Màn hình 3D mini và thế hệ tiếp theo của điện thoại thông minh

Phần lớn các nghiên cứu, mà sau này trở thành công nghệ sản xuất đột phá đều được phát triển trong các phòng R&D (Research & Development- nghiên cứu và phát triển) của công ty, ngoài tầm mắt của công chúng. Tuy nhiên, cũng có lúc một số nghiên cứu đó được đăng tải trên các tạp chí khoa học, cho phép chúng ta ngó sơ qua về nhưng tính năng mà có thể chúng ta sẽ thấy ở điện thoại thông minh (smartphone) hoặc các thiết bị khác trong một vài năm tới.

Đó chính là trường hợp của một nghiên cứu trên số báo phát hành hàng tuần của tạp chí khoa học Nature. Trong đó, các nhà nghiên cứu đến từ Hewlett-Packard (mà chúng ta vẫn quen thuộc với tên gọi HP) đã giới thiệu khá chi tiết về phát minh mới của họ: một thiết bị hiển thị 3D mini, có thể được gắn lên một miếng kính dày chỉ 1mm và hoạt động không cần kính mắt (như một số màn hình 3D hiện nay). Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thống này có thể chiếu hình ảnh tĩnh hoặc video trong một dải màu nhất định.

Nói một cách khác, khi bạn mua một chiếc điện thoại trong 10 hoặc 20 năm tới đây (nếu lúc đó ta vẫn còn gọi chúng là “điện thoại”), rất có thể chúng sẽ được trang bị hệ thống 3D như thế này, cho phép bạn nhìn chất liệu, chiều sâu của hình ảnh như chúng đang nổi trong không trung thay vì xem qua thiết bị ở trong tay bạn. Nhóm nghiên cứu đã giới thiệu các đặc điểm nổi bật của loại màn hình này trong đoạn video dưới đây:

http://blogs.smithsonianmag.com/science/2013/03/video-this-mini-3d-display-could-show-up-on-next-generation-smartphones/#ooid=94d3BhYTpsJ0gxzDlMekXrYZuQnQ3rPn

Cách thức hoạt động của hệ thống này, tương tự như các thiết bị hiển thị/ màn hình 3D khác, đó là chiếu các hình ảnh khác nhau đến 2 mắt của bạn. Hiện tượng mắt của con người tiếp nhận những hình ảnh hơi khác nhau của sự vật xung quanh chính là nguyên nhân của việc chúng ta nhìn thế giới theo 3D. Tuy nhiên, thiết bị hiển thi này đã làm được việc tinh vi hơn rất nhiều, kích thích đến não bộ , tạo nên hình ảnh có chiều sâu, khác hẳn với các loại trước đó từng thấy.

Các hệ thống 3D dựa trên nền tảng kính 3D, sử dụng nhiều loại cơ cấu lọc khác nhau để làm sao cho mỗi mắt của chúng ta lại thấy một hình ảnh khác biệt. Một vài loại thì có những cửa chập (shutters), mở và đóng trong chớp nhoáng cho mỗi mắt, có loại thì chiếu hình ảnh luân phiên trên màn ảnh được thiết lập cho từng mắt. Hệ thống đơn giản, và phổ biến hơn (Có thể bạn sẽ thấy quen thuộc nếu bạn từng đi xem một bộ phim 3D nào đó) sử dụng một cặp kính với 2 mắt kính, một xanh và một đỏ, tạo ra 2 hình ảnh với màu sắc khác nhau trên màn hình và mỗi hình lại tiếp cận với một mắt khác nhau.

Thiết bị hiển thị mới này, hoạt động không cần kính mắt và mã hóa cơ cấu hoạt động vào chính bản thân màn hình. Để có thể làm được vậy, thiết bị này phản xạ ánh sáng được chiếu dọc theo các cạnh của nó với các “điểm ảnh mài” (grated pixels) đặc biệt, có khả năng chiếu ánh sáng theo nhiều hướng khác nhau thay vì chiếu trực tiếp vào mắt. Khi bạn nhìn vào một màn hình được chế tạo bởi “điểm ảnh mài”, mỗi mắt của bạn sẽ thấy một hình ảnh hơi khác của sự vật chiếu từ màn hình, tạo nên một ảo giác về chiều sâu bất kể vị trí đứng của bạn là ở đâu.

Nhưng, mánh khóe thực sự của công nghệ này chính là ở việc tạo ra ảo giác/ảo ảnh ở một góc nhìn tương đối rộng- mà ở đây, là khoảng 90 độ. Thiết bị Nintendo 3DS, tuy cũng sử dụng cùng kỹ thuật điều hướng điểm ảnh, nhưng chỉ phóng ánh sáng theo 2 hướng, cho nên chỉ có tác dụng với một người sử dụng, đứng ở một khoảng cách xác định thẳng từ trung tâm (nơi mà 2 tia sáng giao thoa- hình A ở bên dưới). 3DS là một thiết bị chơi game cá nhân, nên thực ra đây không phải vấn đề lớn vì người sử dụng thường giữ máy ở ngay trước mặt theo chiều dài cánh tay khi chơi.

Thiết bị hiển thị mới của HD với mục tiêu trở thành một phần của smartphone (điện thoại thông minh) và tablet (máy tính bảng), cho nên các nhà nghiên cứu muốn tạo ra một hình chiếu 3D mà nhiều người có thể đứng xung quanh và đều xem được ở nhiều góc độ khác nhau. Và họ đã làm được điều này bằng cách sử dụng “điểm ảnh mài” (grated pixels) để chia ánh sáng theo 14 hướng khác nhau.

Hinhabc
Các phương thức chia hình để tạo ảo ảnh 3D

Kết quả, các tia sáng được phóng theo các hướng khác nhau đó giao thoa tại rất nhiều điểm phía trước màn hình, nhờ vậy, người sử dụng có thể đứng ở bất cứ đâu phía trước màn hình mà vẫn thu được các hình ảnh khác nhau vào mỗi mắt, tạo thành ảnh ảo 3D (như mô tả trong hình C bên cạnh). Mặc dù công nghệ hiện nay vẫn còn có một số điểm mù (điểm không có giao thoa hoặc không thấy ảnh 3D), nhưng nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ nâng cao số lượng hướng sáng từ 14 lên 64 hướng trong tương lai, và xa hơn nữa là tăng góc nhìn.

Đương nhiên, đây mới chỉ là mẫu minh chứng cho concept (ý tưởng) của công nghệ, chứ chưa phải một công nghệ sẵn sàng cho việc ứng dụng công nghiệp ngay lập tức. Do đó sẽ còn cần thêm thời gian để ta có thể gặp dạng thiết bị hiển thị/ màn hình này xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, thiết bị này cũng cho chúng ta một gợi ý về việc các nhà nghiên cứu đang chế tạo thiết bị gì trong tương lai- không chừng ngày các thiết bị chiếu ảnh nổi 3D như trong phim sci-fi dạng Starwar cũng không còn xa nữa.

——————————————————————-

Người dịch: Trungmaster, theo Smithsonianmag

——————————————————————-

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan