Bạn bè và đồng nghiệp thường hỏi tôi (tác giả) rằng làm việc tại Google có gì khác so với những công ty khởi nghiệp tôi đã từng trải qua hay không. Tuy chỉ được vài tháng nhưng tôi nghĩ rằng bản thân đã học được nhiều điều.
1. Học giữ im lặng và lắng nghe. Vừa lắng nghe vừa nhìn thẳng vào mắt đối phương
Tôi nhận ra rằng mình đã tránh được nhiều lần xấu hổ bằng cách giữ im lặng thêm 10 giây trong một cuộc trò chuyện. Không có câu hỏi nào ngu ngốc, nhưng có những câu hỏi chỉ nên được đưa ra vào đúng thời điểm và đúng nội dung.
2. Các đồng nghiệp luôn có nhiều ý tưởng hay về cách thiết kế user experience (trải nghiệm người dùng). Vì thế hãy xin lời tư vấn từ nhiều người nhất có thể và kéo họ vào công việc của bạn
Hãy đi xin tư vấn của quản lý dự án, của các kỹ sư phần cứng, kỹ sư front-end,… Tuy rằng sẽ rất mệt nhưng thành quả thì vô cùng xứng đáng. Bằng cách trao đổi ý tưởng từ sớm với các kỹ sư, tôi có thể rút ngắn cách thức tiến hành công việc xuống còn 1-2 phương án tốt nhất. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và năng lượng. Chưa kể mối quan hệ của tôi và các kỹ sư cũng tốt hơn, họ luôn sẵn sàng tham gia vào quá trình làm việc của tôi.
3. Đừng chỉ bám vào một giải pháp
Ai cũng biết điều này nhưng nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm. Đa số designer khi đối diện với những chỉ trích thường chỉ chăm chăm để ý xem họ sẽ cần tốn bao nhiêu công sức để tiến hành chỉnh sửa. Một cách để vượt qua điều này đó là thiết lập một hệ thống, môi trường làm việc cho phép bạn lặp lại quá trình thiết kế nhanh và ít tốn sức nhất có thể. Bạn có thể sử dụng phần mềm hoặc đơn giản là bút và bảng (nếu bạn vẽ tốt). Khi bạn có thể đảm bảo chỉ chú tâm đến vấn đề thay vì chăm chăm tìm cách kết thúc chúng ngay lập tức bằng giải pháp tiếp theo, sẽ có nhiều khả năng bạn đưa ra được kết quả tuyệt vời hơn thế.
4. Học cách nói “Tôi không biết câu trả lời, nhưng tôi sẽ tìm cách” hoặc “Tôi cũng không rõ đây có phải giải pháp tốt nhất hay không nhưng chúng ta có thể thử”
Người ta không trả tiền để bạn đưa ra câu trả lời nay lập tức, họ trả tiền để bạn tìm chúng.
5. Đừng làm nếu chưa ước tính ngày kết thúc và hãy liên hệ trước với các thành viên trong đội nếu biết sẽ trễ
Hãy sống có trách nhiệm và cho các đồng đội biết trước đặc biệt khi tất cả mọi người đều đang đợi bạn. Những hành động này sẽ giúp bạn tạo dựng sự tín nhiệm và tin tưởng.
6. Người ta đánh giá khả năng lãnh đạo dựa trên cách bạn xử lý xung đột
Tôi nhận ra rằng những lãnh đạo xử lý xung đột kém và để tồn tại quá nhiều những ý kiến trái chiều sẽ cản trở quá trình phát triển của cả nhóm và dự án. Nếu kéo dài, điều này sẽ hạn chế khả năng của các thành viên. Làm sao để biến những xung đột thành những đóng góp tích cực và có quy trình để thúc đẩy dự án tiến triển là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong văn hoá Google. Văn hoá Google chào đón sự thay đổi theo hướng bền vững.
7. Những cuộc nói chuyện “ngại ngùng” nên diễn ra thật nhanh và càng sớm càng tốt ngay khi cần thiết
Những cuộc nói chuyện “ngại ngùng” có thể là chỉ trích, góp ý, yêu cầu bổ sung kinh phí,… Trì hoãn trao đổi chỉ khiến tình hình càng thêm tồi tệ. Và đến một thời điểm, bạn sẽ khó có thể nói chuyện với nhau bình thường nữa.
8. Học cách lên lịch họp cẩn thận từ trước để có thể tận dụng tốt thời gian của những người tham gia.
Nếu bạn biết trước bản thân sẽ cần người khác dành thời gian làm gì đó, hãy đặt một cuộc hẹn “dự kiến” vào lịch làm việc của họ. Sau đó bạn có thể chính thức thông báo với họ rằng bạn còn cần họ giúp đỡ nữa hay không. Nhớ rằng, nếu bạn sắp xếp ngày họp mà không đặt thời gian trước, nhiều khả năng mọi người sẽ khó có mặt. Bởi vì họ đã quyết định dành thời gian cho việc khác rồi.
9. Nếu bạn là một nhân viên mới, hãy cố hấp thu quy trình làm việc thay vì tìm cách tối ưu nó dựa trên cảm giác cá nhân.
Đây là sai lầm mà tôi từng gặp nhiều lần trong quá khứ khi bắt đầu một công việc mới. Phản ứng đầu tiên của tôi khi vào một nhóm là tìm xem có thể tiến hành tối ưu hoá quy trình thế nào để giúp nhóm nâng cao hợp tác và giao tiếp. Nhưng khi trò chuyện với những người trong nhóm, tôi nhận ra rằng đa số quy trình đều đã được tối ưu hết mức có thể. Những giải pháp tôi cho rằng có thể giúp tối ưu đều đã được thử từ trước và tất nhiên là không thành công. Tóm lại, bài học ở đây là chấp nhận sự thật rằng những ý tưởng tối ưu quy trình mà bạn nghĩ tới thường cũng đã được người khác nghĩ tới. Và những người đó (trong team) thường giỏi bằng hoặc hơn bạn trở lên. Vì thế hãy đợi một chút, bình tĩnh và hoà nhập vào nhóm để tiếp nhận những gì đã xảy ra, những kinh nghiệm và thành quả trước. Một trong những cách thức hoà nhập nhanh nhất đó là tiếp cận 1:1 với các thành viên khác trong đội.
10. Học cách viết, trình bày tài liệu về họp hành, quy trình và quyết định.
Viết tài liệu là nền tảng cơ bản của một dự án và cho biết dự án này đã diễn ra như thế nào. Việc viết lại các tài liệu cũng giúp chúng ta bớt bị bối rối trong tương lai khi cần xem lại một quyết định hay một quy trình. Tại Google, người ta duy trì một tài liệu theo dõi chứaatất cả những tài liệu họp hành từ trước đến nay của một dự án. Tất cả các cổ đông đều có quyền xem tài liệu này. Trang đầu tiên của chúng chứa tất cả các link liên quan đến dự án, kể cả các nghiên cứu, báo cáo, bản nháp, nhân sự,…
11. Hãy xây dựng thói quen viết ghi chú.
Hãy ghi hàng tấn ghi chú. Tôi thường bắt đầu một dự án như thế. Tôi viết lại tất cả những gì tôi làm được trong tuần và chia sẻ với các đồng nghiệp tại Google. Công việc này sẽ rất có ích khi cần đánh giá hiệu quả công việc. Tôi cũng có những ghi chú về kỹ thuật và chiến lược (ví dụ như viết nháp email, viết đề án, ghi lại những phương án thiết kế tôi cần tìm hiểu, những dự án tôi cần xem qua…). Tôi thường cố gắng ghi chú càng sớm càng tốt khi có ý tưởng mới xuất hiện.
12. Hãy phản ứng chính xác và có ý thức.
Chậm lại một chút, cân nhắc trước khi phản hồi quan trọng hơn việc phản hồi quá sớm nhất là khi bạn chưa biết chắc câu trả lời. Hãy tập nói “Tôi sẽ trả lời anh sau”.
13. Học cách nâng cao “điểm tín dụng”.
Khi bạn mới vào một nhóm/ một đội, bạn sẽ được người ta đặt cho một số “điểm tín dụng” cố định và giới hạn, giả sử như là 100. Để bạn có thể được coi là một thành viên hữu ích trong nhóm, bạn sẽ cần mức điểm ở khoảng 200 (giả sử thế). Rõ ràng, công việc đầu tiên của bạn là làm sao để nâng cao điểm tín dụng lên nhanh nhất có thể. Nhưng điều đó không dễ, vì vậy nhiều người sẵn sàng đặt cược và chấp nhận rủi ro để được mọi người tin tưởng. Đó cũng là lúc bạn phạm sai lầm. Bởi vì những ngày tháng đầu tiên không phải thời điểm thích hợp để liều mạng, hay nhận làm nhiều hơn những gì mình có thể. Đây là lúc để xây dựng những bước tiến vững chắc, chậm rãi. Hãy lựa chọn những dự án ít rủi ro và hoàn thành chúng thật tốt, mọi người sẽ quen với cách làm của bạn và thân thiện với bạn hơn. Khi đã đạt mức 200, bạn hoàn toàn có đủ cơ sở và tri thức để “đánh liều một phen”.
14. Đừng dành quá nhiều thời gian để xử lý những khó khăn một mình.
Những thứ bạn phải học khi vào một công ty mới: cách thiết lập thiết bị, tài khoản, sắp xếp tài nguyên, yêu cầu được tiếp cận công cụ, … Tất nhiên bạn có thể tự học ..trong một thời gian dài. Đó có thể là khoảng thời gian vô ích, thay vì thế hãy hỏi các đồng nghiệp có kinh nghiệm thì tốt hơn. Sẽ không ai có thể trách bạn khi bạn đang là “người mới”. Tuy nhiên hãy nhớ rằng các đồng nghiệp không có nghĩa vụ trả lời và bạn không thể coi đó là lý do để lười biếng. Bởi vì sau này bạn vẫn sẽ phải tự tìm câu trả lời cho bản thân mà thôi.
15. Bạn nên tận hưởng ngày nghỉ và TUYỆT ĐỐI ĐỪNG LÀM VIỆC
Đây là điều rất khác so với những nơi tôi từng làm qua. Trong văn hoá của Google, nhắn tin về công việc cho đồng nghiệp vào cuối tuần và ngoài giờ không được khuyến khích. Lý do rất đơn giản, ngày cuối tuần và ngày nghỉ là thời gian cho cá nhân và gia đình.
16. Học cách phát triển bản thân ngoài công ty cũng quan trọng như phát triển bản thân trong công ty
Bạn càng lên cấp cao trong Google, thì việc bạn để cho người khác biết về những gì bạn làm và những gì bạn giỏi cũng rất quan trọng. Tham gia các sự kiện, hội thảo, gặp gỡ cộng đồng là một trong những cách làm hiệu quả và được khuyến khích. Ngược lại, bạn cũng sẽ học được nhiều thứ hơn từ bên ngoài.
Biên dịch: Trungmaster, theo Hardik Pandya, Medium