Tiếp theo là bài báo thứ hai trong loại bài về cách suy nghĩ trong quản lý chất lượng. Bạn đọc hãy đọc và hiểu ý nghĩa của từ “khách hàng” rộng hơn nhé. Nếu được như vậy thì có thể công việc của mọi người trong năm mới sẽ thuận lợi hơn nhiều đấy.
Khách hàng là số 1 hay còn gọi là Market-in. Market-in có nghĩa là sản xuất , cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với NHU CẦU của khách hàng. Để làm được điều này, trước hết nhà sản xuất phải nắm được khách hàng muốn gì, sau đó là đáp ứng những mong muốn đó bằng cách đưa vào những chức năng và đặc tính vào trong sản phẩm. Cho dù bạn có kỹ thuật tuyệt vời, sản phẩm bạn làm ra có chất lượng vô đối nhưng nếu khách hàng không muốn thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Ngược lại với khái niệm Market-in là Product-in, là cách làm lấy người sản xuất làm chủ đạo.
Công đoạn sau cũng là khách hàng.
Trong công việc (dây chuyền), công đoạn sau là công đoạn chịu ảnh hưởng trực tiếp của công đoạn trước đó. “Công đoạn sau cũng là khách hàng” là cách suy nghĩ tiến hành công việc một cách nghiêm chỉnh, sao cho công đoạn sau vui vẻ tiếp nhận công việc của mình. Giả sử trong một công xưởng lắp ráp xe ô tô, nếu vấn đề phát sinh ở một công đoạn nào đó thì bản thân nội bộ công xưởng cũng đã gặp tổn thất rồi. Nếu chẳng may công đoạn làm phát sinh tiếp tục cho sản phẩm lỗi chạy xuống công đoạn tiếp theo thì những lãng phí sẽ liên tục phát sinh. Không chỉ công đoạn trước mà hàng loạt những công đoạn sau sẽ lao vào sản xuất những sản phẩm lỗi. Kết quả cuối cùng là lãng phí ngày càng phình ra. Giả sử, công đoạn sau có bộ phận kiểm tra chất lượng thì cũng không được ỷ lại, phải cố gắng không để phế phẩm chuyển xuống công đoạn sau. Làm được điều này thì ta gọi là nâng cao chất lượng ngay trong công đoạn. Nếu tất cả cùng làm được điều này thì công đoạn cuối chẳng cần phải kiểm tra chất lượng làm gì, bởi việc kiểm tra chất lượng không phải là công việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn