[CHUYÊN ĐỀ] Kết nối với người tiêu dùng trong nông nghiệp Nhật Bản (Bài 2)

Bài 2: Thu nhập có thể tăng gấp 10 lần thông qua kết nối khách hàng hay không!?

1. Thay đổi ý tưởng từ những điều căn bản

Tôi nghĩ rằng để tăng thu nhập từ 10 đồng lên 12 hay 13 đồng thì đơn giản chỉ cần thay đổi một chút cách làm hiện tại. Trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể tăng thu nhập thông qua các biện pháp như tăng sản lượng thu hoạch bằng cách tăng năng suất hoặc mở rộng quy mô đất. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để có thể đạt được mục tiêu tăng thu nhập từ 10 đồng lên đến 100 đồng thì chúng ta cần thay đổi ý tưởng từ những điều căn bản nhất.

Khu vườn Furai với diện tích nhỏ 3000m2, mà tôi chỉ đơn thuần trồng rau, rồi đem đi bán thì sẽ không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, tôi đã cố gắng tăng tỷ lệ thương mại trực tiếp, gia công chế biến thêm các sản phẩm như đồ dưa muối từ rau củ. Tuy nhiên, những điều này vẫn chưa đủ. Nông nghiệp vẫn còn tiềm ẩn nhiều khả năng khác nữa, và tôi muốn khai thác phát triển triệt để những khả năng này.

Thực tế, tôi đã bắt đầu triển khai với công việc dọn cỏ dại.

2. Kêu gọi chính khách hàng tham gia trải nghiệm công việc dọn cỏ dại trong khu vườn

Đối với những nông dân như tôi, khi lựa chọn trồng trọt theo phương pháp không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hay các loại thuốc hóa học khác thì công việc thu dọn cỏ dại luôn khiến chúng tôi phải trăn trở rất nhiều. Khi đó, tôi đã kêu gọi chính những khách hàng của mình “Các bạn có thể đến giúp tôi thu dọn cỏ dại được không?”, và có 5 người đã đồng ý. Tuy nhiên, họ rất lo lắng về những vấn đề như liệu họ có bị liềm cắt phải tay hay không, lỡ họ bị thương thì làm sao.. Những lo lắng này khiến không khí làm việc khá nặng nề và kết quả khi công việc kết thúc ai cũng cảm thấy khá mệt mỏi. Cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người tôi có chuẩn bị thêm trà và bánh để mọi người cùng nhau ăn uống và nói chuyện. Tuy nhiên, lần tiếp theo khi kêu gọi sự giúp đỡ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Kêu gọi chính khách hàng tham gia trải nghiệm công việc dọn cỏ dại trong khu vườn (Nguồn: casa-club.net)

Việc làm cỏ dại quả là một công việc phiền hà. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm và tập trung vào nó thì tôi có thể quên hết mọi băn khoăn. Và những ý tưởng về cách làm và sản phẩm mới lại nảy sinh trong đầu. Lần này tôi quyết định vẫn kêu gọi sự giúp đỡ của khách hàng và mọi người xung quanh nhưng thay đổi khẩu hiệu của mình “Hãy để cho mọi người được làm cỏ !”.

Chính sự thay đổi này, số lượng người đồng ý đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đó. Hơn thế, hiệu quả công việc tăng lên rất nhiều. Mọi người còn tự mình đem liềm và ủng của mình đến tạo nên bầu không khí làm việc trở nên vui vẻ và hứng khởi. Hơn nữa, họ còn đem theo cả bánh kẹo, hoa quả để khi công việc kết thúc để cùng nhau ăn uống, nói chuyện vui vẻ khiến ai cũng cảm thấy vô cùng thỏa mãn với công việc dù chẳng nhận được đồng thù lao nào. Mọi người còn đặt cho tôi cái biệt hiệu “Hara san” (nghĩa là cánh đồng), rồi để lại lời nhắn “lần sau lại cùng làm tiếp nhé!” và ra về. Khi đó bằng việc thay đổi phương pháp mang tính tâm lý đối với công việc làm cỏ dại tôi có cảm giác như mình đã kiếm được một khoản tiền lớn từ việc đó dù trên thực tế không phải như vậy.
Sau việc này, tôi đã nhận ra rằng nông nghiệp có những công việc phiền hà, vất vả nhưng cũng có nhiều giá trị khác đi kèm.

3. Với số rau quả thu hoạch được quá nhiều tôi mở các lớp học về muối dưa chua

Cách làm này tôi đã học được từ những người nông dân thân thiết của mình.Vào mùa hè, tôi thu hoạch được rất nhiều dưa chuột. Số lượng thu hoạch được quá lớn nên dù đem bán cho các cửa hàng cũng còn dư rất nhiều. Hơn nữa, giá cả thì rất rẻ, mỗi quả tôi chỉ bán được chưa đến 10 yên, thực sự rất lãng phí.

Vì vậy tôi đã kêu gọi mọi người “Các bạn có muốn làm dưa chuột muối với kasuduke không?”.(Kasuzuke: Kiểu muối dưa sử dụng bã rượu để lên men). Với một quả dưa chuột đã được phơi khô tôi bán với giá là 50 yên, bao gồm cả phí cho nguyên liệu làm đồ muối chua như sakekasu và hộp đựng. Vì là đồ dưa muối nên có thể để được lâu, mỗi người thường mua số lượng lớn từ 50 đến 100 quả. Các buổi học được mở thường xuyên với chi phí trên một người từ 1000~1500 yên. Với cách làm này tôi đã tiêu thụ hết số lượng lớn dưa chuột thu hoạch được.

Kasuzuke: Kiểu muối dưa sử dụng bã rượu để lên men

Giống với dưa chuột, vào mùa đông tôi thu hoạch được rất nhiều củ cải nên không thể bán hết cho các của hàng. Tôi cũng kêu gọi khách hàng của mình “Mọi người cùng nhau làm Takuan nhé” (Takuan là một món dưa muối từ rau củ được phơi khô bằng ánh sáng mặt trời). Đối với Takuan tôi tổ chức lớp học khoảng hai lần. Lần đầu, tôi cùng mọi người thu hoạch, rửa sạch, bó lại sau đó đem phơi dưới ánh nắng mặt trời để làm khô dần. Hai tuần sau khi phơi, tôi kêu mọi người đến lần thứ hai để bắt đầu muối chua. Tất nhiên tôi cũng có thu phí cho nguyên liệu muối, đồ đựng, tiền học phí…Nhưng trên tất cả tôi phải cảm ơn mọi người vì đã đến cùng nhau làm những công việc như làm sạch củ cải trong cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt.

Takuan là một món dưa muối từ rau củ được phơi khô bằng ánh sáng mặt trời (Nguồn: tenuki.info)

4. Học cách tổ chức các sự kiện từ các nông dân và người bạn thân thiết

Bây giờ tôi đã có thể tự mình tạo ra nhiều ý tưởng và tự mình tổ chức sắp xếp các sự kiện cho khu vườn Furai. Tuy nhiên không phải ngay từ đầu tôi đã có thể làm tốt những công việc như thế này.

Khi tổ chức một sự kiện phải suy nghĩ đến rất nhiều vấn đề như làm thế nào để kêu gọi được mọi người, cần số tiền bao nhiêu là phù hợp…Tôi biết rằng những công việc này không thể tự hoàn thành một mình được và điều này đã trở thành kinh nghiệm qua trọng trong sự nghiệp của mình. Ngày trước tôi có tự mình tổ chức các lớp học. Tuy nhiên, sau đó tôi muốn cùng các nông dân thân thiết tổ chức các hội có tính thực tế hơn và kết quả là năm 2008 hội “Mame mame” đã được mở. Tôi và hai nông dân khác nữa trở thành 3 cán bộ chủ chốt của hội. Công việc chủ yếu là chỉ đạo mọi người trồng đậu nành và tiến hành làm miso từ đậu thu hoạch được. Phương châm hoạt động của hội là lấy nông nghiệp làm cơ sở để tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa các nông dân. Đúng thời điểm này nổi cộm lên mối lo ngại về thực phẩm giả và tính an toàn của rau nhập khẩu nên 15 gia đình đã quyết định tham gia hội. Đến bây giờ hội vẫn còn những thành viên tham gia từ ngày thành lập.

Mục đích đối với những nông dân tham gia hội chính là “Học các phương pháp tiếp cận”. Ví dụ như làm thế nào để truyền đạt kiến thức đến mọi người, tiền hội phí bao nhiêu là phù hợp, nên tổ chức các sự kiện như thế nào để thu hút và tạo hứng khởi cho mọi người…Tôi nghĩ rằng đối với nông dân, công việc trồng trọt là điều đương nhiên. Tuy nhiên đối với những công việc như tổ chức sự kiện hay truyền đạt kiến thức tới mọi người lại là chuyện không phải nông dân nào cũng có thể làm được. Chính vì vậy nhờ vào sự giúp đỡ và đồng tâm hiệp lực của các nông dân khác mọi người cùng nhau rèn giũa những kỹ năng mới này.

Từ năm 2013 tôi mở hội “Beji beji” tại khu vườn Furai. Tôi muốn những người khác khi đến khu vườn Furai sẽ có được những kiến thức sâu sắc hơn về nông nghiêp. Vì vậy tôi tổ chức các hoạt động cùng nhau trải nghiệm trồng trọt, cùng nhau nấu cơm và ăn uống. Thông qua những hoạt động đơn giản như vậy tôi đã học được cách tiếp cận với khách hàng. Tôi nghĩ rằng những việc này rất quan trọng đối với người làm nông.

Tôi nghĩ rằng nếu có thể đưa thêm trí tuệ vào công việc đồng áng thì có thể biến mảnh ruộng thành “kho báu”. Tuy nhiên dù ruộng vườn có bao nhiêu khả năng mà chúng ta không biết áp dụng vào thực tế thì nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Khi mới bắt đầu, nếu chúng ta cố gắng làm những việc lớn thì sẽ cảm thấy khó khăn. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu với những việc nhỏ, làm thử nếu không tốt sẽ làm lại. Đây chính là mô hình về chủ nghĩa tối giản mà tôi vẫn khuyến khích mọi người áp dụng.

(Mời các bạn đón đọc tiếp bài 3: Tổ chức các khóa học trải nghiệm nông nghiệp!?)

Thực hiện: Ngocnguyen
Tài liệu tham khảo: Kỹ năng khởi nghiệp với nông nghiệp quy mô nhỏ – Nishita Eiki

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan