Hãy tưởng tượng về một đội quân gồm các hình hộp lập phương hoàn toàn phẳng, nhưng có thể tự lăn hoặc thâm chí là nhảy chồng lên nhau để tạo thành những hình thái cấu trúc lớn hơn. Đó chính xác là những gì mà một nhóm các nhà nghiên cứu về robot của Đại Học MIT đang cố gắng tạo thành hiện thực. Và đến nay, họ đã tạo ra được những nguyên mẫu hình hộp lập phương đầu tiên có thể làm được điều kỳ diệu đó.
Được biết đến với tên gọi là M-Blocks, những thiết bị này đã được tạo ra bởi ông John Romanishin, Daniela Rus và Kyle Gilpin thuộc Đại Học MIT.
Ngoài một hệ thống mạch cho phép chúng có khả năng định hướng bản thân một cách tương đối với các hình hộp lập phương khác, các thiết bị này còn được trang bị một bánh đà chạy bằng động cơ, có khả năng quay đến 20,000 rpm (vòng trên phút). Khi bánh đà này đột ngột phanh lại, thì momen quay sẽ đẩy khối hộp lập phương bay theo đúng hướng mà bánh đà đã chuyển động. Các khối lập phương này cũng được trang bị nam châm trên bề mặt, giúp chúng bám dính vào với nhau khi có tương tác.
Để đảm bảo nam châm trên 2 bề mặt tiếp xúc là khác cực với nhau (nam-bắc), các nam châm đều được làm hình trụ và có khả năng quay tại chỗ. Nếu nam châm của 2 khối lập phương là đồng cực (nam-nam hoặc bắc –bắc), lưc đẩy sẽ làm cho chúng quay tròn đến khi nào mặt tiếp xúc là khác cực và bám dính vào nhau. Ngoài ra ở mỗi bề mặt cũng có 4 cặp nam châm nhỏ hơn, được xếp đối xứng để giúp các hình khối gắn khít và chính xác hơn.
Với nguyên mẫu hiện tại, các khối lập phương có thể lăn xung quanh, bật lên trên không, leo bám vào nhau và thậm chí là di chuyển khi bị treo ngược xuống. Không chỉ có khả năng hoạt động độc lập như các hệ thống module khác, các khối lập phương này còn có nhiều phương thức vận động khác, tương tác đến nhiều khối lập phương phối hợp với nhau một lúc. Điều đó mở ra một cánh cửa hoàn toàn khác, với những ứng dụng nằm ngoài những gì mà con người thường nghĩ khi nghe đến từ “tự lắp ghép” (Self-assembly).
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một nhóm gồm 100 khối lập phương như thế và họ vẫn chưa có ý định dừng con số này lại. Ông Romanishin cho biết trong một thông cáo báo chí: “Điều mà chúng tôi muốn đó là hàng trăm, hàng ngàn khối lập phương- nằm rải rác lung tung trên sàn có thể tự xác định, tự hợp lại với nhau để tạo thành hình ghế, bàn hay thậm chí là các bậc thang khi có yêu cầu.”
Các nhà nghiên cứu vẫn hy vọng các robot này có thể được chế tạo nhỏ hơn nữa. Với kích thước ở tầm microbot (vi robot), chúng sẽ có thể tự tạo thành một robot kích thước lớn hơn, giống như loại robot làm từ hợp chất “thép lỏng” (liquid steel) từng xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng “Kẻ Hủy Diệt” (Terminator 2). Nhờ vào thiết kế đơn giản của các khối lập phương, đây không phải là điều không thể làm được.
Tuy nhiên, ngay với kích thước hiện tại cũng đã mở ra vô số ứng dụng trong tương lai của các sản phẩm này. Tưởng tượng vô số những sản phẩm thế hệ kế tiếp của những khối lập phương này không chừng sẽ có thể được sử dụng để triển khai các dịch vụ như: sửa chữa các tòa nhà, cầu đường tại các nơi xảy ra thảm họa, hoặc trinh sát các môi trường nguy hiểm hoặc tự ghép thành các giàn giáo tại công trường xây dựng. Tại thời điểm đó, có thể chúng cũng sẽ được trang bị một vài tính năng đặc biệt hơn, ví dụ như camera, pin, đèn hoặc cảm biến…
Còn hiện tại, bạn có thể xem hoạt động của chúng trong clip đính kèm dưới đây.
[youtube link=”http://www.youtube.com/watch?v=mOqjFa4RskA” width=”590″ height=”315″]
Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag