Thần kỳ Nhật Bản (phần 3): Hayabusa – Khi con tàu trở về

11 giờ 21 tối ngày 13 tháng 6 năm 2010 giờ Nhật Bản, con tàu Hayabusa sau khi hoàn thành nhiệm vụ thám hiểm hành tinh Itokawa đã quay lại Trái đất. Hayabusa là đại diện cho niềm tin của không chỉ người Nhật, mà còn là đại diện cho ước mơ chinh phục vũ trụ của cả loài người. 7 năm trôi dạt trong vũ trụ với khoảng cách so với Trái Đất 300 triệu kilomet, tổng quãng đường lên tới 6 tỷ kilomet và phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt nhất, Hayabusa đã trở về, và ngọn lửa lóe lên trên bầu trời đêm miền sa mạc nước Úc như tiếp tục thắp sáng lên ngọn lửa nghiên cứu khoa học của những người Nhật trẻ. Hayabusa – đó là một kỳ tích, một “Thần kỳ Nhật Bản”.
[youtube link=”http://www.youtube.com/watch?v=3-TGqzHbLrI” width=”590″ height=”315″]

Video “Sự trở về của Hayabusa” – Nguồn: Youtube

Nhật bản – khi niềm tin đang rạn nứt

Nhật Bản sau những năm kinh tế phát triển cao độ gặp rất nhiều sa sút. Môi trường toàn cầu hóa khiến cho ngành sản xuất của Nhật Bản chịu đả kích nặng nề do chi phí sản xuất cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm của các nước khác. Hàng loạt công ty lớn của Nhật Bản gặp khó khăn. Sharp đứng trên bờ phải bán mình cho Foxconn, Olympus gặp rắc rối trong tình hình tài chính nội bộ, biểu tượng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota gặp rắc rối trong những vụ kiện tụng liên miên về sự cố phanh và thu hồi hàng loạt xe ô tô… Trong khi đó, sự cạnh tranh về chi phí sản xuất bên ngoài từ những công ty ngoại quốc lớn như Samsung trong công nghiệp điện tử, đồng yên lên giá làm cho sức xuất khẩu sụt giảm. Có thể nói, thời gian qua là thời gian vô cùng khó khăn đối với các công ty công nghệ lớn của Nhật Bản. Nguy cơ đó khiến hàng loạt kỹ sư Nhật Bản tìm cách ra nước ngoài lập nghiệp, các kênh truyền hình lớn cũng phải vào cuộc để cảnh tỉnh tình trạng chảy máu “chất xám” hàng loạt sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 5 năm 2003, Hayabusa được phóng lên quỹ đạo của Trái Đất từ trung tâm vũ trụ Uchinoura thuộc đảo Kagoshima. Nhiệm vụ của Hayabusa là thử nghiệm động cơ ion mới thay cho động cơ dùng khí lỏng truyền thống, và lấy mẫu cát từ tiểu hành tinh Itokawa thuộc quần tinh Appolo, đem trở về Trái Đất. Đây có thể nói là một nhiệm vụ có tính thử thách rất lớn, ngay cả đối với một đất nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển như Nhật Bản.

Rắc rối – Niềm tin – Tuyệt vọng

Leader của nhiệm vụ - giáo sư Kawaguchi Junichiro (trái) và người chịu trách nhiệm điều khiển Hayabusa thu thập mẫu cát từ tiểu hành tinh Itokawa - Yano Hajime (Phải) (Ảnh: http://diamond.jp/)
Leader của dự án – giáo sư Kawaguchi Junichiro (Trái) và người chịu trách nhiệm điều khiển Hayabusa thu thập mẫu cát từ tiểu hành tinh Itokawa – Yano Hajime (Phải) (Ảnh: http://diamond.jp/)

Tổng số nhân viên tham gia vào dự án gồm có 80 người. Tất cả đều là những kỹ sư tài năng, là tinh hoa của nước Nhật. Trong đó có những chuyên gia về động cơ, kỹ thuật truyền thông không gian, những nhà phân tích… do giáo sư Kawaguchi Junichiro đứng đầu.

Kể từ khi được phóng lên vào năm 2003, sau 2 năm 4 tháng du hành trong vũ trụ với quãng đường 300 triệu kilomet, vào tháng 9 năm 2005, Hayabusa tiếp cận được tới gần Itokawa. Theo dự kiến, Hayabusa sau khi quan sát xung quanh tiểu hoặc tinh này sẽ hạ cánh và tiến hành “bắn đạn” xuống bề mặt tiểu hành tinh này 2 lần để lấy mẫu cát. Nhiệm vụ có thể nói là cực kỳ khó khăn, tiểu hành tinh Itokawa có bán kính chừng 160 met, chiều dài chừng 500 met là tiểu hành tinh nhỏ nhất trong những tiểu hành tinh từng được thám hiểm. Và khoảng cách 300 triệu kilomet là khoảng cách mà sóng điều khiển vô tuyến được phát đi cũng phải mất tới 20 phút mới truyền tới Hayabusa. Chính vì vậy, Hayabusa được lập trình để điều khiển tự động trong quá trình tiếp xúc, thông tin về quá trình chỉ có thể tới trung tâm điều khiển sau 20 phút sau đó.

Khi quá trình tiếp xúc sắp diễn ra, sự cố đột nhiên xảy ra. Thông tin nhận được cho thấy độ cao Hayabusa nằm dưới bề mặt của Itokawa. Điều đã xảy ra 20 phút trước đó khiến cho cả trung tâm điều khiển lâm vào tình trạng báo động. Ngay lập tức, leader của dự án – giáo sư Kawaguchi ra chỉ thị để Hayabusa ngay lập tức rời khỏi bề mặt Itokawa.

Tình huống thực tế lúc đó xảy ra như sau: Trong quá trình tiếp xúc, Hayabusa đã bị mất cân bằng và rơi xuống bề mặt cách vị trí dự kiến rất xa. Thân của Hayabusa bị va đập vào bề mặt của tiểu hành tinh rất nhiều lần, và Hayabusa nằm trên bề mặt của Itokawa 30 phút. Thân tàu bị va đập khiến ảnh hưởng tới bộ truyền tín hiệu, tín hiệu từ Hayabusa dần mất ổn định. Nhiên liệu chảy ra từ thân tàu phun ra ngoài, pin mặt trời cũng không còn hướng về phía mặt trời để tạo ra điện năng cho con tàu hoạt động. Tình thế của Hayabusa có thể nói là “thập tử nhất sinh”. Con đường trở về Trái Đất dường như đóng lại trước mắt Kawaguchi và nhóm chuyên gia của ông.

Và vào ngày 9 tháng 12 năm 2005, tín hiệu từ Hayabusa mất hoàn toàn.

Những ngày tháng sau đó có thể nói là cực hình… Nhóm của Kawaguchi không còn việc để làm khi mà không thể giao tiếp với Hayabusa. Những thành viên của nhóm dần dần xa rời tháp điều khiển của dự án. Và dự án đứng trước nguy cơ bị dừng lại. Niềm tin dường như đã mất đi, và con người trở nên tuyệt vọng.

Nỗ lực – Hy vọng

Hình ảnh 3 D của tiểu hành tinh Itokawa. Nguồn: Đài thiên văn Arecibo.
Hình ảnh 3 D của tiểu hành tinh Itokawa. Nguồn: Đài thiên văn Arecibo.

Nhằm giữ chân các thành viên dự án, Kawaguchi quyết định họp các thành viên và dự đoán tình trạng hiện tại của Hayabusa. Vào thời điểm này, có thể Hayabusa vẫn đang quay quanh hệ mặt trời, vậy thì chỉ cần một cơ hội để pin mặt trời của tàu quay về phía mặt trời tạo ra điện năng, antena của tàu quay về phía trái đất thì có thể tiến hành phục hồi liên lạc. Nhưng cơ hội là vô cùng mỏng manh.

Nhưng Kawaguchi không đánh mất niềm tin, ông tin rằng, chỉ cần chờ trong vòng 1 năm tiếp theo, cơ hội để liên lạc lại với Hayabusa có thể lên tới 60 %. Ông đã chỉ ra dữ liệu về “khả năng” tìm thấy Hayabusa. Niềm tin mãnh liệt của ông đã lay động các thành viên dự án, họ tiến hành tìm kiếm trong không gian bao la của vũ trụ, một tín hiệu nhỏ nhoi của con tàu, trong tư thế trực chiến 24/24 giờ tập trung cao độ gửi đi vô số lần chỉ lệnh tới Hayabusa.

“Hayabusa, Response! ” (Tiếng Nhật: 「はやぶさ、応答せよ!」)

47 ngày, đối với người nào đó là khoảng thời gian rất ngắn, nhưng đối với đội của Kawaguchi, chắc chắn đó là những đêm không ngủ, trằn trọc và lo lắng. Kỳ tích đã xảy ra, sau 47 ngày đêm, trong vô số tín hiệu vô tuyến, tín hiệu Hayabusa trả lời lại đã được ghi nhận. Nhưng, cho dù đã nhận được tín hiệu trả lời, thì cơ hội đưa Hayabusa quay trở về vẫn rất là mong manh.

Nhưng lúc này, Kawaguchi đã chỉ ra rằng, rất có thể… Hayabusa đã lấy được mẫu cát từ tiểu hành tinh Itokawa. Lý luận của ông như sau: “Khi va chạm với bề mặt tiểu hành tinh, sự va chạm có thể khiến cát từ tiểu hành tinh bay lên, lọt vào capsule của tàu”.

Capsule chữa mẫu cát từ Itokawa của Hayabusa. Nguồn: JAXA.
Capsule chữa mẫu cát từ Itokawa của Hayabusa. Nguồn: JAXA.

Con người luôn như vậy, nếu không có niềm tin và mục đích trong cuộc sống, họ sẽ không còn thiết sống nữa. Và, chỉ khi chỉ ra được Hayabusa đã lấy được mẫu cát từ Itokawa, các thành viên trong đoàn mới có lại động lực làm việc. Nếu không, Hayabusa sẽ chỉ là một con tàu chết. 

Kawaguchi đã cứ Yano đến trung tâm thực nghiệm thuộc tỉnh Gifu, sau khi tiến hành rất nhiều lần thử nghiệm, ông đã có được dữ liệu chỉ ra rằng, trong lần va chạm với bề mặt của Itokawa, chỉ cần 100s để Hayabusa có thể lấy được mẫu cát của Itokawa. Và trong 30 phút gặp sự cố nằm lại trên bề mặt của Itokawa, khả năng Hayabusa đã hoàn thành nhiệm vụ là rất lớn.

Nhưng vào lúc mà niềm tin tưởng như đã hồi sinh, thì vào tháng 11 năm 2009, cả 4 động cơ trên con tàu đều bị hỏng không thể sử dụng. Sự tuyệt vọng lại bao trùm bầu không khí của cả đội ngũ. Sau 6 năm du hành trong vũ trụ, hoàn cảnh khắc nghiệt trong môi trường chân không với các bức xạ, bụi vũ trụ,…đủ sức khiến cho những động cơ đáng tin cậy nhất gục ngã. Vào lúc này, trong thâm tâm của Kawaguchi, niềm tin cũng chỉ còn lại 20%.

Niềm tin – Không từ bỏ 

Nhóm điều hành dự án thám hiểm tiều hành tinh Itokawa. Nguồn: JAXA
Nhóm điều hành dự án thám hiểm tiều hành tinh Itokawa. Nguồn: JAXA

Khi mà ngay cả Kawaguchi cũng không còn biện pháp nào khác, thì những thành viên khác trong đội ngũ, những người đã được Kawaguchi chỉ ra sự quan trọng của từ “không từ bỏ” đã đứng lên. Đứng đầu là Kuninaka Hitoshi – người chịu trách nhiệm thiết kế động cơ của Hayabusa.

“Nếu gộp 4 động cơ lại với nhau, ta có thể sử dụng chúng như một động cơ để đưa con tàu trở về !”

Trong lúc những thành viên khác của đội dường như nín thở quan sát, Kuninaka đưa ra chỉ lệnh để Hayabusa nối 2 động cơ lại với nhau. Và kỳ tích một lần nữa xảy ra, 2 động cơ sau khi nối với nhau đã hoạt động trở lại. Hayabusa đang trôi vô định trong vũ trụ tiếp tục hành trình quay trở về Trái Đất. Cả nhóm như vỡ òa trong vui mừng.

 7 năm – Những con người – Những anh hùng

Capsule con tàu trên sa mạc nước Úc - Nguồn: JAXA.
Capsule con tàu trên sa mạc nước Úc – Nguồn: JAXA.

Chiều ngày 13 tháng 6 năm 2010 giờ Nhật Bản, con tàu Hayabusa tiến vào tầng bình lưu của Trái Đất. Ngọn lửa do ma sát với không khí đã đốt cháy vỏ tàu trong suốt 3 tiếng. Để đảm bảo an toàn cho mẫu cát lấy từ Itokawa, capsule chứa mẫu cát được lập trình để tự động thoát khỏi tàu. Vệt sáng do tàu vẽ ra trải dài trên bầu trời nước Úc là ngọn lửa của niềm tin, là khát vọng, là nỗ lực của các khoa học gia Nhật Bản. Họ, những tinh hoa của nước Nhật, vào lúc này đã trở thành những tượng đài của nền khoa học Nhật Bản, trở thành những anh hùng.

Một điều nữa mà ít người biết được trong nhiệm vụ này, đó là trước khi đi vào tầng bình lưu của Trái Đất, camera trên con tàu đã được Kawaguchi và đồng đội ra chỉ lệnh quay về phía Trái Đất để chụp lại hình ảnh quê hương của Hayabusa trước khi nó bị thiêu cháy hoàn toàn.

Hình ảnh hành tinh xanh như thiêu đốt con tim họ, tôi không được nhìn thấy hình ảnh đó như thế nào, nhưng chắc chắn, nó rất đẹp. (Thực ra hình ảnh có trong clip ở phía trên, bạn xem tới cuối cùng sẽ thấy, nó thực sự rất đẹp!)


Nguyễn Xuân Truyền tổng hợp và dịch.
Theo Diamond.JP, NHK, JAXA.


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

2 thoughts on “Thần kỳ Nhật Bản (phần 3): Hayabusa – Khi con tàu trở về”

  1. Shanaone

    like: “Con người luôn như vậy, nếu không có niềm tin và mục đích trong cuộc sống, họ sẽ không còn thiết sống nữa.”

  2. xuantruyen

    Một bài viết đậm chất sử thi ~ Sau bài này mình sẽ tạm nghỉ một thời gian. Mong các bạn sẽ tiếp tục đón đọc các bài báo chất lượng của VietFuji.

Comments are closed.