Top 5 công việc mới phái sinh từ xu hướng IIoT trong công xưởng

Từ quá khứ

Khi động cơ hơi nước mới được sáng chế vào năm 1781, nhiều người đã cho rằng thế giới sẽ sớm không còn người lao động chân tay nữa. Thế nhưng mọi việc hoàn toàn ngược lại. Động cơ hơi nước đã tạo ra những mảng mới như hệ thống đường sắt, hoặc công xưởng. Một vài công việc tay chân bị mất đi, nhưng một cơ số công việc mới lại xuất hiện, ví dụ như việc vận hành máy móc, kỹ sư, công nhân bảo trì, bảo dưỡng.

Khoảng 250 năm sau, một cuộc tranh luận tương tự lại nổ ra. Những công nghệ công nghiệp thế hệ mới, gọi là IIoT (Industrial Internet of Things) hoặc Industry 4.0 liệu có thay thế công việc của chúng ta ?

Trong cuốn sách “The Second Machine Age”, tác giả Erik Brynjolfsson và Adrew McAfee đã vẽ ra một viễn cảnh đầy tiêu cực, cho rằng nhiều công việc bàn giấy sẽ bị thay thế bằng robot. Tất nhiên, ảnh hưởng của IIoT đến các công việc lặp đi lặp lại và đơn giản như lắp ráp, quản trị, quản lý chất lượng, và lập kế hoạch. Thế nhưng liệu tổng số lượng công việc dành cho con người có bị giảm đi.

Trên thực tế bức tranh toàn cảnh của Industry 4.0 không hề tệ chút nào. Nhiều ngành nghề có cơ hội phát triển hơn đặc biệt trong lĩnh vực IT và R&D. Có vẻ như những công nghệ phái sinh từ IIoT sẽ tạo ra những đề nghị sản phẩm mới hoặc những mô hình kinh doanh mới (ví dụ như dịch vụ cho thuê máy móc, hoặc in 3D tại chỗ). Nếu xu hướng này tiếp tục, chỉ riêng tại Đức có thể sẽ tăng khoảng 350,000 nghề liên quan đến IIoT trong 10 năm tới. Điều thú vị là chúng ta sẽ chứng kiến quá trình chuyển đổi giữa các vị trí trong công việc nhiều hơn là sự mất mát.

Đến tương lai

Dưới đây là 5 nghề được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh dưới thời kỳ của IIoT trong những năm tới.

1. Khoa học dữ liệu công nghiệp:

Tờ Harvard Business Review đánh giá đây là nghề hấp dẫn nhất thế kỷ 21. Tuy hiện nay các nhà khoa học dữ liệu (data scientist) phần lớn kiếm việc trong các công ty thương mại trực tuyến, nhưng họ sẽ sớm có mặt trong thế giới của IIoT.

Vai trò của các nhà khoa học dữ liệu là bóc tách và chuẩn bị dữ liệu, tiến hành các phân tích tiên tiến, áp dụng những phát hiện trong việc nâng cao sản xuất và chất lượng sản phẩm. Những nhà khoa học dữ liệu công nghiệp sẽ cần hiểu cả quá trình sản xuất và hệ thống IT, đặc biệt là kỹ năng phân tích để phát hiện những điểm tương đồng, đưa ra kết luận.

Các kỹ năng lập trình sẽ rất cần thiết, bao gồm các ngôn ngữ thống kê, ví dụ như “R”, và các ngôn ngữ đa dụng như “Python”.

2. Công nhân phối hợp với Robot:

Ảnh (Productionmachining)

Những robot tự động, bán tự động và giống người (humanoid) sẽ sớm xuất hiện tại các cửa hàng và nhà máy. Từ đó kéo theo nhu cầu về công nhân, nhân viên phối hợp cùng những robot này để giám sát quá trình hoạt động và phản ứng với những lỗi có thể xảy ra.

Người công nhân/ nhân viên cần có đủ kỹ năng tương đương các chuyên gia để xử lý khẩn cấp, bảo trì bảo dưỡng khi cần thiết. Trong trường hợp cần thiết, người công nhân có thể phải thay thế robot để duy trì tiến độ công việc.

3. Kỹ sư giải pháp IT/IoT:

Hệ thống IT trong các công ty sản xuất là rất quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp. Để quản lý tốt số lượng máy móc và sản phẩm vẫn tăng lên từng ngày, và đảm bảo chúng kết nối liên tục, thì không thể thiếu những kỹ sư giải pháp IT.

Công việc của họ cũng bao gồm việc đảm bảo yêu cầu hệ thống, yêu cầu kỹ thuật phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Cùng với các kỹ sư kỹ thuật, họ sẽ xây dựng những thông số kỹ thuật, tích hợp công nghệ, nền tảng, và con người. Người kỹ sư giải pháp cũng sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong các ứng dụng như trung tâm điều khiển từ xa, dự đoán bảo trì bảo dưỡng, hỗ trợ thao tác (bằng công nghệ thực tế ảo). Tương tự với các nhà khoa học dữ liệu, các kỹ sư giải pháp cần có khoảng kỹ năng rộng, bao gồm các kinh nghiệm IT cho đến các bí quyết kinh doanh.

4. Kỹ sư, lập trình viên công nghiệp:

Ảnh: bigcitymarketing

Các giải pháp IT được thiết kế bởi kỹ sư giải pháp sẽ được hoàn thiện bởi các kỹ sư máy tính, lập trình viên công nghiệp. Có ba kỹ năng lập trình cần thiết cho công việc về IoT.

Đầu tiên, người lập trình viên cần có kinh nghiệm làm việc với các ngôn ngữ thông dụng như Java, C++, hoặc Python. Thứ hai, anh ta hoặc cô ta cần có khả năng làm việc với các phần mềm chuyên dụng như Matlab, Simulink trong mô phỏng công nghiệp, hoặc R trong phân tích dữ liệu. Cuối cùng là khả năng lập trình nhúng cho phần cứng. Những hệ thống Robot, thiết bị thông minh cần được lập trình cẩn thận. Kỹ năng này yêu cầu sự phối hợp của các ngôn ngữ như C, VHDL, hoặc Kuka’s KRL.

Người kỹ sư máy tính nên chú ý đến xu hướng chuyển dịch sang các nền tảng xử lý trên điện toán đám mây, ví dụ như ngôn ngữ node.js.

5. Chuyên gia thiết kế UI/UX công nghiệp:

Một công việc khác đang dịch chuyển từ phía người dùng sang thế giới công nghiệp đó là thiết kế giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX). Từ những bảng thông báo trên máy tính bảng, điện thoại di động đến các giao diện máy móc, robot, ứng dụng thực tế ảo,… môi trường công nghiệp sẽ sớm thấy một sự tăng trưởng đột biến của nhu cầu tối ưu hoá giao diện người dùng.

Công việc chính của kỹ sư thiết kế UX là đảm bảo sản phẩm sẽ di chuyển trơn tru mượt mà từ bước này sang bước khác. Còn kỹ sư thiết kế UI sẽ đảm nhiệm việc thiết kế các màn hình, trang chủ để người dùng tương tác và đảm bảo giao diện tương tác tốt với hành trình mà kỹ sư thiết kế UX đã vạch ra.

Yêu cầu cho những người kỹ sư này là kiến thức cơ bản về thiết kế phần mềm công nghiệp và một chút xu hướng nghệ thuật.

Nếu bạn đang chưa biết lựa chọn sự nghiệp như thế nào trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất của tương lai, 5 nghề bên trên có thể là một gợi ý. Ngoài ra dự đoán được xu hướng là cơ hội để bạn học hỏi và tăng cường thế mạnh của bản thân trong tương lai.

[divider]

Biên dịch: Trungmaster, theo iot-analytics

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan