Khái quát về giải quyết vấn đề theo phong cách Toyota

Toyota sau khi vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế như khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã vươn lên trở thành công ty hàng đầu thế giới. Nhưng để nên điều kỳ diệu đó Toyota đã sử dụng công cụ thần kỳ nào? Công cụ thần kỳ đó chính là phương pháp “giải quyết vấn đề”.

Phương châm của Toyota là đứng trên lập trường của khách hàng để tìm ra vấn đề của chính mình và giải quyết những vấn đề đó. Ông Ono Taiichi (nguyên phó giám đốc Toyota đồng thời là người tổng hợp nên phương thức sản xuất Toyota TPS) từng phát biểu rằng: “Người không biết vấn đề là gì sẽ là người gặp nhiều khó khăn nhất”. Cũng bởi thế mà Toyota là nơi biết được tầm quan trọng của “giải quyết vấn đề” hơn nhiều nơi khác.

Vấn đề ở mọi nơi tại mọi thời điểm quanh ta. Trước tiên, hãy thử nhìn xung quanh chúng ta đang có những vấn đề gì? Bạn chăm chỉ học hành nhưng thành tích không vẫn chỉ mãi dậm chân tại chỗ, bạn không có bạn gái, hay trong công việc, việc làm ăn không thu được lợi nhuận, bạn cũng không sao thuyết phục được cấp trên chấp nhận phương án của mình… Dù với bất cứ vấn đề to hay nhỏ, vấn đề cá nhân hay vấn đề trong tập thể chúng ta cũng phải giải quyết triệt để chúng và sự thực chúng ta có thể giải quyết triệt để chúng.

Giả sử có một trường hợp sau: Gần đây, doanh thu của cửa hàng bị giảm sút, ông chủ A và ông chủ B đã đưa ra các ý kiến để cải thiện tình hình. Ông A chưa có phương án cụ thể mà chỉ toàn những suy nghĩ kiểu như:

-Số lượng khách giảm xuống hay đơn giá khách gọi bị tụt giảm?
-Trong lượng khách giảm đó, tầng lớp khách hàng nào đang giảm?
– Tại sao lại xảy ra chuyện như vậy?

Trong khi đó ông B lại có những phương án hết sức cụ thể
-Có nên thay đổi thực đơn?
-Phát tờ rơi để quảng cáo?
-Cần phải trang trí lại cửa hàng cho khang trang hơn?

Theo bạn cách làm của ông chủ nào sẽ đạt hiệu quả? Ồ, tất nhiên là ông B rồi. Tôi đã nghĩ như vậy bởi ông B có những phương án hết sức cụ thể. Nhưng tôi đã nhầm. Theo Toyota cách làm của ông A mới là hiệu quả. Tại sao vậy nhỉ?

Ông A mặc dù chưa có phương án giải quyết nhưng ông đã tìm kiếm nguyên nhân của việc doanh thu giảm. Tức ông A đang xem xét hiện trạng và truy tìm nguyên nhân vấn đề. Cách làm này sẽ tìm ra nguyên nhân tận gốc của vấn đề, từ đó giúp giải quyết dứt điểm vấn đề đã xảy ra.

Nhìn thoáng qua, tưởng chừng ông B đã có những phương án giải quyết thật là hay, nhưng thực tế ông B chỉ đưa ra cách giải quyết tạm thời, không tìm ra nguyên nhân tận gốc và sẽ tiêu tốn khá nhiều chi phí cho những đối sách chưa chắc đã đúng đó. Chẳng biết đâu ông lại biến lợn lành thành lợn què cũng nên.

Đến đây chúng ta hãy thử cùng suy nghĩ về sự khác biệt giữa người có năng lực giải quyết vấn đề và người không có năng lực giải quyết vấn đề là gì?

Người có năng lực giải quyết vấn đề sẽ:
– Tích góp được nhiều thành quả, thu được đánh giá cao
– Tốc độ công việc nhanh, hoàn thiện được bản thân
– Được mọi người xung quanh công nhận, cấp dưới và những nhân viên vào sau tôn trọng
– Luôn có tinh thần làm việc cao

Người không có năng lực giải quyết vấn đề sẽ:
– Dù có nỗ lực cũng không đưa ra được thành quả
– Làm nhiều công việc không cần thiết dẫn đến thời gian làm thêm giờ tăng
– Dần bị mất đi sự tin tưởng từ mọi người xung quanh
– Dần dần trở nên chán nản

Vậy bạn muốn trở thành người như thế nào?
Người:
– Tìm ra đối sách để giải quyết vấn đề một cách xác thực nhất
– Tìm ra đối sách để giải quyết vấn đề triệt để, không để vấn đề xảy ra đến lần thứ 2
hay bạn muốn trở thành người:
– Đưa ra đối sách là những lời kêu gọi, những câu khẩu hiệu
– Đưa ra phương án giải quyết vấn đề chỉ dựa vào kinh nghiệm và cảm giác
– Đưa ra phương án giải quyết mang tính đối phó tạm thời

Tôi cá chẳng có ai muốn trở thành người phía sau đâu. Chính bản thân tôi cũng muốn trở thành người có năng lực giải quyết vấn đề một cách triệt để nhất. Tôi đã tham gia khoá học kết hợp giữa Đại học Công Nghiệp Nagoya và công ty Toyota mang tên “Giải quyết vấn đề” và từ giờ trở đi sẽ ghi chú lại nội dung các bài giảng để cùng chia sẻ với các bạn.

Bài hôm nay tôi học được là nội dung khái quát trong giải quyết vấn đề theo phong cách Toyota. 8 bước cơ bản đó có nội dung và thứ tự như sau:

1. Làm sáng tỏ vấn đề
2. Tiến hành điều tra hiện trạng và quyết định bộ phận sẽ giải quyết vấn đề đó
3. Xác định mục tiêu
4. Suy nghĩ và tìm ra nguyên nhân
5. Xây dựng đối sách
6. Tiến hành đối sách
7. Tổng kết lại kết quả đạt được, việc hoàn thành tốt và những việc chưa thực hiện được
8. Đưa kết quả thành tiêu chuẩn hóa

Giải quyết vấn đề như thế nào? (Nguồn: Kynang.edu)

Trong đó cần để ý đến 3 điều cơ bản bao gồm “Nắm bắt hiện trạng” (bước 2), “Tìm kiếm nguyên nhân” (bước 4) và “Đề xuất phương án giải quyết” (bước 5). Đây là những bước cơ bản và cần thiết nhất để bạn giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.

Dù trong học tập hay trong công việc, đối với các vấn đề hiện tại mà bạn đang gặp phải, hãy làm theo từng bước một chậm rãi mà chắc chắn, nhất định bạn sẽ thành công.

Tác giả: Kiều Chinh

Hiệu đính: Nguyễn Sinh Côn

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments