Những nông trang siêu hạng – Họ là ai?

Bạn có biết đến khái niệm “Nông trang hình mẫu” không? Trong những nông trang hình mẫu thì ngoài chức vụ giám đốc còn có các chức danh quản lý như “nông trưởng xưởng”. Mở rộng quy mô sản xuất là mục tiêu của những nông trang kiểu này. Thế còn “Nông trang siêu hạng” thì sao? Ngoài những đặc điểm giống nông trang hình mẫu ở trên, các nông trang siêu hạng còn rất chú trọng đến việc nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài và những thế hệ kế thừa. Đặc điểm chung của những nông trang này là có tầm nhìn kinh doanh rõ ràng, có chiến lược tăng trưởng, có chiến lược đào tạo nhân sự và đội ngũ quản lý.

Vậy những nông trang siêu hạng – Họ là những ai?

Nông trang Hokubu (tỉnh Kumamoto) – Kaizen triệt để

Hokubu là nông trang đứng vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 20 nông trang hình mẫu năm 2017. Hiện tại họ sở hữu 800 nhà lưới với diện tích 40ha sản xuất rau xà lách. Tỷ suất lợi nhuận thuần lên tới 50%. Chi phí sản xuất của nông trang chỉ bằng 1/3 so với các nơi khác vì họ đã triệt để thực hiện chính sách kaizen trong nông trang. Quan điểm của họ là mỗi thứ chi phí chỉ cần tiết kiệm được 1 Yên thôi thì khi tính tổng lại chi phí sẽ giảm đáng kể.

Những năm trước chủ trang trại, ông Ueda, đã được khuyến khích chuyển sang trồng lúa để được hưởng trợ cấp lên tới 5 triệu Yên nhưng ông kiên quyết từ chối. Ông muốn kinh doanh dựa trên chính năng lực của mình, không muốn phụ thuộc vào tiền trợ cấp của chính phủ. Ông nói tiền trợ cấp sẽ làm mất đi ý chí kinh doanh, cải thiện năng suất lao động trong nông trại.

Nông trang World Farm (tỉnh Ibaraki) – Chuẩn bị cho vấn để biến đổi khí hậu

Năm 2017, trong khi những nông trang khác chịu rất nhiều thiệt hại do mưa bão, nông trang vẫn đạt được mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Không những thế nông trang còn biến rủi ro thành cơ hội. Bằng cách nào? Thứ nhất là phân bố các nông trang sản xuất ra nhiều nơi. Hiện tại World Farm đã có trang trại ở 10 tỉnh trên toàn quốc. Trong 1, 2 năm tới dự tính sẽ mở rộng ra thêm 10 tỉnh khác. Việc phân bổ này sẽ làm giảm thiểu rủi ro do. Sản lượng ở những vùng có khí hậu thuận lợi sẽ bù đắp cho những nơi chịu thiệt hại.

Thứ 2, điều được coi là “lá gan” trong mô hình kinh doanh của nông trang là chế biến và tích trữ bắp cải. So với bán rau tuơi sống, lợi nhuận từ rau chế biến cao gấp 20 lần. Rau bắp cải được thu hoạch vào buổi sáng sẽ được chế biến ngay tại nhà xưởng của nông trang nên tiết kiệm rất nhiều chi phí. Bắp cải dùng cho chế biến không yêu cầu phải có mẫu mã đẹp và được chăm sóc để to gấp đôi so với rau xuất tươi. Năm 2017 khi giá rau bắp cải giảm đến 75%, công ty đã tích trữ rau vào kho lạnh để dùng cho việc chế biến. Khi giá thị trưởng phục hồi, World Farm lại mang ra bán như rau tươi thông thường. Rau của nông trang có thể bán giá cao gấp 3 lần so với giá trung bình trên thị trường.

Trong 1 triệu tấn rau đông lạnh được tiêu thụ tại Nhật Bản thì hầu hết là rau nhập khẩu từ những nước như Trung Quốc. Mục tiêu của World Farm là phải để sản phẩm của công ty và những nông dân Nhật Bản chiếm 50% thị phần rau nói trên.

Tsubasa Green Farm (tỉnh Saitama) – Hiểu rõ điểm mạnh, yếu của chính mình

Nông trang mới được thành lập từ năm 2010. Diện tích sản xuất là 28ha. Điều đặc biệt và cũng là điểm mạnh của nông trang này là có đội ngũ nhân viên rất trẻ. Nông trang có 14 nhân viên, độ tuổi trung bình là 28 tuổi. Trong một xã hội đang già hóa, độ tuổi trung bình của nông dân là trên 60 tuổi như Nhật Bản thì đây quả là một điểm nổi bật.

Tận dụng lợi thế về nhân lực này, nông trang chủ yếu hướng tới sản xuất các loại rau có khối lượng và kích cỡ lớn như bắp cải, cải thảo. Điều này đã mang lại sự khác biệt và lợi nhuận cho nông trang vì ở những nơi khác do người lao động chủ yếu là người cao tuổi nên chỉ sản xuất được những loại rau có kích thước nhỏ, nhẹ. Ngược lại, do nhân viên đa số là người trẻ nên những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo như đóng gói, bó rau… lại không phải là điểm mạnh của Tsubasa Green Farm. Trong trường hợp này, giám đốc nông trang, anh Takahashi, không ngần ngại mà quyết định sẽ thuê lao động từ bên ngoài làm. Chính việc hiểu rõ những lợi thế cũng như điểm yếu của chính mình, nông trang đã biết việc gì nên tự mình làm, việc gì nên thuê bên ngoài, từ đó cải thiện chi phí sản xuất, năng xuất lao động và tăng lợi nhuận.

Nông trang Yumeurara (tỉnh Ishikawa) – tìm vốn để thực hiện ước mơ

Yumeurara là nông trang trồng lúa dùng cho việc nấu rượu lớn thứ 9 ở tỉnh Ishikawa. Trong những ngày đầu thành lập, do không có đủ các điều kiện để vay vốn từ các tổ chức tín dụng nên nông trang đã sử dụng một hình thức gọi vốn khá độc đáo là Crowd Funding. Crowd Funding là cách thức gọi vốn từ các người hâm mộ. Tức là người gọi vốn sẽ trình bày kế hoạch, mục đích kinh doanh, sử dụng các hình thức PR để tìm kiếm fan hâm mộ của dự án. Các fan hâm mộ sẽ cùng góp tiền để người gọi vốn thực hiện ý tưởng của mình. Người gọi vốn không có nghĩa vụ phải trả lại số tiền này. Và người góp vốn cũng không yêu cầu nhận trả lợi nhuận từ dự án. Họ góp vốn chỉ vì thích, tin tưởng, muốn giúp người khác thực hiện ý tưởng.

Yumeurara đã đưa ra các hình thức “đãi ngộ” cho người góp vốn bằng cách gửi tặng họ rượu hay gạo do nông trang sản xuất. Những người góp vốn trên 1 triệu Yên sẽ nhận được vé mời tham quan bán đảo Noto. Ý tưởng của Yumeurara đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người hâm mộ. Nông trang đã gọi được số vốn lên đến trên 4 triệu Yên. Quy mô sản xuất đã lên tới 50ha.

[divider]

Nguyễn Khuyên

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan