Hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều loại hệ thống năng lượng tái sinh, cho phép khai thác năng lượng từ sức gió, cùng với một số loại khai thác năng lượng từ dòng chảy của đại dương. Tuy nhiên, nguồn tin từ công ty cơ khí kỹ thuật MODEC (Mitsui Ocean Development & Engineering Co.- tạm dịch: công ty Cơ Khí và Phát Triển Đại Dương Mitsui) của Nhật Bản cho biết, hệ thống khai thác năng lượng từ cả sức gió và sóng biển với tên gọi SKWID sẽ sớm được đưa vào thử nghiệm trong thời gian tới đây.
SKWID là từ viết tắt của cụm từ Savonius Keel and Wind Turbine Darrieus (Tạm dịch Sà Lan Savonius và TuaBin Gió Darrieus – để hiểu thêm về 2 loại Tua bin này xin mời tham khảo phụ lục bên dưới). Lý do của cái tên này là bởi hệ thống này bản chất là một phao nổi được neo dính, với tuabin sóng Savonius ở bên dưới bề mặt nước và tua bin gió dọc trục Darrieus hướng thẳng lên trên không trung. Cả 2 bộ phận này được kết nối bởi một hộp số / máy phát trung tâm, cho phép SKWID phát điện từ năng lượng sóng, gió hoặc cả 2. Thêm vào đó, vòng xoay của tuabin sóng có thể được tận dụng để giúp quay tuabin gió, khi gió yếu và cần thêm quán tính.
Thiết kế của tuabin Darrieus cho phép nó quay theo cả chiều thuận và chiều nghịch kim đồng hồ nên không bị phụ thuộc vào hướng gió thổi tới. Tuabin sóng chỉ quay theo một hướng nhưng nó cũng có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào hướng của dòng chảy. Báo cáo cho thấy, hệ thống có thể khai thác cả những dòng chảy yếu nhất và không bị ảnh hưởng khi các loài thủy sinh bám vào những cái gáo/ lưỡi dao quay hình bán trụ của tuabin. Thêm vào đó, vì tốc độ quay của tuabin sóng không nhanh hơn các dòng chảy đại dương nên hệ thống cũng được khẳng định là thân thiện với đời sống của các sinh vật biển.
Hệ thống SKWID cũng khó có thể bị lật tại các vùng biển khó nhằn/ dậy sóng, do trọng tâm luôn được giữ thấp bởi máy phát được gắn trên boong và tuabin sóng gắn ở dưới boong. Thêm vào đó, boong thuyền hình đĩa (giúp cho hệ thống nổi trên mặt biển) cũng được kết nối vào cấu trúc trung tâm bởi những gọng cao su dẻo, cho phép nó đảo qua lại với các con sóng trong khi những máy móc khác vẫn ổn định và hoạt động.
Theo như báo cáo của hãng thông tấn NHK Nhật Bản (NHK News)- chuyển tiếp bởi hãng thông tấn CBS của Mỹ- một hệ thống SKWID sẽ được lắp đặt và triển khai thử nghiệm ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, vào mùa thu tới này (Theo lịch Bắc Bán Cầu). Tuabin gió sẽ ở độ cao 47 meters (154 feet) so với mặt nước biển, còn tuabin sóng sẽ có đường kính khoảng 15 meters (49 feet). Cùng nhau, 2 tuabin này có thể phát ra năng lượng đủ để cung cấp cho khoảng 300 hộ gia đình.
*** Phụ Lục ***
Giải thích về hoạt động của tuabin Savonius và Tuabin Darrieus. Cả 2 đều là dạng tua bin dọc trục, tức là tuabin xoay quanh trục thẳng đứng ( Vertical Axis Wind Turbine – viết tắt VAWT), có khả năng tạo ra năng lượng từ sức gió (hoặc sóng) làm xoay tuabin. Được kết hợp bởi nhiều cánh/dao xoay quanh một trục dọc nhưng những cánh/dao này không phải lúc nào cũng song song với trục chính của tuabin. Cánh/ Dao của tuabin Savonius thường có dạng hình bán trụ kết hợp với nhau thành hình chữ S, còn tuabin Darrieus có dạng cánh dao cơ bản là hình cánh cung. So với loại tuabin gió truyền thống, thì tuabin dạng Savonius và Darrieus có lợi thế do không bị phụ thuộc vào hướng gió và có kết cấu khá đơn giản. Phù hợp để lắp đặt tại những khu vực hiểm trở, khó khăn khi triển khai loại tuabin gió truyền thống. Tuy nhiên cả 2 hệ thống này cơ bản đều có công suất yếu hơn tuabin gió truyền thống hình cánh quạt và gặp khó khăn khi hoạt động với tốc độ gió cao.
Để so sánh cơ cấu/cách thức hoạt động của tuabin Savonius và Darrieus với tuabin truyền thống, bạn có thể tham khảo hình dưới đây.
————————————————————————————————————–
Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag
Link pdf từ công ty sản xuất: MODEC
—————————————————————————————————————