Công nghệ xanh N-Fix – giải pháp cho nông nghiệp và môi trường

Như chúng ta đều biết, phân bón tổng hợp là một trong những nguyên nhân lớn của ô nhiễm môi trường. Khi bạn rửa ruộng thì những phân bón tồn dư có thể sẽ theo nước mà ngấm vào nguồn nước ngầm. Điều không may là theo quy trình trồng trọt phổ thông, phần lớn cây trồng thương mại đều cần có phân bón để cung cấp nitrogen (ni tơ) cần thiết cho sự phát triển của chúng (do chúng không tự tổng hợp được). Nhưng điều rất may, đó là một nhà khoa học tại Đại Học Nottingham đã phát triển một quy trình mới, mà theo ông là thân thiện với môi trường nhưng vẫn cho phép hầu hết các loại thực vật thu nhận được nitrogen tự nhiên trong… khí quyển.

Thực tế, trong tự nhiên có rất ít loài thực vật (thường là họ đậu như đậu nành và đậu Hà Lan) có thể tự thu nạp, tổng hợp nitrogen từ trong không khí. Để có thể làm được như vậy, chúng cần nhờ vào hoạt động của các vi khuẩn tổng hợp đạm, sống cộng sinh trong cơ thể. Các vi khuẩn này sẽ tổng hợp nitrogen cho thực vật và thu lại đường sinh học được tạo ra trong cơ thể chúng. Phần lớn các loài thực vật phải lấy nitrogen từ đất, do đó nếu bạn trồng nhiều cây cùng một khu vực, hiển nhiên bạn sẽ phải dùng đến phân bón để làm tăng lượng nitrogen.

Chu trình Ni tơ trong tự nhiên. (Nguồn: jonlieffmd)
Chu trình Nitrogen hiện nay. Để đến được với thực vật, Nitrogen có thể được tổng hợp bằng tự nhiên (sấm chớp mưa giông), tổng hợp bằng nhà máy công nghiệp (industrial fixation), tổng hợp bằng thực vật họ đậu, xác động thực vật . Và đều có một phần nào đó bị thất thoát ra ngoài, còn một phần thì trở lại thành nitrogen trong không khí (Nguồn: jonlieffmd)

Vấn đề nằm ở chỗ, các vi khuẩn tổng hợp nitrogen cũng hoạt động ở một số giống mía đường Brazillian (không phải họ đậu). Đấy cũng là lý do mà các giống mía đường Brazil cho năng suất rất cao dù chỉ cần một lượng phân bón nitrogen tổng hợp rất nhỏ. Giáo Sư Edward Cocking của Đại Học Nottingham đã chú ý đến điều này và phát hiện ra một chủng vi khuẩn có thể hoạt động ở hầu hết các cây trồng phổ biến, ở cấp độ tế bào.

Cocking đã phát triển một quy trình dựa trên phát hiện này với tên gọi N-Fix. Quy trình này bao gồm việc che phủ hạt giống bằng một lớp phủ không độc chứa vi khuẩn. Khi hạt giống nảy mầm và cây lớn lên, vi khuẩn sẽ đi qua rễ và thâm nhập vào từng tế bào của thực vật. Điều này cũng đồng nghĩa với mọi tế bào của thực vật lúc này đã có thể tự tổng hợp nitrogen từ trong không khí giống như cây mía đường Brazil.

Hình ảnh Giáo Sư Edward Cocking bên hệ thống thử nghiệm N-Fix (Nguồn: Gizmag)
Hình ảnh Giáo Sư Edward Cocking bên hệ thống thử nghiệm N-Fix (Nguồn: Gizmag)

N-Fix đã được nghiên cứu và thử nghiệm trên đồng ruộng trong 10 năm và chính thức được công ti Azotic Technologies đăng ký bản quyền để phát triển và thương mại hóa. Theo công ty này, vi khuẩn có thể thay thế đến 60% lượng nitrogen mà thực vật cần thiết. Và họ rất hy vọng công nghệ này sẽ sớm phổ biến trên thế giới trong vòng 2 đến 3 năm tới.

“Giúp thực vật có thể thu nitrogen tự nhiên chính là một chìa khóa của An Ninh Thực Phẩm Thế Giới”, Ông Cocking cho biết. “ Thế giới cần phải tự tháo gỡ những ràng buộc với phân bón tổng hợp có nguồn gốc hóa thạch. Bởi loại phân bón này vừa có chi phí đắt đỏ, vừa ảnh hưởng đến môi trường và vừa tốn năng lượng.”


Người dịch: Trungmaster, theo Gizmag

Nguồn từ Đại Học Nottingham:

http://www.nottingham.ac.uk/news/pressreleases/2013/july/world-changing-technology-enables-crops-to-take-nitrogen-from-the-air-.aspx


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan