Industry 4.0 là gì?

Một số năm gần đây, các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu đang rất quan tâm tới từ khóa “Industry 4.0”. Vậy “Industry 4.0” nghĩa là gì và tại sao nó lại thu hút sự chú ý của nhiều nước đến như vậy.

“Industry 4.0” thực chất là một chính sách của chính phủ Đức đưa ra cho nền sản xuất nước này. Chính sách này hướng tới duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Đức trên thế giới. Nội dung cơ bản của chính sách này chính là xây dựng những “công xưởng thông minh” hoạt động với hiệu suất cao. Hiện nay, chính phủ Đức cũng đang tập hợp các tập đoàn công nghiệp lớn về cơ điện và máy móc để thảo luận về những nội dung liên quan đến vấn đề quan trọng như tiêu chuẩn hóa, hay xây dựng những tiêu chuẩn mới.

“Industry 4.0” có từ bao giờ?

Mặc dù chúng ta chỉ nhắc đến cụm từ “Industry 4.0” trong một hai năm trở lại đây nhưng thực chất chính sách này đã lần đầu tiên được đưa ra thảo luận vào năm 2011 và là một nội dung bao gồm trong “chiến lượng hiện đại hóa đến năm 2020” mà chính phủ Đức đã thống nhất từ năm 2010.

Thực ra “công xưởng thông minh” với hiệu suất cao đã có tại Đức trong một vài năm trở lại đây trong một số doanh nghiệp lớn như Siemen hay Bosch, nhưng vẫn tồn tại vấn đề “mỗi công xưởng là một thực thể riêng biệt”. Cũng có ý kiến cho rằng sự độc lập, độc nhất của mỗi công xưởng là khởi nguồn cho năng lực cạnh tranh nhưng nhìn nhận một cách khánh quan thì công xưởng hiện tại vẫn tồn tại rất nhiều lãng phí. Đơn giản như không phải tất cả các công xưởng của cùng một công ty cũng áp dụng cùng một phương pháp sản xuất, hay mối liên kết giữa các công xưởng còn nhiều yếu kém dẫn đến việc chia sẻ kinh nghiệm, know-how gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, với mỗi doanh nghiệp vẫn luôn mang quy chuẩn khác nhau, mặc dù cùng sản xuất cùng một sản phẩm. Nếu đứng trên lập trường của khách hàng, tất nhiên chúng ta luôn mong muốn được sử dụng một sản phẩm được chế tạo bởi một hệ thống thống nhất và dễ sử dụng. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời để nâng cao năng lực của nền công nghiệp, chính phủ Đức cho rằng cần tiêu chuẩn hóa đến một mức độ nào đó những công xưởng rời rạc hiện tại.

Theo bản báo cáo năm 2014, chính phủ Đức sẽ dành ra 20 năm (đến năm 2035) để thực hiện kế hoạch này. Đây cũng là khoảng thời gian đủ để các điều kiện cuối cùng được thống nhất và các doanh nghiệp Đức có thể trang bị đầy đủ máy móc và thiết bị cho nhà xưởng.

“Industry 4.0” sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Hiện tại, chúng ta – những người tiêu dùng chủ yếu sẽ chọn và mua những sản phẩm đã được chế tạo sẵn. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, chúng ta có thể chọn sản phẩm mình cần, tự thiết kế chúng và đặt hàng sản xuất với giá không đổi so với cách làm hiện nay. Quy trình này gọi là mass customization (tạm dịch là sản xuất hàng loạt những sản phẩm đơn chiếc với giá thành thấp). Điều này sẽ làm cuộc sống của chúng ta thêm phong phú với nhiều sự lựa chọn hơn.

Người tiêu dùng sẽ không bắt buộc phải mua những sản phẩm được thiết kế sẵn nữa

Không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người tiêu dùng, đề án này cũng có thể là cú hích rất lớn đối với ngành sản xuất. Đối với những doanh nghiệp lớn áp dụng phương thức sản xuất hàng loạt từ những năm 1980, cần có những thay đổi để thích nghi. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ, nếu “thông minh hóa” được công đoạn sản xuất, họ sẽ được hưởng không ít lợi ích từ xu thế này và có cơ hội bứt phá lên.

 

Thực hiện: Bùi Linh

Tài liệu tham khảo: Industry 4.0 – Nikkei

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan