Tư duy hệ thống

2. Tư duy sáng tạo có hệ thống – SIT (SYSTEMATIC INVENTIVE THINKING)

Bạn cần giải quyết những tình huống phức tạp trong khi nguồn lực có hạn? Bạn cần hành động thế nào? Tư duy sáng tạo có hệ thống có thể sẽ giúp bạn đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Vậy tư duy sáng tạo có hệ thống là gì?

Trước khi tìm hiểu về khái niệm tư suy sáng tạo có hệ thống (SIT) chúng ta sẽ làm rõ khái niệm sáng tạo được sử dụng trong trường hợp này. Sáng tạo là quá trình tư duy theo đó giá trị mới được tạo ra (một ý tưởng giải quyết vấn đề, một phát minh khoa học, một sáng chế kỹ thuật, một tác phẩm nghệ thuật, một tác phẩm văn học, một tác phẩm hội họa…).

Liên quan tới vấn đề sáng tạo, trong một buổi giao lưu của ông Tổng giám đốc Samsung Việt Nam với sinh viên trường Kinh tế Quốc dân cuối tháng 11/2014 mới đây, một bạn sinh viên đã đứng lên hỏi về các yêu cầu nhân sự của Samsung. Ông đáp rằng: “Những kiến thức nền tảng thì ai trải qua trường lớp cũng được trang bị. Cái ông cần ở các bạn trẻ là thái độ sống và khả năng “tưởng tượng về tương lai”. Tương lai là của nền kinh tế sáng tạo, và thuộc về những người có khả năng tự học, tương lai không trông chờ vào những kiến thức mà “ai qua trường lớp cũng được trang bị”. Nhà vật lý vĩ đại Einstein cũng từng nói “trí tưởng tượng quan trọng hơn trí thức”. Chúng ta “tưởng tượng” tức là chúng ta sáng tạo. Theo Bộ Lao động Mỹ, người lao động ở thế kỷ 21 cần có 13 kỹ năng, mà theo họ, kỹ năng tư duy sáng tạo là quan trọng nhất. Vậy có bao nhiêu phương pháp tư duy sáng tạo? Các phương pháp vẫn đang được khám phá và số lượng phương pháp được phát minh đã lên đến hàng trăm. Trong số các phương pháp tư duy sáng tạo, có thể kể đến như: tập kích bộ não, sáu chiếc mũ tư duy, DOIT, v.v…

Phương pháp tư duy sáng tạo có hệ thống (SIT) là phương pháp vẫn còn khá mới mẻ với Việt Nam và có lẽ với nhiều Quốc gia trên Thế giới. Đây là phương pháp tư duy được đề cập vào khoảng giữa những năm 1990. Nó được bắt nguồn từ lý thuyết TRIZ của Genrich Altshuller, ra đời vào năm 1946. Hạt nhân của SIT là Lý thuyết sáng tạo giải quyết vấn đề của Altshuler (Theory of Inventive Problem Solving – TIPS). SIT và TIPS có nhiều điểm chung về cách tiếp cận. SIT hướng tới phạm vi rộng hơn, giải quyết cả các vấn đề phi kỹ thuật như quản lý, tổ chức…

Phương pháp tư duy sáng tạo có hệ thống tập trung vào cái ta đang có để cho ra những sáng tạo cụ thể. Nguyên tắc cơ bản của nó là những ý tưởng sáng tạo đều được hình thành từ những khuôn mẫu chung. Sự sáng tạo đến từ các giải pháp được tìm ra ở trong bản thân sự việc và môi trường phát sinh ra nó. Và chính bản thân nó lại là một giải pháp thông minh, ít tốn kém và rất hiệu quả. Đây là phương pháp đã được giảng dạy và ứng dụng tại hơn 500 công ty rộng khắp trên thế giới để cho ra đời những sản phẩm mới, giải quyết các vấn đề mang tính kỹ thuật, và tạo ra những chiến dịch quảng cáo hiệu quả. SIT được áp dụng thành công tại các tập đoàn các tập đoàn hàng đầu Thế giới như Johnson & Johnson, GE, Procter & Gamble, SAP, Philips…

Phương pháp SIT được khai sinh từ Israel, một đất nước nhỏ bé, nghèo tài nguyên và khô cằn nhưng phần lớn sự kiện quan trọng trên thế giới đều có liên quan đến những con người xuất thân từ quốc gia này. Israel là nơi con người đã chiến thắng thiên nhiên và có lẽ chiến thắng cả thế giới về tính cần cù, bền bỉ, vượt khó, khả năng sáng tạo và không bao giờ dừng lại. Có lẽ chính nhờ SIT mà người Israel mới trở nên thành công và được cả thế giới say sưa tìm hiểu.

SIT còn có tên khác là “think inside the box”, nó đối nghịch với những phương pháp được gọi là “out of the box”. “Out of the box” hướng suy nghĩ của mọi người ra bên ngoài tình huống đang có, những tài nguyên đang nắm giữ, những thường thức và định kiến đã tồn tại. SIT thì ngược lại, quan điểm rằng sáng tạo phải nằm trong một không gian cho trước, quen thuộc với những người tham gia sáng tạo. Không gian đó được gọi là closed world (thế giới đóng), trong trường hợp này nó chính là cái hộp (box). Cái hộp ở đây cũng có thể hiểu là những ràng buộc (ràng buộc về tài nguyên đang có…), chính các ràng buộc này trở thành động lực khuyến khích sáng tạo.

“Out-of-the-box” là quan điểm cho rằng các ý tưởng không có quy luật chung, khuyến khích mọi người nghĩ ra thật nhiều ý tưởng một cách ngẫu nhiên vượt qua những thứ mà hiện tại chúng ta đã có, và hy vọng sẽ có những ý tưởng hay. SIT thì cho rằng các sáng tạo đều có những khuynh hướng chung . Chính vì lẽ đó mà SIT có chữ “systematic” – sáng tạo có hệ thống chứ không ngẫu nhiên.

“Chiếc chìa khóa xe”
Một tình huống được sử dụng như là một bài kiểm tra trong một cuộc phỏng vấn tìm việc làm: Bạn đang lái một chiếc xe chỉ có hai chỗ ngồi vào một đêm mưa bão, gió rét. Bạn đi qua một trạm đỗ xe buýt và nhìn thấy ba người đang đứng chờ xe:

– Một bà già rất ốm yếu, trông dường như sắp chết.
– Một người bạn cũ mà có lần đã cứu sống bạn.
– Một chàng trai (hoặc cô gái) mà bạn rất ngưỡng mộ và từ lâu bạn đã mơ ước được gặp.

Nên nhớ rằng trên chiếc xe của bạn, chỉ còn một chỗ duy nhất dành cho một người, bạn sẽ làm gì? Rất nhiều câu trả lời được đưa ra, nhưng duy nhất có một ứng cử viên trong số 100 người đang tìm việc này, được đánh giá là có câu trả lời hay nhất. Anh ta đã đưa ra ý tưởng sử dụng các nguồn lực nằm trong chính vấn đề được đưa ra. Đây là những gì mà anh ta đã nói: “Tôi sẽ đưa chiếc chìa khóa xe ô tô cho người bạn cũ của tôi, và để anh ta đưa bà già vào bệnh viện. Còn tôi sẽ ở lại đây và chờ xe buýt với người phụ nữ trong mơ của tôi”.

Bạn có nhận thấy điều gì thú vị không, thay vì tìm trợ giúp bên ngoài, anh chàng ứng viên thông minh đã có sáng kiến “tận dụng chính nguồn lực bên trong”, tận dụng chính cái anh đang có để xử lý tình huống sao cho tất cả mọi người cùng thỏa mãn. Một đáp án thực sự đột phá.

Một ví dụ nữa có lẽ khá quen thuộc đó là trò chơi cây nến: làm như thế nào để với một cây nến và một bao diêm hãy cho cây nến dính lên tường để có thể thắp sáng ngôi nhà. Hộp diêm ở đây theo tư duy quen thuộc chỉ là chất xúc tác để thắp sáng ngôi nhà. Tuy nhiên, với tư duy có hệ thống, hộp diêm cũng chính sẽ là một nguồn tài nguyên giúp cây nến có thể được dính lên tường. Một sự sáng tạo đáng giá và quan trọng trong sáng tạo này, chúng ta không mất thêm bất cứ “sự trợ giúp” nào.

Cũng theo phương SIT, giải pháp bạn đưa ra cho các tình huống sau là gì?

Tình huống 1: Hai tù nhân tìm cách vượt ngục bằng cách đào một đường hầm ngầm dưới lòng đất từ xà lim rộng 20 mét, nơi họ đang bị giam giữ. Họ đã giấu đất đá đào lên từ dưới đất ở đâu?

Tình huống 2: Kết thúc cuộc chiến tranh Vùng vịnh, các ngọn lửa bốc lên dữ dội từ các nhà máy lọc dầu tại Kuwait không thể nào kiểm soát được. Họ đã làm thế nào để dập tắt chúng?

Tình huống 3:Vào năm 2005, lực lượng quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đã tiến hành một vụ cướp nhà băng Northern Bank ở Belfast, và chúng đã cướp đi 25 triệu USD tiền mặt. Chính quyền đã làm cách nào để bắt được tội phạm và ngăn chặn chúng dùng tiền cướp được trên thị trường?

 

Kỳ sau: Các nguyên tắc và công cụ tư duy của SIT

Thực hiện: Trần Nam Thái
Nguồn tham khảo: GD tâm lý học về cuộc sống,
blog GS. Phan Phương Đạt – Phó hiệu trưởng ĐH FPT,
và các nguồn tài liệu trên internet khác

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

3 thoughts on “Tư duy hệ thống”

  1. Bùi Linh

    Cảm ơn ý kiến đóng góp của bạn Hiến, mình sẽ lưu ý điều này 🙂

  2. Mai Văn Hiến

    Bài viết rất hay ! (y) .Tuy nhiên, ở phần trình bày, theo ý kiến cá nhân thì ở phần cuối trang 1, nên có dấu hiệu là vẫn còn như có chữ còn tiếp chả hạn, chứ cái button trang 1, 2 quá là nhỏ bé… Đôi lời chân thành gửi từ một người luôn theo dõi Vietfuji ^_^

Comments are closed.