Khuôn – Nền tảng của ngành sản xuất (phần 1)

Gần đây khuynh hướng sản xuất của thế giới đang dần có những dịch chuyển rõ nét. Các nhà máy đang dần tập trung về châu Á, và ngay bản thân trong châu Á cũng có những chuyển dịch trong lòng nó. Công xưởng của thế giới như Trung Quốc liệu có còn vị thế như hiện nay khi giá nhân công đang tăng từng ngày, các quốc gia Đông Nam Á có đủ lực để đón nhận những làn sóng đầu tư từ những quốc gia phát triển như Nhật, Hàn, Đài Loan? Có thể nói ngành sản xuất đang trong giai đoạn chuyển dịch hết sức sôi động, Việt Nam cũng đang nằm trong dòng chuyển dịch đó 

1. Ngành sản xuất thế giới đang chuyển dần sang châu Á

Việc chuyển dịch sản xuất không phải bây giờ mới xảy ra, nhìn từ lịch sử quá trình này đã diễn ra liên tục trong quá khứ. Bắt đầu là ngành dệt may, sau đó là các ngành liên quan tới dầu mỏ, sản xuất gang thép, thiết bị điện điện tử, sản xuất ô tô. Bản thân các ngành sản xuất Nhật Bản cũng nằm trong dòng chuyển dịch khi họ đặt chân ra thế giới. Nằm ở vị trí cuối cùng đó chính là ngành sản xuất khuôn, nhưng thực tế cho thấy quá trình chuyển dịch này cũng không hề dễ dàng. Khuôn là ngành sản xuất đặc thù, để có thể chuyển giao cần có sự lưu động của con người, những người có kỹ thuật về ngành này. Tuy nhiên một khi ngành khuôn được chuyển giao ra nước ngoài thì vị thế của những quốc gia chuyên về sản xuất như Nhật Bản sẽ bị cạnh tranh quyết liệt, Đài Loan là một ví dụ điển hình (kỳ 2 chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về cách tiếp nhận kỹ thuật khuôn của Đài Loan). Có thể nói, sự chuyển dịch của ngành khuôn sẽ trở thành điểm mấu chốt cho sự hình thành một bản đồ sản xuất của châu Á hay rộng hơn là của thế giới.

Sự chuyển dịch ngành sản xuất theo khu vực

 

2. Khuôn là gì?

Trước khi bàn luận về vai trò quan trọng của khuôn chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem khuôn là gì, khuôn có gì đặc biệt mà trở thành điểm mấu chốt cho sự hình thành bản đồ sản xuất của thế giới.

Nói một cách ngắn gọn khuôn chính là công cụ tạo hình để sản xuất sản phẩm với số lượng lớn. Có lẽ đối với người Việt Nam khái niệm về khuôn vẫn còn khá lạ lẫm, có chăng đó là khuôn đúc nồi, khuôn làm bánh là những khái niệm gần gũi nhất đối với chúng ta.

Trong công nghiệp, khuôn được chia làm ba loại lớn

• Khuôn dập: Tạo hình cho kim loại, bao gồm khuôn dành cho sản phẩm dập nguội, dập nóng, và press (dập tấm mỏng).

• Khuôn đúc: Tiêu biểu đó là khuôn cát, ngoài ra còn có khuôn đúc bằng kim loại

• Khuôn nhựa: Khuôn tạo hình cho các sản phẩm nhựa

Ngành sản xuất khuôn không đã tồn tại từ lâu nhưng gần đây nó mới thực sự được quan tâm. Ngay cả Nhật Bản, chỉ tới những năm 50 của thế kỷ trước ngành chế tạo khuôn mới chính thức được công nhận là một lĩnh vực trong phân mục sản xuất. Vào năm 1974, các quốc gia liên quan tới ngành sản xuất khuôn đã thành lập hiệp hội quốc tế về khuôn được viết tắt là ISTMA.

3. Khuôn được dùng vào trong những lĩnh vực nào?

Khi đánh giá một ngôi nhà, bạn sẽ đánh giá theo những góc độ nào? Thông thường mọi người sẽ nhìn vào kiến trúc hay nội thất ngôi nhà. Cũng phải thôi, vì thiết kế hay nội thất là những thứ mà chúng ta có thể thấy ngay trước mắt. Tương tự như vậy khi đánh giá nền sản xuất của một quốc gia thông thường người ta sẽ nhìn vào những sản phẩm làm ra như xe ô tô, đồ điện gia dụng…Thực tế, để giữ cho ngôi nhà có kiến trúc siêu việt với nội thất phong phú kia là một chiếc móng nhà xấu xí tối và bẩn. Để nâng đỡ cho những chiếc xe sang trọng và lịch lãm kia đó chính là ngành sản xuất khuôn. Để có được ngành sản xuất phát triển như ngày này, ngành sản xuất khuôn của Nhật phải đi trước một bước.

Khuôn thực tế rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Chiếc máy tính bạn đang sử dụng, chai nước uống, chiếc xe đạp bạn đi, hay chiếc điện thoại cầm tay, phần nhiều các bộ phận của những sản phẩm này đều được làm từ khuôn. Những sản phẩm không dùng khuôn chỉ có thể là những sản phẩm đặc thù làm bằng tay, hay những sản phẩm được sản xuất với số lượng rất ít.

Khuôn và ngành sản xuất ô tô

Một chiếc xe ô tô thông thường cần dùng tới 20.000 tới 30.000 chi tiết, khi sản xuất đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt phần nhiều những chi tiết đều được sản xuất bằng khuôn. Khung xe ô tô được dập và hoàn chỉnh chỉ trong đơn vị tính bằng giây, động cơ được sản xuất thô bằng khuôn cát, bánh xe, đèn xe được sản xuất bằng khuôn nhựa…Trong ngành sản xuất ô tô, nếu xét về số chi tiết, khuôn dập sản xuất nhiều chi tiết nhất.

Những sản phẩm được làm từ khuôn dập

 

Khuôn và đồ điện gia dụng

Điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… là những đồ điện gia dụng chúng ta thường gặp. Từ vỏ bọc cho tới những motor chịu chấn động và có độ chính xác cao đều được sản xuất từ khuôn. Trong ngành này những khuôn nhựa đóng vai trò trung tâm. Đặc điểm của ngành điện gia dụng đó là số lượng tiêu thụ rất lớn, do đó khuôn không chỉ được yêu cầu về độ chính xác mà còn phải có tuổi thọ cao, vì vậy giá thành cho những chiếc khuôn này cũng có phần nhỉnh hơn.

Khuôn và ngành điện, điện tử

Bạn đã bao giờ mổ xẻ chiếc iPhone và quan sát các chi tiết bên trong chưa? Không chỉ vỏ kim loại mà các chi tiết điện tử cỡ nhỏ và siêu nhỏ đều được làm từ khuôn. Những chi tiết được sản xuất từ những tấm kim loại mỏng và đòi hỏi độ chính xác cao nên phần nhiều được sản xuất bằng khuôn press. Trong lĩnh vực này có những khuôn đòi hỏi độ chính xác tới mức nano.

Trong điện thoai có rất nhiều chi tiết được làm bằng khuôn

 

Khuôn và vật dụng hàng ngày

Tại Nhật chúng ta đã khá quen với những sản phẩm làm từ shop 100 yên (Shop bán sản phẩm với giá đồng nhất 100 yên). Bí quyết để sản xuất được những sản phẩm giá rẻ chính là sản xuất với số lượng lớn sau đó phân phối tới nhiều cửa hàng. Để sản xuất số lượng lớn chắc chắn không thể thiếu được khuôn. Để cắt giảm tối đa chi phí, khuôn dùng sản xuất những mặt hàng này không đòi hỏi độ chính xác cao phần nhiều là khuôn nhựa và thường được sản xuất tại Trung Quốc.

Những sản phẩm nhựa được sản xuất từ khuôn

 

Khuôn và ngành thực phẩm

Có lẽ đây là những chiếc khuôn quen thuộc nhất với người Việt Nam. Khuôn làm bánh, khuôn làm chai bia, lon đựng nước uống là những sản phẩm chúng ta thường thấy.

Ngoài ra khuôn còn gắn liền với những sản phẩm trong gia đình (bàn ghế, bồn tắm…), các sản phẩm hóa mỹ phẩm (gương, dụng cụ trang điểm…) đối với những sản phẩm này không chỉ đòi hỏi về chức năng mà vẻ bề ngoài cũng cần phải được quan tâm. Tất nhiên khuôn phục vụ cho những sản phẩm thuộc lĩnh vực này phần nhiều thuộc phân khúc cao nhất về kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất khuôn.

Làm bánh bằng khuôn

 

(Còn nữa)


Biên tập: Nguyễn Sinh Côn
Tham khảo: 金型ジャパンブランド宣言-横田悦二郎

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan