Robot tại Fukushima Daiichi (phần 5/7): MHI-MEISTeR – Robot thăm dò từ Mitsubishi

Sau sự xuất hiện của giáp bảo hộ và robot do thám 4 chân từ Toshiba, công ty Công Nghiệp Nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries –MHI) tiếp nối cho ra mắt robot do thám và bảo dưỡng của riêng hãng. Robot này có tên gọi MHI-MEISTeR (Maintenance Equiment Integrated System of Telecontrol Robot – tạm dịch: Robot điều khiển từ xa tích hợp hệ thống công cụ bảo dưỡng). Hai cánh tay của robot có thể trang bị nhiều loại dụng cụ khác nhau để loại bỏ chướng ngại vật hoặc thu thập mẫu đất trong những khu vực con người không thể tiếp cận được.

Hình ảnh robot MHi-MEISTeR (Nguồn:Mitsubishi)
Hình ảnh robot MHi-MEISTeR (Nguồn:Mitsubishi)

Cánh tay của MHI-MEISTeR được thiết kế để có thể gập lại linh hoạt như tay của con người, với bảy bậc tự do và có thể nâng được trọng lượng lên tới 15kg (33 pounds). Các loại công cụ khác nhau có thể được gắn dễ dàng vào chóp của cánh tay, ví dụ như cưa, búa, khoan- cho phép nó có thể cắt các đường ống, tay vịn hoặc giữ các đối tượng khi lấy mẫu xét nghiệm. Công ty Mitsubishi cho biết rằng, họ đã phát triển một công cụ đặc biệt để lấy mẫu xét nghiệm từ tường và sàn bê tông trong khu vực ô nhiễm với độ sâu lên tới 70mm (~2.5in).

Robot này nặng 440kg (970 pounds), chiều cao 130cm, rộng 70cm và dài 125cm. Nó có thể di chuyển với vận tốc lên tới 2km/h (1.24mph). Nó có thể vượt qua được các bề mặt không bằng phẳng bao gồm cả các bậc thang với độ cao 22cm nhờ vào bốn bánh dây xích độc lập. Các cử động của robot đều được điều khiển từ xa với thời gian hoạt động dự tính khoảng 2 giờ.

Hình ảnh MHI-MEISTeR đang cửa một đoạn đường ống thử nghiệm (Nguồn: Mitsubishi)
Hình ảnh MHI-MEISTeR đang cưa một đoạn đường ống thử nghiệm (Nguồn: Mitsubishi)

MHI-MEISTeR thực ra được phát triển từ một nghiên cứu robot tiền thân của MHI để phục vụ cho việc xử lý hậu quả của thảm họa hạt nhân. Quá trình phát triển nghiên cứu này được thực hiện sau một sự cố xảy ra vào năm 1999. Vào thời điểm đó, MHI đã phối hợp với Viện Nghiên Cứu Năng Lượng Nguyên Tử Nhật Bản để xây dựng một robot 2 tay có tên Rabot, mà sau này chính là phần thân trên của MEISTeR. Sau đó công ty tiếp tục phát triển một robot di động với tên gọi MARS-D, chính là bộ phận di chuyển sau này. MHI cho biết, công ty đã nâng cao tính cơ động trong điều khiển từ xa của robot và sử dụng các biện pháp cần thiết để tránh ô nhiễm/ nhiễm xạ trong các bộ phận của robot.

MHI cũng cho biết thêm, trong thời gian triển khai robot tại lò phản ứng TEPCO, công ty sẽ đồng thời tiếp tục phát triển và nâng cấp công nghệ của nó. Bạn có thể theo dõi hoạt động của MARS-D (phần thân dưới của robot) trong clip dưới đây.

※Thông số chi tiết của robot:

+ Thông số ngoài: 1,250mm x 700mm x 1300mm

+ Trọng lượng: 440kg

+ Hình thức di động: 4 bánh xích độc lập

+ Tốc độ di chuyển: 2km/h

+ Các tính năng: di chuyển ở độ nghiêng 40 độ, bậc thang độ cao lên tới 220mm, địa hình không bằng phẳng, hẹp

+ Kết nối: Không dây hoặc có dây (pin hoạt động được 2h)

+ Đặc điểm cánh tay: 2 tay, mỗi tay có 7 trục và nặng 15kg

[youtube link=”http://www.youtube.com/watch?v=_94SYCDeN7A&feature=player_embedded” width=”590″ height=”315″]


Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag
Link từ nhà sản xuất: http://www.mhi.co.jp/news/story/1212065290.html


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan