[Chuyên đề] Sức hấp dẫn của nông nghiệp quy mô nhỏ tại Nhật Bản (Bài 4)

Bài 4: Công việc trong sáu tháng cuối năm

Tháng 7 – Công việc chuẩn bị cho vườn rau vào mùa thu và mùa đông

Đầu tháng 7 là mùa mưa vì vậy công việc chủ yếu là quản lý công việc ngoài vườn, vừa làm vừa nghỉ ngơi. Thời tiết cũng bắt đầu nóng dần, chỉ mỗi việc thu hoạch thôi cũng làm đổ nhiều mồ hôi. Nếu làm vườn vào giữa ngày sẽ rất vất vả, nên buổi sáng tôi tranh thủ sau khi thu hoạch xong thì tiến hành làm công việc ngoài vườn luôn. Công việc tạo set rau và gửi hàng đến cho khách thông thường bắt đầu từ 10h thì thời gian này sẽ bị trễ hơn một chút. Làm như vậy công việc trong nhà tôi sẽ tiến hành vào buổi trưa tránh được khoảng thời gian nóng nhất trong ngày và cũng phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Vào đầu giờ chiều mặc dù thời tiết vẫn còn khá nóng nhưng tôi vẫn tiến hành công việc chuần bị cho khu vườn vào mùa thu và mùa đông. Công việc của tôi bao gồm gieo hạt củ cà rốt, trồng và chăm sóc cây con như cải thảo, bắp cải, súp lơ…

Thành phần của set rau vào thời gian này có nhiều loại rau lấy quả như: cà chua, cà chua nhỏ, cà tím… Cà chua thu hoạch được rất nhiều nên tôi làm nước ép cà chua rồi bỏ vào ngăn đông của tủ lạnh để bảo quản, sau đó chia thành túi nhỏ như loại đò uống và đem bán.

Về sự kiện của tháng này là tổ chức tiệc thịt nướng ngoài trời trước khu vườn cùng những nông dân ở địa phương. Gia đình tôi chuẩn bị rau, bếp nướng và nước chấm. Nguyên liệu khác thì mỗi người chuẩn bị một chút và mang đến. những bữa tiệc đơn giản như thế này, mọi người có thể vừa ăn uống, vừa nhắm nhìn khu vườn của mình như một thành quả và tạo ra mối quan hệ thân thiết hơn.

Tháng 8 – Gieo hạt củ cải tròn để chuẩn bị để làm sushi củ cải

Tháng 8 là tháng nóng nhất trong mùa hè, vì vậy tôi cố gắng hạn chế công việc ngoài vườn nhất. Sau kì nghỉ lễ Obon (Đợt nghỉ dài vào mùa hè hàng năm) thì cái nắng cũng bắt đầu bớt gay gắt đi. Lúc này, tôi chính thức chuẩn bị vườn cho mùa thu. Nửa sau của tháng 8, sẽ bắt đầu với công việc gieo hạt củ cải tròn. Loại củ cải này dùng để chuẩn bị cho món dưa muối nổi tiếng vào mùa đông (tháng 12) có tên là “sushi củ cải”. Việc trồng loại củ cải này khá cầu kì vì nó có hình tròn. Nếu gieo hạt vào nửa đầu mùa thu khi thời tiết còn ấm áp sẽ thu hoạch được củ quá to. Còn nếu gieo vào nửa sau mùa thu khi thời tiết bắt đầu se lạnh sẽ cho củ quá nhỏ. Vì vậy để có củ với độ lớn thích hợp tôi sử dụng theo phương pháp tuần tự, cứ cách tuần thì gieo hạt một lần.

Vào thời gian này có rất nhiều loại rau ăn sống như cà chua, dưa chuột nên đơn đặt hàng cho đồ dưa muối giảm đi nhều. Và do thời tiêt nóng nực nên mọi người không không thích ăn các loại bánh ngọt. Vì vậy, với số lượng lớn cà chua nhỏ đã thu hoạch được vợ tôi chế biến thạch cà chua. Đây là món ăn được ninh hỗn hợp gồm rượu vang trắng, mật ong và chanh. Với hai màu đỏ và vàng của cà chua nhỏ tạo cho màu sắc của món ăn khá đẹp mắt, có cảm giác mát mẻ, và được dùng làm món tráng miệng.

Thạch cà chua (Nguồn: cookeatshare.jp)

Sự kiện trong tháng này thì không có gì đặc biệt, do cái nóng gay gắt của mùa hè. Các hoạt động về nông nghiệp cũng ít nên tôi tranh thủ nghỉ ngơi ngày lễ Obon, đôi khi có tổ chức các bữa tiệc thịt nướng ngoài trời như tháng 7.

Tháng 9 – Chuyển sang bán các loại bánh ngọt và đồ dưa muối với Kasuzuke

Khoảng thời gian nửa đầu tháng tôi tập trung chung cho công việc chuyển mầm cây con cải thảo, bắp cải, súp lơ, xà lách từ các ô vuông ra ngoài luống đất để trồng. Rồi gieo hạt củ cải dài, củ cải tròn…công việc ngoài vườn khá bận trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên so với đầu mùa xuân thì vẫn còn nhiều thời gian thảnh thơi hơn. Trong khoảng thời gian giao mùa này lượng thu hoạch giảm nhiều. Thời gian chuyển mùa khá dài nên cần có những quyết định thu hoạch phù hợp cho số lượng rau còn lại trong vườn.

