Cần lọc nước? Hãy lột vỏ cây thông

※Hình ảnh khuẩn E.coli (màu xanh lá) bị chặn ở các hố màng (nguồn: Gizmag)

Thật ra thì chúng ta đều biết rằng nguồn nước trong tự nhiên không phải lúc nào cũng tinh khiết và sạch sẽ. Ở một vài nơi trên thế giới, trong nước tồn tại rất nhiều vi khuẩn có hại, đòi hỏi chúng cần phải được lọc sạch trước khi sử dụng. Điều này không phải vấn đề với khu vực thành thị của các nước phát triển, nơi mà những vật liệu tiên tiến như hạt nano bạc và titanium dioxide hoàn toàn có thể làm tốt công việc đó. Thế nhưng những người dân tại các nước đang phát triển hoặc các vùng nông thôn thì cần một giải pháp khác rẻ và dễ sản xuất hàng loạt hơn. Trong một báo cáo mới đây từ Học Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) đã cho thấy lớp dát gỗ (lớp gỗ ở dưới vỏ) của cây thông có thể dễ dàng “bẫy” các vi khuẩn một cách khá hiệu quả. Đây có thể là một sự thay thế đơn giản và là một kinh nghiệm sinh tồn khi các bạn đi cắm trại hoặc du lịch không biết chừng.

Dát gỗ được làm từ vật liệu xốp với tên gọi là xylem, để dẫn nhựa cây từ gốc đến các thành phần khác của cây. Cấu trúc bên trong của xylem bao gồm một chỗi các mạch siêu nhỏ, liên kết với nhau bởi các lỗ trên thành của chúng. Các lỗ đó, được gọi là các hố màng (pit membrane), là đường thông để nhựa cây chảy từ mạch này sang mạch khác trên khắp chiều dài của cây. Những lỗ này rất nhỏ, đến mức mà không bong bóng khí nào có thể lọt qua nổi.

Figure 1
a) Hình ảnh mô tả cấu trúc lỗ màng
b) Hình ảnh lớp gỗ cây dùng trong thí nghiệm
c) d) e) Hình ảnh lỗ màng dưới kính hiển vi
(Nguồn: Plosone)

 

Theo kết quả nghiên cứu từ MIT, các hố màng này có thể cho phép nước đi qua, nhưng vẫn đủ nhỏ để giữ các vi khuẩn ở lại. Trong những thí nghiệm tại phòng nghiên cứu, các tấm dát gỗ được dán vào bên trong một ống cao su, sau đó cho nước có chứa khuẩn E.coli chảy qua. Những tấm dát gỗ này sau đó được xét nghiệm, kết quả cho thấy gần 99% vi khuẩn đã bị giữ lại ở quanh hố màng trong khoảng vài millimeters đầu tiên của tấm lọc.

Theo như tính toán của các nhà nghiên cứu, một tấm lọc dát gỗ có kích thước bề rộng khoảng 38mm, có thể sử dụng để sản xuất khoảng 4 lít nước uống mỗi ngày.

Tuy nhiên, tấm lọc này không được phép để bị khô. Và dù có thể chặn hầu hết mọi loại vi khuẩn, tấm lọc này không có khả năng lọc sạch virus, do kích thước của chúng quá nhỏ. Dát gỗ từ những loại cây khác có thể có hố màng nhỏ hơn, và nhiều khả năng bẫy được cả các vi sinh vật. Đó cũng là nội dung mà các nhà khoa học dự định nghiên cứu tiếp theo.

Trên thực tế, không chỉ có gỗ từ cây thông mới có thể ngăn chặn vi khuẩn, một nghiên cứu trước đây đã cho thấy các hạt giống của cây Moringa (tiếng Việt gọi là cây Chùm Ngây) cũng có thể làm được điều đó với hiệu suất khá cao. Thế nhưng từ nay, ít nhất thì bạn cũng biết một cách khác để sinh tồn trong tự nhiên khi không có các thiết bị lọc nước trong tay rồi.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí PLoS One (Xem link bên dưới).


Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag
Thông tin công bố:
Boutilier MSH, Lee J, Chambers V, Venkatesh V, Karnik R (2014) Water Filtration Using Plant Xylem. PLoS ONE 9(2): e89934. doi:10.1371/journal.pone.0089934


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan