Chuyện phiếm xoay quanh việc McDonald’s vào Việt Nam

Thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam vốn đã có tên những ông lớn như KFC, Lotteria, Starbucks…đã tưởng như ổn định từ những năm qua. Nhưng việc người khổng lồ trong thị trường ăn nhanh McDonald’s tiến vào Việt Nam đã khuấy động thông tin trên mạng cả tuần qua. Liệu McDonald’s có thể chiếm được vị thế cao ở Việt Nam hay không, tôi không thể nào dự đoán. Vậy, chúng ta hãy nhìn ở phương diện khác để phân tích về vấn đề này: Nếu McDonald’s thành công vang dội tại Việt Nam, ảnh hưởng việc đó tới kinh tế, lối sống, sức khỏe, và tài chính gia đình người Việt sẽ diễn ra như thế nào ?.

Biểu tượng của MacDonald's. Nguồn: www.vinacorp.vn
Hình tượng chú hề nổi tiếng của MacDonald’s. Nguồn: www.vinacorp.vn

Tại đây tôi không tiện nêu lại lịch sử hình thành của hệ thống McDonald’s, vì chỉ cần 1 lệnh tìm kiếm trên Google, bạn có thể tìm thấy hàng loạt bài báo nói tới việc này. Chúng ta sẽ đi ngay vào vấn đề, sự thâm nhập của McDonald’s sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe, lối sống và tài chính người Việt ?

Từ nước xuất khẩu gạo thành nước nhập khẩu lúa mì, thịt bò ? 

Việt Nam là một đất nước đang phát triển, nền nông nghiệp là chủ đạo, chúng ta xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, và cho dù giá gạo xuống tới mức còn rẻ hơn giá ốc bươu vàng, thì một số người vẫn rất tự hào vì điều này. Bữa cơm của người Việt lấy chủ đạo là gạo, là nguồn cung cấp tinh bột chính cho người Việt. Trong khi đó, thành phần chủ yếu của bánh hambuger – thực đơn chính của McDonald’s lại là bánh mỳ – làm bằng lúa mì và thịt bò.

Giả sử, chỉ là giả sử, rằng McDonald’s sẽ rất thành công trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Vậy thì chúng ta sẽ trở thành nước nhập khẩu lúa mì ? Khi mà thói quen ăn lúa mì – bắt nguồn từ thói quen ăn McDonald’s của người Việt trong năm 20XX được thành lập ?  Và chúng ta sẽ phải nhập thịt bò Mỹ, hay là những con bò, sức kéo chính của cả nền nông nghiệp sẽ lên thớt tại các cửa hàng chế biến cho McDonald’s ?

Chúng ta đã nói thì phải có luận cứ lịch sử một chút. Trước chiến tranh thế giới II, người Nhật cũng là một nước mà người dân lấy gạo làm thức ăn chủ đạo. Thế nhưng, sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc, nước Nhật đói kém do bị tàn phá, và tướng Mỹ chịu trách nhiệm chiếm đóng Douglas MacArthur đã viện trợ Nhật Bản rất nhiều lúa mì, và từ đó người Nhật quen với việc ăn lúa mì. Và cũng chính từ đó, Nhật Bản là một trong những nước nhập khẩu lúa mì từ Mỹ.

Tất nhiên, nguy cơ Việt Nam trở thành nước phụ thuộc nông nghiệp vì lý do McDonald’s tiến vào Việt Nam không xảy ra ngay lập tức, nhưng mà… biết đâu đấy.

Có đủ chất dinh dưỡng, có đánh giá ?

Một suất ăn thường thấy tại các cửa hàng Macdonald’s. Nguồn: www.zaikei.co.jp
Một suất ăn thường thấy tại các cửa hàng MacDonal. Nguồn: www.zaikei.co.jp

Từ khi xuất hiện McDonald’s ở Mỹ, tính tới thời điểm hiện tại đã có rất nhiều vụ kiện xoay quanh việc thức ăn của McDonald’s chứa quá nhiều chất béo, làm cho người Mỹ bị béo phì. Tôi không ở Mỹ, nhưng đã từng đi ăn McDonald’s rất nhiều lần ở Nhật Bản. Và kết luận của tôi là: Ăn McDonald’s nhiều sẽ chỉ làm sức khỏe người Việt Nam kém đi.

Thứ nhất, đối tượng mà McDonald’s hướng tới chắc chắn sẽ hướng phần lớn tới học sinh, sinh viên. Chắc hẳn các bạn biết người Việt có tầm vóc khá khiêm tốn so với các quốc gia khác trên thế giới. Ăn McDonald’s có làm người Việt khỏe hơn không ? Chắc chắn không! Một suất ăn gồm 2 miếng bánh mỳ, vài miếng rau salad, chút bơ và 1 miếng thịt bò bên Nhật Bản của McDonald’s có giá từ 500 yên trở đi – tức tầm 100 ngàn đồng Việt Nam. Chắc chắn không đủ dinh dưỡng so với việc bạn đi ăn ngoài các tiệm ăn bình dân cùng mức giá, hay chỉ là một bát phở bình thường. Ăn hambuger của McDonald’s không cho bạn đủ dinh dưỡng – đó là điều tôi chắc chắn, chỉ làm bạn yếu cơ tim đi do chứa lượng chất béo rất lớn, nó cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh liên quan tới sức khỏe khác.

Nếu McDonald’s thành công trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam, chắc hẳn chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển biến trong sức khỏe người Việt. Mà theo tôi, là sẽ xấu đi rất nhiều.

Phá hỏng bữa sáng gia đình

Khi còn ở Việt Nam, tôi thường được mẹ nấu phở ăn sáng. Và bố tôi luôn dạy tôi rằng, chỉ có ăn no bụng bữa sáng thì mới có sức khỏe cho cả ngày lao động, học tập mệt nhọc. Và lớn lên tôi biết thêm câu “Ăn sáng là ăn cho mình, Ăn trưa là ăn cho bạn bè, Ăn tối là ăn cho kẻ thù” để chỉ mức ảnh hưởng của các bữa ăn lên tình trạng sức khỏe của bản thân.

Vậy, nếu McDonald’s làm cho các bạn học sinh xếp hàng dài ngoài quán ăn, như tượng trưng cho sự sành điệu, biểu hiện của một nước “giả công nghiệp” với gần 50% dân số trẻ thất nghiệp. Chắc chắn bữa ăn gia đình sẽ bị ảnh hưởng rất lớn hoặc không còn. Người trẻ sẽ không còn muốn ăn cơm nhà, vì bất kỳ lúc nào họ cũng sẽ có thể tụ tập thâu đêm suốt sáng, để “ních” vào người những chất béo vô bổ, trong khi những thành viên khác trong gia đình thì gầy mòn đi, không chỉ vì phải đưa một số tiền lớn cho con bằng bạn bằng bè, mà còn héo mòn con tim, khi mà truyền thống văn hóa gia đình tại Việt Nam, bị một “thằng hề mũi đỏ” xía vào phá vỡ.


Nguyễn Xuân Truyền


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

18 thoughts on “Chuyện phiếm xoay quanh việc McDonald’s vào Việt Nam”

  1. duy

    vớ vẩn, noi phải nghĩ nhiều khía cạnh chứ quan niệm kiêu này bao h mới phát triển, bạn nghĩ ai cung đổ xô di ăn cả 3 bữa ak, mà đoạn thị trường mc thâm nhập chính là giới có thu nhập tương đối cao. đúng là nhận định lỗi thời

  2. ChaCha

    em chỉ muốn nói là, một suất ăn, gồm 2 miếng bánh mỳ, vài miếng rau salad, chút bơ và 1 miếng thịt bò( giá cao nhất cũng chỉ khoảng 380 yên) còn thêm khoai tây với đồ uống thì mới trên 500 yên… Em cũng nghĩ ăn nhiều macdolnal cũng không tôt, nhưng một tuần khoảng 1 lần thì chắc không có việc gì đâu nhỉ!

  3. Nguyen Xuan Luan

    Bài viết có những lập luân tương đối chắc chắn và phổ rộng song còn chưa hệ thống do kiến thức về kinh tế , xã hội còn có hạn chế nhất định, logic, bố cục còn ….

    cần tư duy sâu hơn tìm hiểu kỹ hơn có thể nghiên cứu định tính , định lượng trong khẩu phần ăn của người việt để thấy rõ tỉ trọng gạo trong khẩu phần bữa ăn hiện tại và tương lai khi McDonald’s can thiệp vào thi trường ăn nhanh việt nam

    Cần biết nhiều hơn về kiến thức kinh doanh bởi khi quyết định vào thị trường việt nam McDonald’s đã tiến hành nghiên cứu thị trường rất bài bản họ sẵn sàng đầu tư vì với tiềm lực tài chính khổng lồ họ sẵn sàng thâm nhập và tìm ra các phân khúc thị trường tiêu thụ hiệu quả

    kể cả chiến lươc về giá phù hợp với tâm lý của người việt

    Nhưng vẫn là bài viết tốt có tư duy phong phú McDonald’s chấp nhận và cảm ơn nhiều ý tưởng bài viết có thể góp phần cho thành công của McDonald’s thanks

  4. […] at TechVietfuji, Nguyễn Xuân Truyền writes, “McDonald’s has become famous in America for its influence on […]

  5. NTP

    Anh Phương đây. Hôm nào về Hà Nội anh mời đi Cơm kẹp burger xem vị thế nào. http://www.vietmac.com.vn/trang-chu.html

  6. NTP

    Việt Nam nhập lúa mì em ah , ngoài ra còn nhập nhiều thứ tưởng như không phải nhập với số lượng lớn như : đậu tương, ngô …

  7. Trinh Tran Khanh Duy

    không biết có phải anh Phương không? Em hơi bị thích ý tưởng của anh đấy. Đúng là cốt lõi vấn đề là làm sao hình thành nên một văn hoá ăn uống lành mạnh cho dân ta. nếu thành công thì giải quyết được vô khối vấn đề, và có thêm một chục thằng giống mcdonald nữa thì cũng không ăn thua.

  8. NTP

    Anh ủng hộ tinh thần bài viết, nhưng bài viết vẫn bị cảm xúc của tác giả chi phối nhiều quá, nên còn nhiều sơ hở về các luận cứ —> dễ bị phản bác.

    Ở VN cũng có bạn dùng gạo làm bánh kẹp nhân thịt như kiểu Macdonald. Nhưng giống như trong một cuộc chiến Macdonald có cả một nền công nghiệp trồng lúa mì, nuôi bò tại Mỹ, rồi thì thương hiệu và nguồn lực tài chính. Nếu đối đầu ăn thua trực tiếp với đội quân này thì e rằng sẽ không có lợi. Nên tốt hơn tạm thời mình công nhận những điểm tốt của họ là : họ sẽ đưa tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm vào VN. Về lâu dài thì cần phát huy, phát triển văn hóa ẩm thực của VN. Như Nhật Bản họ có Yoshinoya, matsuya ăn cơm rất gần gũi với văn hóa VN mà thực đơn cũng rất là : ngon, bổ, rẻ như 納豆定食 . Gạo của VN nếu đem nấu cơm rồi so sánh với gạo Nhật thì mình thua mất. Nhưng sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở … thì lại là vấn đề khác. Trên thế giới cũng đã có phong trào slowfood khởi nguồn tại Ý đối nghịch với fastfood. Slow hay fast ở đây không nên hiểu là ăn với tốc độ nhanh hay chậm hay phục vụ đưa thức ăn ra nhanh hay chậm. Ăn uống là một văn hóa làm thế nào khi người VN ngồi ăn đồ ăn của người Việt văn hóa đó được lan tỏa đi và có sự tương tác tích cực qua lại giữa những người ăn : đó là quan điểm của anh về slowfood . Lý thuyết là như vậy nên bạn nào thích về VN xây dựng văn hóa slowfood ẩm thực Việt với anh thì học cho nhanh rồi về nhé. 🙂 . Giờ chỉ thiếu người nhiệt huyết đủ tầm để cùng thực hiện thôi.

  9. xuantruyen

    =)) Okie em.

  10. Nguyễn Thị Ngọc Anh

    Nhân tiện đính chính một chút, em ko phải dân kinh doanh, em học quan hệ quốc tế, chủ yếu học về các tổ chức quốc tế. Thế nên em mới chỉ khen tinh thần của bài viết :))

  11. xuantruyen

    Được dân kinh doanh khen làm anh nở hết cả mặt mày =))

  12. Nguyễn Thị Ngọc Anh

    Em rất tán thành với tinh thần của bài viết. Từ trước tới giờ em cũng mong McDonald’s đừng có vào VN, ai ngờ nó sắp vào thật. Văn hóa ẩm thực thay đổi sẽ ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống chung, bọn trẻ suốt ngày la cà ở ngoài cửa hàng ăn nhanh sẽ không còn thắm thiết với bữa cơm gia đình nữa

  13. xuantruyen

    Like cho bình luận của Bách 1 cái =)) Có rất nhiều tình huống có thể diễn ra. Trường hợp anh “dự đoán” cũng chỉ là một trường hợp “có thể” xảy ra mà thôi.

  14. Nguyen Van Bach

    thêm một cái nữa (cũng ở phần đầu) em có ý kiến là nếu McDonald’s thành công ở Việt Nam thì em không nghĩ là nước ta sẽ phải nhập khẩu lúa mỳ đâu ạ. Bởi trước đây và hiện tại, khi chưa có McDonald’s nước ta cũng có một lượng lớn nguồn tiêu thụ lúa mỳ đó là các xe đẩy bán bánh mỳ dọc hè phố. Em nghĩ nếu cộng tất cả lượng lúa mỳ của các xe bánh mỳ như vậy trên toàn quốc thì chắc hơn gấp nhiều lần lượng tiêu thụ của McDonald’s, tuy nhiên hình như hiện tại nước ta ko cần phải nhập khẩu lúa mỳ!
    Sau này nếu McDonald’s thành công thì hệ quả tất yếu của nó là các xe bánh mỳ sẽ phần nào đó lụi tàn. Em nghĩ khi đó lượng thiếu hụt về cầu của lúa mỳ do giảm số lượng xe bán bánh mỳ sẽ bù qua cho McDonald’s. Vì vậy nếu có thiếu cũng sẽ thiếu ko nhiều và không đến nổi nước ta phải đi nhập lúa mỳ. Có chăng phải đi nhập khi chất lượng lúa mỳ trồng trong nước không đáp ứng nổi yêu cầu khắc khe (nếu có) của McDonald’s thôi ạ.

  15. xuantruyen

    Anh định nói là tinh bột. Anh sẽ sửa lại ^^

  16. Nguyen Van Bach

    trong phần đầu có đoạn “Bữa cơm của người Việt lấy chủ đạo là gạo, là nguồn cung cấp protein chính cho người Việt.”, tuy nhiên về phương diện khoa học thì thành phần chính của gạo là tinh bột (glucozo) anh ạ, muốn cung cấp protein thì phải ăn thịt, cá, trứng, sữa cơ.

  17. xuantruyen

    Ý kiến quá hay.

    1. Anh viết với suy nghĩ MacDonalds sẽ cắm chân lâu dài tại Việt Nam. Nếu ko chuẩn bị kỹ càng để cắm chân lâu dài, chắc họ cũng ko tìm hiểu thị trường lâu như thế.

    2. KFC có thịt gà, trực tiếp tiêu thụ gà cho Việt Nam =)), Lotteria anh cũng ko để ý lắm, chưa đến ăn bao giờ nên ko dám ý kiến. ^^ . Nhưng nó yếu hơn MacDonalds đúng ko =)) Vậy thì đánh phủ đầu thằng “to” là MacDonalds trước ))

    3. Vấn đề thực phẩm tất nhiên là vấn đề quan trọng rồi, anh cũng ko nên biết viết từ đâu. Đúng là cách đưa vấn đề hơi khập khiễng, nhưng bài viết, cũng như cái đầu đề của nó, chỉ là giả định tương lai. Và biết đâu, trong năm 20XX, vấn đề thực phẩm sẽ được Việt Nam giải quyết hoàn toàn =))
    Còn người dùng, thực ra các bà nội trợ tinh ý lắm chứ =)) Em ko phải lo về vấn đề này. Chỉ có bộ phận giới trẻ mới bị cuốn vào với thức ăn nhanh thôi.

    Câu chuyện phiếm về kinh tế cuối tuần.

  18. Trinh Tran Khanh Duy

    1/Anh viết bài báo này với cách đặt giả thiết như vậy phải chăng bày tỏ quan điểm lo ngại dân VN sẽ đổ xô đi ăn tại Macdonald và không chỉ trong thời gian đầu lúc mới mở mà cả sau đó nữa?(phải kéo trong thời gian dài thì mới có thể gây tác hại như bài viết của anh, theo em nhận định)

    (Đọc tiếp câu hỏi này của em nếu câu 1 anh trả lời là đúng vậy) 2/ Thức ăn nhanh không còn là khái niệm mới đối với dân VN, điều gì khiến anh nghĩ Macdonald sẽ thành công hơn KFC, Lotteria? Nếu thức ăn nhanh gây hại đến vậy thì phải chăng lúc này mới đặt vấn đề là quá muộn khi KFC và Lotteria đã có nền móng vững chắc ở VN?

    3/Vấn đề thực phẩm ở VN hiện đang trong tình trạng quá sức là báo động khi đụng đâu cũng thấy mất vệ sinh, dùng hoá chất gây ung thư. Trong bối cảnh đó mà chỉ trích Macdonald vào sẽ gây tác hại nghiêm trong so với bây giờ thì phải chăng có phần khập khiễng?Thay vì chỉ trích như vậy thì nên viết bài báo cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm để tránh các nguy cơ thì có vẻ có ích hơn?

    Quan điểm của em là thực phẩm không có tội, có chăng là do người tiêu dùng có đủ thông minh để dung hoà các loại thực phẩm, tránh những vấn đề về sức khoẻ.
    Cũng giống như đổ tội cho thời buổi công nghệ cao nên các văn hoá phẩm đồi truỵ dễ phát tán ấy. Nói chung không chỉ thức ăn nhanh mà ngay cả gạo nếu ăn quá nhiều thì cũng không tốt cho sức khoẻ.

Comments are closed.