Củ cải tròn (Nguồn: blog.goo.ne.jp)

Giữa tháng này tôi bắt đầu gieo hạt các loại rau như cải, củ cải tím…Những loại rau này có sức chịu lạnh rất tốt nên ở các vùng có thời tiết khắc nghiệt loại rau này được xem như là bảo bối. (đối sách cho khoảng thời gian chuyển mùa sẽ được giới thiệu ở những phần sau)

Vào mùa này thì vợ tôi khá bận vì có nhiều đơn đặt hàng các loại bánh kem từ khoai lang hay bí đỏ nên tôi còn hay nói đùa vợ rằng “Mẹ của khu vườn Furai”. Tôi cũng bắt đầu bán các loại dưa chuột, bí xanh đã muối chua với Kasuzuke từ mùa hè.

Sự kiện của tháng này, tôi tổ chức hội trà cùng với các loại bánh mà vợ tôi tự làm. Tôi thường mời thêm những người quen có chuyên môn để nghe họ nói nhiều câu chuyện khác nhau như nghệ thuật, tiền tệ…

Tháng 10 – Chuyển cây con của bắp cải xuân từ ô vuông ra luống để trồng

Gần đây, do những vấn đề về biến đổi khí hậu nên dù đã tháng 10 nhưng thời tiết vẫn còn khá ấm áp. Việc thu hoạch chỉ cần chậm trễ vài ngày là những cây súp lơ có thể ra hoa hay cây xà lách sẽ lên thân dài, vì vậy tôi không được phép lơ đãng việc thu hoạch trong tháng này. Mặt khác sự ấm lên của thời tiết mà việc thu hoạch của các loại rau vốn chịu lạnh kém như đậu bắp, rau muống, rau đay có thể tiến hành thu hoạch trễ hơn. Nhờ phương pháp trồng nhiều loại rau với số lượng nhất định đã giúp tôi phân tán được rất nhiều rủi ro.

Công việc làm vườn trong thời gian này tương đối ổn định và nhẹ nhàng. Tuy nhiên để chuẩn bị cho thời tiết lạnh khắc nghiệt vào cuối năm, tôi tiến hành thu hoạch nốt số dưa chuột từ mùa thu và bắt đầu gieo hạt các loại rau lấy lá chịu lạnh tốt trong nhà kính. Hơn nữa, để chuẩn bị cho thời kì chuyển mùa vào tháng 3, 4 khi mà chủng loại rau bắt đầu thưa thớt, ngay từ bây giờ tôi bắt đầu chuyển những cây rau bắp cải xuân từ ô vuông ra ngoài luống đất để trồng.

Sự kiện của tháng này là các hội ẩm thực về gạo. Sự kiện này được tổ chức nhờ sự hợp tác của những người nông dân trồng lúa thân thiện. Tại đây, tôi được dậy cách nấu sao cho cơm thật ngon. Sau đó tôi sẽ ăn thử các loại cơm khác nhau như koshihikari, akitakomachi…và học cách phân biệt chúng. Sau đó, những người tham gia sẽ tự mình lựa chọn ra loại cơm mà mình cho là ngon nhất, đêm chúng vào tham gia tiệc. Tại đây mọi người sẽ giới thiệu về bản thân và loại cơm mà mình đã lựa chọn. Cách làm này khiến tất cả mọi người đều cảm thấy gần gũi với nhau hơn.

Tháng 11 – Trồng hành tây  

Sau khi chuyển cây con hành tây ra luống trồng thì công việc ngoài vườn gần như là kết thúc. Công việc bắt đầu nhàn hơn cũng là lúc có nhiều sự kiện lớn được mở ra như lễ hội thu hoạch.

Thành phần set rau vào thời gian này bao gồm cải thảo, bắp cải, súp lơ, ớt chuông, cà tím, củ cải,…

Tháng 11 là thời gian thu hoạch Yuzu (một loại chanh Nhật). Khu vườn Furai của tôi thì không có trồng Yuzu. Tuy nhiên tôi giữ trách nhiệm quản lý khu vườn Yuzu của thành phố nên cúng tham gia vào hoạt động thu hoạch với mọi người. Chúng tôi sử dụng Yuzu để chế biến Yuzu shouyu (một loại nước chấm nổi tiếng của Nhật) như một sự kiện trong tháng. Cách chế biến khá đơn giản mà rất ngon ngoài sự tưởng tượng của tôi. Sau đó mọi người dùng Yuzu shouyu làm nước chấm và tổ chức các bữa tiệc lẩu cùng nhau.

Tháng 12 – Làm mạch nha

Nửa tháng đầu, công việc làm vườn khá nhàn nên tôi tập trung vào công việc làm mạch nha. Ở vùng phía tây Nhật Bản người ta sử dụng mạch nha để làm các món “sushi củ cải” như một món ăn tiêu biểu cho mùa đông.

Sự kiện của tháng này là tổ chức lớp học làm “sushi củ cải”. Gần đây, món ăn này có giá bán rất cao, và trở thành sản phẩm chuyên để biếu tặng. Tôi nghĩ việc này có thể làm mất đi nét đẹp trong văn hóa ẩm thực. Nhờ vào việc mở những lớp học về ẩm thực như thế này, mọi người cũng đã phần nào hiểu được sự quan trọng của nó. Sau mỗi buổi học, những đồ ăn được muối chua và đồ uống do mọi người tự làm được gom lại và tổ chức những bữa tiệc ấm áp vào cuối năm.

(Mời các bạn đón đọc bài 5: Tại sao nông nghiệp quy mô nhỏ lại có sức hút lớn như vậy?)

 Thực hiện: Ngocnguyen

Tài liệu tham khảo: Kỹ năng khởi nghiệp với nông nghiệp quy mô nhỏ – Nishita Eiki

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan