※ Hình: Thận nhân tạo mini trong đĩa nuôi cấy tế bào (Nguồn: University of Queenland)
Thay vì phải đợi một trong số những quả thận hiến tặng hiếm hoi, bệnh nhân cần được cấy ghép có thể sẽ có một quả thận mới được nuôi cấy dành riêng cho họ. Phép màu đó đã có một bước tiến gần hơn đến sự thực, khi các nhà khoa học tại Đại Học Queenland thuộc Úc (Australia) đã thành công trong việc nuôi cấy một “quả thận mini” từ tế bào gốc.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một phương thức độc quyền mới, cho phép “dẫn” các tế bào gốc trong một đĩa nuôi cấy nhân tạo có thể tự tổ chức thành một quả thận thu nhỏ (miniature kidney). Trưởng dự án – Giáo Sư Melissa Little cho biết: “Trong quá trình tự tổ chức, các loại tế bào khác nhau sẽ tự sắp xếp một cách tương ứng với nhau để tạo thành các cấu trúc phức tạp chỉ xuất hiện trong các cơ quan nội tạng, mà ở trường hợp này, đó là thận”.
Tế bào gốc, giống như các bạn có thể đã biết, là tế bào ở trạng thái “trống rỗng” cơ bản nhất, và có khả năng biến đổi thành rất nhiều loại tế bào chuyên biệt khác nhau. Các nghiên cứu trước đây đã có thể biến chúng thành tế bào phổi, võng mạc, và tế bào não… trong vô vàn các loại tế bào khác.
Tất nhiên, cũng cần phải chú ý là dù nghiên cứu này là đầy hứa hẹn, nhưng việc thử nghiệm trên người với thận nhân tạo trong phòng thí nghiệm với kích thước thực (full-size lab-grown kidneys) sẽ không phải chuyện được thực hiện trong một sớm một chiều. Trong thời điểm hiện tại, những quả thận mini có thể được sử dụng để thử nghiệm thuốc (thay vì thử nghiệm trên người với các rủi ro về tác dụng phụ).
Bài viết chuyên sâu về nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Nature Cell Biology.
Cũng trong đầu năm vừa qua (2013), các nhà khoa học tại Bệnh Viên Trung Tâm Massachusetts (Massachusetts General Hospital Center for Regenerative Medicine) đã tạo ra một quả thận chuột với đầy đủ tính năng như thận thực. Tất nhiên, trong trường hợp này, họ đã thực hiện bằng cách tước các tế bào từ một quả thận có sẵn, và “tái cấy” vào khuôn, giàn giáo collagen bằng tế bào biểu mô (endothelial cells). Và một nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên Cứu Dược Mario Negri của Ý cũng đã tạo thành quả thận “mô phỏng” (organoids) với khả năng hoạt động tương tự như thận thật khi được cấy vào cơ thể chuột.
Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag
Link luận văn: