Miếng ngậm đem lại khả năng nghe cho người điếc

Để có thể nghe, nhiều người bị điếc đã tìm đến phương pháp cấy ghép ốc tai điện tử. Tuy nhiên thiết bị đó vẫn còn rất đắt, chưa nói đến việc phải tiến hành phẫu thuật và phương pháp này cũng không thể áp dụng với mọi hình thức bị mất thính giác (trường hợp khuyết tật dây thần kinh thính giác). Đó chính là lý do một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ đại học Colorado (CSU) đã phát triển một thiết bị điện thay thế khác, cho phép truyền tải tiếng nói qua đầu lưỡi của người sử dụng.

Phương pháp cấy ghép ốc tai điện tử thường sử dụng một hoặc nhiều micro gắn ngoài (đặt gần tai) để tiếp nhận âm thanh. Âm thanh đó sẽ được lọc qua một bộ xử lý để loại nhiễu và chỉ lấy tiếng nói của người. Sau đó âm thanh sẽ được hoán đổi thành các xung điện, và thông qua da truyền đến chuỗi điện cực được cấy sẵn trong ốc tai. Các điện cực đó sẽ trực tiếp kích thích thần kinh thính giác của người sử dụng, tạo thành chuỗi thông tin về âm thanh và truyền đến bộ não.

Được phát triển bởi nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư John Williams, thiết bị của CSU cũng hoạt động với nguyên lý tương đồng như vậy. Người sử dụng cũng sẽ được tranh bị một tai nghe tích hợp micro để thu tín hiệu âm thanh và chuyển hóa thành tín hiệu điện. Tuy nhiên, sau đó tín hiệu điện sẽ được gửi đến một miếng ngậm trong miệng người sử dụng thông qua Bluetooth. Khi lưỡi của người sử dụng chạm vào miếng ngậm này, chuỗi điện cực trên đó sẽ phản ứng với tín hiệu nhận được và kích thích dây thần kinh ở các phần khác nhau trên lưỡi một cách có chọn lọc.

Trong thí nghiệm của nhóm nghiên cứu, sau một quá trình luyện tập, người sử dụng đã có thể liên hệ những kiểu rung đặc biệt của lưỡi (do thiết bị tạo ra) với các từ ngữ liên quan. Đại diện của nhóm nghiên cứu cho biết: “Trên lưỡi của con người có chứa hàng ngàn dây thần kinh. Và khu vực não bộ liên quan đến xúc giác (touch sensations) từ lưỡi có thể giải mã những thông tin phức tạp”. Có thể nói, hệ thống này cũng tương tự như hệ thống chữ nổi Braille, vốn được thiết kế để những người mù liên hệ những cảm giác trên đầu ngón tay với chữ viết và từ ngữ.

Khác với phương pháp cấy ghép ốc tai, hệ thống này không cần phải phẫu thuật. Ngoài ra chi phí cũng rẻ hơn, và người sử dụng bị khuyết tật dây thần kinh thính giác cũng có thể sử dụng được.

Vẫn còn nhiều nghiên cứu và thử nghiệm cần được tiến hành trước khi sản phẩm này ra mắt rộng rãi. Trước mắt nhóm nghiên cứu đang cố gắng lập bản đồ dây thần kinh trên lưỡi, qua đó xác định khu vực nhạy cảm và hiệu quả nhất.

Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi hoạt động của hệ thống trong clip dưới đây.


Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan