự thay đổi thiết kế phù hợp và mua 1 sản phẩm với giá tương đương sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Dựa trên màn hình tương tác mà nhà sản xuất chuẩn bị sẵn, người sử dụng có thể dễ dàng thay đổi thiết kế phù hợp với nhu cầu sử dụng hay màu sắc yêu thích. Những dữ liệu về sản phẩm ấy sẽ được gửi trực tiếp đến công xưởng đã được thiết kế tự động hoá toàn bộ, có thể đáp ứng được ngay khi có đơn đặt hàng sản xuất. Đáp ứng được tinh thần sản xuất nổi tiếng từ trước đến nay của phương thức sản xuất Toyota, “sản xuất được sản phẩm cần thiết, với lượng cần thiết, vào lúc cần thiết”, nhờ đó hạn chế được nhiều loại lãng phí phát sinh trong quá trình sản xuất.
Theo tạo chí Diamond
Biên dịch: Trịnh Trần Khánh Duy