1.2 Sự kết hợp giáo dục đào tạo của Nissan với các trường đại học
Trong bối cảnh cần thiết phải kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống với kỹ thuật mới và hiện đại, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho giai đoạn này. Vậy tại Nissan, mô hình đào tạo nguồn nhân lực ấy là gì?
Năng lực của nguồn nhân lực mà Nissan yêu cầu bao gồm: năng lực kỹ thuật, năng lực quản lý, năng lực cơ bản của con người. Lấy suy nghĩ từ quá trình rèn luyện võ sỹ đạo Nhật Bản “thủ – phá – li = tuân thủ – thoát li – tách rời” , người kỹ sư tại Nissan được đào tạo và trang bị phong cách, kỹ năng cơ bản đồng thời được tham gia vào những khóa đào tạo để có được những kinh nghiệm và năng lực “khác thường” phá vỡ vỏ bọc của bản thân. Năng lực kĩ thuật để sản xuất ra xe ô tô không thể thiếu những bài giảng và kiến thức chuyên môn.
Về năng lực quản lý, Nissan xây dựng những khóa đào tạo kỹ năng đặc biệt để giúp những học viên cũng là những kỹ sư sẽ đưa ra được những out-put có chất lượng, tương xứng với kinh nghiệm và năng lực của mỗi cá nhân. Năng lực con người, năng lực kĩ thuật, năng lực quản lí được tổ hợp lại với nhau và được mài giũa để sát hơn với chuyên môn thông qua rèn luyện thực tế. Những năng lực kể trên không phải khi vào công ty mới có thể học được. Nissan suy nghĩ rằng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường những “kỹ sư tương lai’ hoàn toàn có thể học tập và rèn luyện được ở mức độ cơ bản. Bởi vậy, Nissan rất tích cực tham gia liên kết với các trường đại học, cao đẳng về ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong bài viết này tôi xin đưa ra ví dụ về chương trình “thiết kế & phát triển xe ô tô” là sản phẩm của sự hợp tác giữa công ty Nissan với đại học quốc lập Yokohama nằm trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những bài giảng trong chương trình này được thiết kế cho sinh viên cao học ngành kĩ thuật. Học kì đầu tiên chúng tôi cử những chuyên gia của Nissan, từng người từng người sẽ tới trường đại học để giảng về quá trình thiết kế và phát triển một chiếc xe ô tô. Nội dung bài giảng bao gồm từ việc xây dựng kế hoạch cho sản phẩm cho đến các tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn khí thải, tính năng khung- gầm, công nghệ thông tin-hệ thống giao thông thông minh IT-ITS… Sau khi hoàn thành khóa học này, các học viên nếu có nguyện vọng sẽ được tham gia khóa thực tập “chế tạo xe” trong chương trình thực tập của Nissan (internship).
Chương trình đào tạo này mong muốn giúp các bạn sinh viên làm được 3 việc sau:
1-Nhận thức được rằng những suy nghĩ trên giấy tờ và những gì xảy ra trên vật thật không phải lúc nào cũng ăn khớp với nhau.
2-Hiểu được sự dung hòa giữa phần cơ và và phần điện, trải nghiệm cách suy nghĩ sản phẩm từ cách nhìn về hệ thống.
3-Học và hiểu được sự quan trọng của sự hợp tác giữa các thành viên khi cùng nhau tham gia chế tạo một sản phẩm.
Bài giảng này đã bắt đầu từ năm 2006, qua từng năm chúng tôi luôn tiến hành cải thiện chất lượng chương trình dựa trên những phản hồi từ phía sinh viên tham gia khóa đào tạo. Các tiết học được phần lớn sinh viên tham gia đánh giá rất cao, trong đó nội dung liên quan tới phần quản lí chất lượng được các sinh viên đánh giá cao nhất. Có nhiều ý kiến từ phía sinh viên cho rằng “việc sử dụng biểu vuông góc (latin square) có thể áp dụng vào ngay cả trong những nghiên cứu tại đại học (Về biểu vuông góc các bạn có thể tìm hiểu thêm theo từ khóa chokkouhyou (直行表) hoặc latin square).
Chúng tôi tổ chức cuộc thi thực hành chế tạo mô hình xe ô tô 4 bánh chạy theo những course được quy định sẵn trong nội bộ trường đại học quốc lập Yokohama. Các đội chơi sẽ tranh tài về thời gian và độ chính xác. Trong nhóm thành lập các concept cho sản phẩm, lên phương án cho các hoạt động xây dựng, lắp ráp mô hình. Hoạt động này tuy quy mô nhỏ nhưng chu trình thực hiện không khác gì so với việc phát triển một mẫu xe mới trong thực tế.
Cho đến thời điểm này, số thực tập sinh đã vượt 100 người. Chương trình học tập và thực tập gần gũi với công việc thực tế cùng sự tham gia của các kỹ sư trẻ của Nissan. Thông qua những buổi trao đổi, học tập lẫn nhau tôi cho rằng hoạt động này đã mang lại lợi ích cho cả đôi bên doanh nghiệp và đại học. Nếu những chương trình đào tạo đi sát với thực tế này được thí điểm tại nhiều trường thì sự quan tâm của sinh viên đối với các ngành sản xuất sẽ ngày càng sâu hơn. Sinh viên tham gia khóa học, nhà trường và doanh nghiệp tất cả các bên sẽ có được những lợi ích khi tham gia những chương trình như thế này.
1.3 Những kì vọng về sinh viên ngành cơ khí
Ngay từ thời Minh Trị (1868-1912) máy móc đã cống hiến to lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo dựng nền móng cho hệ thống xã hội. Một dây chuyền sản xuất trong một công xưởng được hình thành bởi tổ hợp của nhiều máy. Trong quá trình vận hành mạng giao thông đường bộ, đường sắt, cho đến hệ thống viễn thông cũng không thể thiếu được vai trò của máy móc.
Đối tượng của ngành cơ khí thường nằm ở những lĩnh vực có tính ứng dụng và phổ cập cao của ngành công (khoa học kỹ thuật). Đặc trưng của ngành cơ khí đó là không bị bó hẹp trong một phạm vi đặc định. Đây là yếu tố mà ngành cơ khí có thể dễ dàng thấy được cái nhìn tổng thể dựa trên việc ý thức về tối ưu hóa toàn hệ thống.
Với đặc trưng đó, trước hết các bạn sinh viên cơ khí hãy chọn và học lấy kiến thức CORE trong một phạm vi hẹp trong tổng thể rộng lớn của ngành. Lấy nó làm “khu vực phòng thủ”, sau đó tiếp tục tích cực thử sức tới những phạm vi khác. Học theo cách đó, trước để đào sâu chuyên môn của bản thân, sau để có được cái nhìn tổng thể trong ngành cơ khí rộng lớn và trở thành người có ích khi bước chân vào xã hội.
Không chỉ đối với những lĩnh vực liên quan trực tiêp tới khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, sinh viên cơ khí cũng cần có sự quan tâm đối với lĩnh vực khoa học xã hội để tăng thêm sự gắn kết giữa xã hội và kĩ thuật, mở mang tầm hiểu biết.Thêm vào đó, khi suy nghĩ về quá trình toàn cầu hóa sinh viên cơ khí cũng cần phải có những cái nhìn bao quát về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, địa chính của từng quốc gia và khu vực lãnh thổ.
Thực hiện: Trần Xuân Quyết & Nguyễn Sinh Côn
Theo Tạp Chí Cơ Khí Nhật Bản
Theo em thấy 1 phần vì nền tảng của Vn chưa có. Các trường đại học, viện nghiên cứu đều hok có trang thiết bị và nguồn nhân lực đáp ứng đủ tốt. Còn về cty sản xuất thì Vn càng hok có cty sx vững bền, họ còn lo lợi nhuận duy trì hàng năm, nên hok đủ dư giả đầu tư vào những cái bên ngoài. Nhưng suy nghĩ theo hướng hiện nay thì kết hợp với nc cũng có thể có khả năng!
Cái này hay nhỉ!
những chương trình như thế này rất hay, thiết thực mà cũng không khó thực hiện. Ngay cả các chương trình giống như kengaku nữa, các trường của Nhật làm rất tốt mà các trường đại học của VN sao không chịu làm nhỉ? Nó đâu có khó lắm đâu (tớ nghĩ thế :))