Bạn biết gì về tế bào gốc ? (phần 2/3)

※Ảnh minh họa: chú cừu Dolly (nguồn: Phys.org)

Trong phần trước, chúng ta đã điểm qua các khái niệm liên quan đến tế bào gốc. Trong phần này, ta sẽ xem xét những tiến bộ cũng như những khía cạnh đạo đức của việc nghiên cứu về tế bào gốc từ người.

Tiến bộ hiện nay

Một phương pháp được biết đến với tên gọi “chuyển nhân tế bào sinh dưỡng” (somatic cell nuclear transfer-SCNT) đã tạo ra chú cừu nổi tiếng Dolly, sinh vật có vú nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới vào năm 1996. Với phương pháp SCNT, nhân của trứng chưa thụ tinh được thay thế bằng nhân của một tế bào sinh dưỡng thông thường, chứa đầy đủ thông tin di truyền. Chỉ trong vài ngày, tế bào này sẽ phát triển thành phôi của người hoặc trạng thái khởi đầu của chúng, chứa một nhóm tế bào gốc, với tiềm năng phát triển thành mọi loại tế bào trong cơ thể người.

cloning
Mô tả phương thức chuyển nhân tế bào đã được áp dụng để tạo ra chú cừu Dolly
(Nguồn: bbc.co.uk)

 

Dù các nhà khoa học đã nghiên cứu về sự phát triển của con người trong nhiều năm, nhưng chỉ đến năm 1998, họ mới có thể tách tế bào gốc vạn năng ra khỏi bào thai của người thành công và tiến hành nuôi dưỡng chúng trong phòng thí nghiệm. Với các đặc điểm của tế bào gốc vạn năng, ‘chúng có thể tái tạo vô hạn trong phòng nghiên cứu và phát triển thành hầu như mọi loại tế bào trong cơ thể’, phát hiện này của năm 1998 thật sự là một bước đột phá.

Những tiến bộ mới đây trong việc điều khiển, vận dụng tế bào gốc bào thai và tế bào gốc trưởng thành đã mở ra một chuỗi các phương pháp điều trị mới đầy tiềm năng cho các rối loạn bệnh lý của cơ thể con người. Có thể lấy ví dụ như một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, các tế bào tuyến tụy được cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân tiểu đường đã có thể sản xuất ra insulin.

Chính trị và đạo đức

Nghiên cứu về tế bào gốc thường dấy lên nhiều tranh luận gay gắt, lý do là bởi các tế bào gốc phôi thai (được lấy từ phôi thai 5-7 ngày tuổi – còn gọi là phôi nang) và tế bào mầm phôi thai (embryonic germ cells), được lấy từ các thai chưa trưởng thành bị sẩy , chính là hai nguồn cung cấp đầy hứa hẹn. Có bốn nguồn tế bào gốc từ phôi thai chính, và tất cả đều bị dính líu đến vấn đề đạo đức và tranh cãi kịch liệt.

– Các phôi thai dư thừa – sản phẩm phụ của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm

– Các phôi thai được tạo ra trong phòng thí nghiệm bởi tinh trùng và trứng hiến tặng

– Các phôi thai được tạo ra thông qua SCNT- kỹ thuật nhân bản vô tính

– Các phôi thai sau sẩy thai

Vào tháng 8 năm 2001, chính quyền liên bang Hoa Kỳ đã phê chuẩn kinh phí hỗ trợ cho nghiên cứu trên hơn 60 dòng tế bào gốc đã được tạo ra trong nghiên cứu tư nhân tại thời điểm đó. Để hội tụ đủ điều kiện nghiên cứu thông qua ngân sách liên bang, các dòng tế bào gốc đó phải đạt được những tiêu chuẩn như sau:

– Phải được tạo ra dưới sự đồng ý của người hiến tặng

– Chỉ được có nguồn gốc từ các phôi thai dư thừa được tạo ra với mục đích sinh sản

– Được hiến tặng mà không cần đền bù tài chính cho người hiến tặng

Ngân sách liên bang sẽ không được sử dụng với các dòng tế bào gốc từ: phôi thai mới bị phá hủy; hành động tạo ra phôi thai người nhắm vào mục đích nghiên cứu; hoặc nhân bản vô tính phôi thai người. Quy định này không chỉ hạn chế các nhà khoa học sắp nhận tài trợ nghiên cứu từ chính phủ mà còn yêu cầu những nhà khoa học hiện làm việc trong các phòng nghiên cứu đang được hỗ trợ từ ngân sách liên bang phải thay thế hoặc phát triển các thiết bị cần thiết cho loại nghiên cứu này.

Máu cuống rốn

Máu cuống rốn, hay còn được gọi là “ máu nhau thai”, là máu còn tồn dư trong cuống rốn và nhau thai sau khi sinh và cắt dây rốn. Chúng thường bị bỏ đi cùng với nhau thai và dây rốn nhưng thực chất lại là một nguồn tế bào gốc dồi dào. Khoảng từ 100ml máu có thể được lấy từ người nhau thai của mẹ ngay sau khi sinh để cấy ghép nếu cần.

Nhiều gia đình đã lựa chọn lưu trữ các tế bào gốc cuốn rốn để chuẩn bị cho sức khỏecủa các thành viên gia đình trong tương lai. Trường hợp điển hình là gia đình với đứa trẻ sinh ra bị mắc bệnh thiếu máu hồng cầu liềm (sickle cell anaemia). Khi người mẹ có thai đứa thứ hai, và máu của đứa bé được xác nhận là hoàn toàn phù hợp thì sau khi sinh, máu dây rốn của đứa trẻ mới sinh sẽ được lấy và truyền ngay sau đó vào đứa trẻ bị bệnh máu hình lưỡi liềm. Khi điều trị thành công, các tế bào gốc cuống rốn sẽ sống trong tủy xương của bệnh nhân và sản xuất ra các bạch huyết cầu khỏe mạnh.

Nhiều chuyên gia tin rằng truyền máu dây rốn có nhiều lợi thế riêng so với phương pháp cấy ghép tủy xương truyền thống trong việc kích thích phát triển của bạch huyết cầu khỏe mạnh. Việc thu thập máu dây rốn cũng đơn giản và không gây đau đớn, trong khi những người hiến tặng tủy xương phải trải qua quá trình gây mê toàn thân. Thêm vào đó, máu cuống rốn từ những người hiến tặng không thực sự có quan hệ huyết thống cũng không yêu cầu sự tương thích gần như tuyệt đối về kiểu mô như trong cấy ghép tủy xương. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro, bởi người bệnh dễ bị nhiễm trùng và cơ thể có thể đào thải tế bào được hiến tặng.

<Còn tiếp>


Thực hiện: Trungmaster, hợp tác với website yhoccongdong.com
Tham khảo:
http://www.aans.org/en/Patient%20Information/Conditions%20and%20Treatments/Stem%20Cell%20Research.aspx
http://stemcells.nih.gov/info/basics/pages/basics1.aspx
http://www.news-medical.net/health/Stem-Cell-Types-(French).aspx


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

1 thought on “Bạn biết gì về tế bào gốc ? (phần 2/3)”

  1. […] chúng ta đã tìm hiểu về các khái niệm cơ bản của tế bào gốc. Và trong phần trước, chúng ta đã biết thêm về bốn nguồn gốc của tế bào gốc thường dùng. Trong […]

Comments are closed.