(Nguồn ảnh: USF)
Cho đến tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa khám phá được cụ thể về cơ chế chuyển động cực ít tốn năng lượng từ điểm A đến điểm B của các loài sinh vật biển như sứa hay lươn. Đáng mừng là hiện nay, các nhà nghiên cứu thuộc đại học Nam Florida tin rằng họ đã tìm được câu trả lời. Thay vì đẩy cơ thể về phía trước bằng cách đẩy nước ra, những sinh vật này trên thực tế lại hút nước về phía chúng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Brad Gemmel, trực thuộc khoa Sinh Học Tổng Hợp, đã dựng lên một bể chứa nước có cả những hạt thuỷ tinh sẽ sáng lên khi bị chiếu laser. Một camera kỹ thuật số tốc độ nhanh cũng được lắp đặt để ghi lại các chuyển động của lươn biển trong bóng tối, giúp Gemmel và các cộng sự của ông hình dung ra được chuyển động bơi thông qua sự tác động vật lý của sinh vậtnày lên vô số hạt thuỷ tinh có trong bể nước. Họ khám phá ra rằng chuyện động mượt mà của chúng đã tạo nên một túi có áp suất thấp bên trong cơ thể chúng. Nước ở phía trước sinh vật này sẽ điền vào túi ấy và kéo sinh vật về phía trước.
Sứa cũng được sử dụng trong thí nghiệm này và có cùng kết quả thu được mặc dù chuyển động bơi cùng hình dáng của chúng hoàn toàn khác biệt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp giữa khoang áp suất thấp và áp suất cao tương hỗ nghịch hướng hay thẳng về phía trước đã giúp cho hai loại sinh vật này di chuyển trong nước mà ít tốn năng lượng nhất.
“Với khám phá này, chúng ta cần phải suy nghĩ cách áp dụng phương pháp bơi của các sinh vật vào thiết kế phương tiện di chuyển trong tương lai”, Gemmel cho biết.
Trong vài năm gần đây, một số trường đại học khác cũng đã thử nghiệm nhiều mẫu robot thiết kế lấy cảm hứng từ sứa, cơ chế bơm hình sứa có thể cấy ghép vào cơ thể. Phát hiện gần đây của giáo sư Gemmel có thể đưa đến một cuộc cách mạng trong các thiết kế có thể mang lại hiệu suất năng lượng cao.
Nguồn: Gizmag
Người dịch: Trịnh Trần Khánh Duy