4 môn học của một kỹ sư

Những môn học để thi đại học

Để vào được các trường chuyên, lớp chọn, để vào được những trường đại học nổi tiếng học sinh phải tập trung cho những môn thi mà nhà trường quy định. Đó là toán, lý, hóa, văn, anh, sử, địa…Trường học, sách vở thầy cô sẽ chỉ cho chúng ta cách học và cách đạt được điểm cao. Thậm chí, để đối phó với những kỳ thi như thế này người học có thể có những mẹo mà chỉ học trò mới có, mẹo để vượt qua kỳ thi. Cách tính điểm để xét đỗ hay trượt tùy từng nơi, tùy từng kỳ thi nhưng về cơ bản đó là phép tính cộng. Tổng điểm của tất cả các môn thi được đem ra so sánh rồi quyết định đỗ trượt. Cách tính tổng nên nếu bạn thi 3 môn toán, lý, hóa mà chẳng may môn lý không phải là môn thế mạnh thì bạn có thể kéo lại bằng điểm của hai môn còn lại.
Bốn môn học của người làm kỹ thuật là QCDPa

• Q = Quality = Chất lượng
• C = Cost = Giá thành
• D = Delivery = Giao hàng
• Pa = Patent = Bản quyền, bằng sáng chế

Người làm kỹ thuật cũng có những thử thách giống như học sinh thi đại học vậy. Nhưng thử thách đó còn khó khăn và nghiêm khắc hơn gấp nhiều lần. Bởi bốn môn học mà người làm kỹ thuật phải master có cách tính điểm khác không phải là cộng lại xem được bao nhiêu điểm đâu, mà nó được tính bằng phép nhân. Giả sử chẳng may một môn bị điểm 0 thì tổng điểm thu được sẽ là 0. Một điểm khác biệt nữa đó là điểm dành cho những người làm kỹ thuật không phải do cấp trên hay thầy nọ cô kia quyết định mà đó là khách hàng. Thầy chấm không đúng thì trò có thể xin phúc khảo, nhưng khách hàng đã chấm thì trừ những trường hợp hy hữu lắm thì phần lớn là miễn bàn tới chuyện tôi đúng anh sai.

1. Môn học thứ nhất: Quality

Chúng ta cùng tìm hiểu về môn học này qua người bạn nổi tiếng Nhật Bản. Những sự sáng tạo mới sẽ dẫn thay thế cái cũ, nhưng những nền tảng tri thức dành cho sản xuất thì tất cả các nước đều cần phải có. Quay lại với Nhật Bản những năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản lúc đó là quốc gia bại trận. Nền kinh tế bị tàn phá, các cơ sở sản xuất kiệt quệ và phải nhờ cậy tới sự giúp sức của Mỹ. Giai đoạn này cũng là giai đoạn mà xu hướng sản xuất hàng loạt được phát triển mạnh ở Mỹ, hàng làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Có lẽ vì thế mà chất lượng hàng hóa Nhật Bản lúc đó vô cùng thấp và tất nhiên giá thành cũng rẻ tương xứng. Lô hàng đồ chơi của Nhật xuất sang Mỹ bị trả lại do có tin đồn là sản phẩm có hàm lượng chì độc hại. Nhật Bản cũng nhận được cú shock khi xe ô tô xuất sang Mỹ gặp nhiều trục trặc và phải tạm dừng xuất khẩu sang thị trường béo bở này.

Ngay sau đó, với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp về quản lý chất lượng (TQC, TQM – xem chi tiết tại www.tech.vietfujigroup.com/wp). Bằng cách áp dụng các thủ pháp quản lý chất lượng (thủ pháp QC) mà chất lượng hàng hóa của Nhật đã được cả thế giới công nhận. Ngày nay khi nói tới Made in Japan có nghĩa chúng ta đang nhắc tới hàng hóa chất lượng cao. Không phải tự nhiên mà Nhật Bản có được điều này, đó là kết quả của những người làm kỹ thuật đã thực hiện thật tốt môn học đầu tiên này.


2. Môn học thứ hai: Cost

Trước hết chúng ta cùng phân tích chi phí cho các loại vật liệu trong các chi tiết cơ khí của các sản phẩm điện gia dụng hay dụng cụ văn phòng theo hai khía cạnh: chi phí và tỷ lệ số chi tiết cấu thành nên sản phẩm do công ty Nhật sản xuất. (Theo cuốn 加工部品設計で3次元CADのプロになる 日刊工業新聞社)

Nhìn từ biểu đồ chúng ta có thể thấy được số chi tiết được làm từ thép tấm có số lượng lớn nhất chiếm quá phân nửa tổng số chi tiết trong khi đó giá thành sản xuất lại chỉ chiếm khoảng ¼ tổng chi phí gia công. Ngược lại đối với các chi tiết làm từ Plastic chỉ chiếm ¼ về số chi tiết nhưng lại chiếm tới phân nửa giá thành sản xuất. Nhìn về mặt giá thành, đây là nơi những người làm kỹ thuật có thể dồn sức để kaizen nâng cao hệ số chi phí-năng suất (cost performance) cho chúng.

Một ví dụ nữa về khuynh hướng xe điện trong tương lai. Điều gì xảy ra nếu xe điện thay thế cho xe chạy xăng như hiện nay? Điều đầu tiên phải kế đến đó là số chi tiết cấu thành nên xe ô tô sẽ giảm xuống một cách không thể ngờ được. Để lắp ráp được một chiếc xe ô tô thông thường sẽ cần từ 20,000 chi tiết tới 30,000 chi tiết trong khi đó, theo Nissan số chi tiết để lắp ráp một chiếc xe điện hoàn chỉnh chỉ còn trên dưới 10,000 chi tiết. Số chi tiết liên quan tới động cơ và các bộ phận liên đới sẽ được cắt giảm, đây là lý do chính khiến cho số chi tiết giảm đi đáng kể như vậy. Chi phí sản xuất phân theo nguyên vật liệu vì thế mà cũng sẽ phải có những thay đổi để phù hợp với xu hướng thời đại.

Người làm kỹ thuật phải nắm bắt được tình hình, cần tập trung vào phần nào, cần cải thiện ở phần nào để có thể có thể làm tốt bài học về COST. Bởi môn học này có thể là một trong những môn có những “người thầy” khó tính nhất.


3. Môn học thứ 3: Delivery

Môn học này không chỉ đơn thuần tập trung vào việc làm thế nào để vận chuyển những sản phẩm hoàn chỉnh tới khách hàng. Khái niệm “Delivery” nên được hiểu bao gồm toàn bộ quá trình từ khi lên kế hoạch phát triển sản phẩm tới lúc chuyển tới tay khách hàng. Tuyệt đối không vì rút ngắn thời gian mà cắt giảm chất lượng sản phẩm.Vậy làm thế nào để tăng tốc cho toàn bộ quá trình?

Câu trả lời đó là nâng cao cost performance. Cost performance là khái niệm kết hợp giữa Q (chất lượng) và C (chi phí). Đối với người làm kỹ thuật, không nên tách hai khái niệm này mà nên suy nghĩ hai khái niệm này làm một. Có nghĩa là luôn suy nghĩ cải tiến sao cho có thể sản xuất được sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhưng với giá thành phải chăng nhất. Người làm kỹ thuật muốn thấm nhuần được môn học delivery này cần phải nhanh chân hơn so với các đối thủ khác để có thể đưa những sản phẩm có cost-performance cao tới khách hàng.

Để làm được điều này chắc chắn sẽ cần phải có những công cụ hỗ trợ, những công cụ đó bao gồm:

VE (value engineering)
QFD (Quality Function Deployment – triển khai chức năng chất lượng sản phẩm)
Quality engineering
TRIZ (lý luận giải quyết vấn đề mang tính đột phá)
Tiêu chuẩn hóa
Monte Carlo Simulation
Cost Balance

Đối với từng công ty mà có những công cụ được xem trọng và áp dụng nhiều. Riêng đối với các công ty Nhật Bản, tiêu chuẩn hóa là công cụ được biết tới và sử dụng rộng rãi hơn cả.

4. Môn học thứ 4: Patent

Đối với những người làm kỹ thuật có lẽ công ty Motor Mabuchi không phải là cái tên xa lạ. Nhưng không hẳn ai cũng biết rằng thời kỳ đầu khởi nghiệp những năm 50 của thế kỷ trước hai anh em nhà Mabuchi đã gặp rất nhiều khó khăn để cho ra được mẫu motor mới. Tuy nhiên chiếc motor này chẳng bao lâu sau đã bị các công ty khác mô phỏng lại do sản phẩm này chưa được đăng ký bằng sáng chế. Sau này, thất bại này đã tạo động lực để công ty phát triển mẫu motor ưu việt hơn và có giá thành thấp hơn, làm nên sự thay đổi to lớn cho đồ điện – điện tử.

Nhật Bản cũng từng xảy ra các vấn đề liên quan tới bằng sáng chế. Nhờ vậy mà ngày nay những điều luật và thể chế liên quan tới vấn đề này đã được Nhật Bản thực hiện một cách triệt để. Đối với người làm kỹ thuật, những vấn đề tương tự mà người khác gặp phải thì chúng ta cũng khó có thể tránh được. Bởi vậy, môn học bản quyền có thể là môn học bảo vệ chính bản thân mình.

Trên đây là bốn môn học mà bất kể người làm kỹ thuật trong thời đại nào cũng cần phải nắm vững. Xin được nhắc lại rằng, điểm số tính cho bốn môn học này là phép nhân chứ không phải phép cộng và người đánh giá kết quả cho bốn môn học đó không ai khác đó chính là khách hàng.


Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

1 thought on “4 môn học của một kỹ sư”

  1. Nam CK

    Cuốn 加工部品設計で3次元CADのプロになる 日刊工業新聞社 có bản bằng tiếng Anh không vậy bạn?

Comments are closed.