Nhìn lại 10 xu hướng nổi bật của ngành sản xuất trong năm 2015

Năm 2015 đánh dấu những bước chuyển mình đáng kể của ngành công nghiệp sản xuất trên toàn thế giới. Các công trường sản xuất giờ đây đã không còn tối tăm, bẩn thỉu hôi mùi dầu mỡ và mùi mồ hôi của các công nhân nữa. Giờ đây chúng còn mang trong mình những thiết bị tinh vi hàng đầu trên thế giới, xử lý hàng tấn dữ liệu với vô vàn phần mềm phức tạp, kiến tạo lên những hệ thống công nghệ vô cùng mạnh mẽ. Mô hình đó chính là thứ mà người ta gọi là “smart factory”- công xưởng thông minh. Mô hình này đang dần trở thành hiện thực cùng với các xu hướng mới trong ngành sản xuất. (Ảnh gốc: crewinc.net)

Trong bài viết này, mời bạn cùng VietFuji điểm lại 10 xu hướng sản xuất của năm 2015 theo dự đoán của tạp chí sản xuất Manufacturing Global. Hãy xem có bao nhiêu trong số đó đã và đang thực sự thành xu hướng của năm nay nhé.

1. Công nghệ Internet of Things (IoT)

Công nghệ IoT là công nghệ cho phép các thiết bị kết nối với nhau một cách tự động mà không cần sự có mặt của con người. Công nghệ này đang thâm nhập sâu vào trong đời sống xã hội và đặc biệt là công xưởng. Những ưu điểm có thể kết đến như: giảm thời gian gia công do máy móc có thể phát hiện các hư hỏng, vấn đề cơ học và tự đề nghị bảo dưỡng; tăng cường chất lượng; giảm lãng phí; biểu diễn tình hình sản xuất trực quan thông qua xử lý big data. Nhờ vậy người quản lý có thể xử lý nâng cao, cải tiến tình hình kịp thời.

2. Truyền thông xã hội

Việc tăng cường giao tiếp thông qua các kênh xã hội và công nghệ bảo mật mới giúp các công ty sản xuất tăng cường sự hiện diện và nâng cao tầm ảnh hưởng. Năm 2015 đánh dấu những hoạt động giao tiếp trên mạng xã hội, phát triển thị trường trên Internet của một số lớn các doanh nghiệp sản xuất. Nhờ vậy, họ có thể nắm bắt được những lo ngại, những xu hướng của người sử dụng, từ đó tìm kiếm thành công một cách dễ dàng với chi phí thấp hơn.

3. Công nghệ gia công bổ sung/công nghệ in 3D

Công nghệ gia công bổ sung hay công nghệ in 3D vẫn không ngừng phát triển mạnh. Kể từ khi ra mắt, công nghệ này đã có những tiến bộ vượt bậc, với khả năng sản xuất vật liệu kim loại, vật liệu hỗn hợp, nhựa và thậm chí cả mô sinh thể. Nhưng ưu điểm có thể kể đến của công nghệ in 3D như: thời gian chuẩn bị ngắn, chất lượng tốt với các chi tiết phức tạp, giảm hao phí, linh hoạt. Không chỉ người dùng phổ thông, các giám đốc trong công ty sản xuất cũng đã bắt đầu để mắt đến công nghệ này. Theo dự đoán, đây có thể là công nghệ sẽ thay đổi bộ mặt ngành sản xuất trong tương lai. Với những tiềm năng sẵn có, công nghệ in 3D sẽ làm thay đổi cách các kỹ sư và nhà thiết kế phát triển sản phẩm, từ đó hình thành một phương hướng khác để đào tạo nhân viên ở các công ty sản xuất.

4. Công nghệ nano

Công nghệ nano là công nghệ liên quan đến việc điều khiển những vật chất ở cấp độ nguyên tử và phân tử, những ứng dụng của nó có thể trải dài từ công nghệ vũ trụ đến công nghệ sinh học. Cùng với công nghệ in 3D, công nghệ nano cũng được đánh giá là một trong những bước tiến có thể làm thay đổi ngành sản xuất, và sẽ sớm tạo ra ảnh hưởng trong những năm tới đây. Hình thái tiếp theo của công nghệ nano, công nghệ gia công chính xác cấp độ nguyên tử (APM), có thể không chỉ thay đổi ngành sản xuất mà còn tạo ra một cuộc cách mạng trong giới công nghệ.

5. Chiến lược “tiếp cận liền kề”- Next-shoring

Sự gia tăng của nguồn nhân lực kỹ thuật cao để đảm bảo chuỗi cung ứng, cùng với những chi phí gia tăng tại châu Á và nhu cầu tiếp cận khách hàng của những đầu mối bán lẻ, đã khiến ngày càng nhiều công ty sản xuất chuyển hướng chiến lược, từ sản xuất ở hải ngoại rồi nhập khẩu sang phát triển sản phẩm ở ngay thị trường mà họ muốn kinh doanh. Chiến lược này giúp các công ty sản xuất bổ sung nguồn hàng kịp thời, làm giảm các chi phí vận chuyển, kho bãi.

6. Công nghệ kết hợp S.M.A.C

S.M.A.C là viết tắt của bốn chữ Social (xã hội), Media (truyền thông), Analytics(phân tích), và Cloud ((điện toán) đám mây). Những công nghệ kết hợp cả bốn yếu tố này hiện đang dần trở thành các công cụ cơ bản dành cho doanh nghiệp, và thành một làn sóng mới để gia tăng sự chú ý của khách hàng, cũng như các cơ hội phát triển. Ngành công nghiệp xưa nay vẫn rất bảo thủ với châm ngôn “Nếu không hỏng thì sao phải sửa”. Tuy nhiên nhu cầu về sáng tạo đang thúc đẩy sự thay đổi về văn hoá ngay trong chính nội tại ngành công nghiệp. Và S.M.A.C sẽ là chìa khoá để những người đi đầu trong công nghiệp sản xuất thay đổi và nâng cao năng suất.

7. Kết nối với ngành marketing

Hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào, sản xuất phụ thuộc nhiều vào các sáng tạo trong công nghệ để nâng cao năng suất, giảm hao phí và giúp đem sản phẩm đến thị trường hiệu quả hơn.Thế nhưng công nghệ có giúp các nhà sản xuất tăng doanh số hay không ? Rất tiếc là không, marketing mới là thứ quyết định điều đó. Từ trước đến nay các công ty công nghệ thường phó mặc cho các công ty PR bên ngoài để bán sản phẩm nhưng từ năm 2015 điều đó có thể thay đổi, sản xuất và marketing sẽ cần thiết phải hợp nhất làm một.

8. Tăng cường đầu tư vốn

Tuy kinh tế thế giới vẫn đang hồi phục tương đối chậm, nhưng các chính phủ và công ty công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng các khoản đầu tư vốn. Họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực như nâng cấp trang thiết bị, nâng cấp công xưởng và nâng cấp công nghệ nhằm làm tăng giá trị sản phẩm thông qua sáng tạo, thiết kế độc đáo và tốc độ xuất hiện trên thị trường.

9. Tăng cường tính linh hoạt trong sản xuất

Người tiêu dùng sẽ dần đòi hỏi các sản phẩm đặc biệt, độc đáo theo yêu cầu. Trước đây đó là việc rất khó vì sẽ đòi hỏi công xưởng phải thay đổi một phần hoặc toàn bộ, mất nhiều thời gian và công sức. Các sản phẩm độc đáo thường chỉ có thể sản xuất đơn lẻ với chi phí cao. Tuy nhiên nhà xưởng thông minh (smart factory) có thể sẽ giải quyết được vấn đề này.

10. Tăng cường cụ thể hoá thông tin

Mô hình business-business (B2B) truyền thống sẽ sớm trở nên lạc hậu bởi vì việc kết nối với khách hàng và sản xuất sản phẩm theo yêu cầu đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhờ Internet, khách hàng có thể so sánh, lựa cọn hoặc mua nhiều sản phẩm chỉ với một cú bấm trên điện thoại, và có xu hướng thích sử dụng các kênh trực tuyến như vậy hơn. Xu hướng này không những làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị của thương hiệu mà còn biến đổi mô hình B2B sang B2B2C (business-business-customer).

Khách hàng sẽ cảnh giác hơn đến các thông số do nhà sản xuất cung cấp về sản phẩm trên mọi phương diện, như: lượng điện năng tiêu thụ, xử lý hao phí,… Cũng có nghĩa, họ sẽ đòi hỏi những thông tin đó trở nên trực quan và dễ tiếp nhận hơn, trước khi móc hầu bao.


Biên dịch: Trungmaster, theo manufacturingglobal


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan