Ban Hội Thẩm của trường đã kết luận: một nhóm các nhà sinh vật học tại một viện nghiên cứu của Đại Học Tokyo có dấu hiệu thay đổi hoặc giả mạo dữ liệu của 43 văn bản khoa học được công bố. Cũng theo đó, Ban Hội Thẩm đã quyết định thu hồi các công bố được đứng tên bởi Shigeaki Kato, một cựu giáo sư của Viện Sinh Học Tế Bào và Phân Tử thuộc Đại Học Tokyo, cùng các thành viên khác trong cùng phòng nghiên cứu. Phần lớn các sai phạm là ở các hình ảnh được sử dụng trong công bố khoa học.
Ông Kato, 54 tuổi, được coi là một trong những nhà sinh vật học phân tử hàng đầu của Nhật Bản và là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tạp chí khoa học uy tín. Ông điều hành một số lượng lớn các dự án nghiên cứu, với tổng số vốn đầu tư lên tới 2 tỷ Yên (20 triệu $). Ông đã phải từ chức vào cuối tháng 3 năm 2012 vì trách nhiệm giám sát kém chặt chẽ của mình trong vụ việc này, cùng với việc thu hồi tất cả văn bản có liên quan. “Đó thực sự là những sai phạm không thể chối cãi”, Ông Kato cho biết “Tôi đã quá tin tưởng các thành viên trong phòng nghiên cứu. Trong vụ việc này, với tư cách là người giám sát chính tôi xin nhận mọi trách nhiệm.”
“Tôi cũng thành thật xin lỗi các cơ quan, tổ chức bị dính líu đến vụ việc này”.
Vụ việc chính thức được bắt đầu điều tra sau khi có một thông cáo từ bên ngoài vào tháng 1 năm 2012. Những tiết lộ mới đây nhất cho thấy có một lượng không nhỏ các bài viết khoa học liên đới trong vụ việc này và hơn 20 nhà khoa học cùng đề tài nghiên cứu bị dính líu. Trường ĐH Tokyo có thể sẽ thu hồi một vài bằng cử nhân và Ph.D đã được cấp bởi những nghiên cứu sai phạm này. Các sai phạm được phát hiện sau khi kiểm tra 165 văn bản khoa học được công bố trong thời gian từ 1996-2011. Bao gồm các chủ đề nghiên cứu như cơ cấu hình thành xương, các quá trình chức năng của nội tiết tố…Trong 43 văn bản có 25 sai phạm về sửa đổi dữ liệu, ví dụ như sử dụng hình sao chép, hình đảo ngược, và 26 trường hợp giả mạo, bao gồm cắt ghép các hình khác nhau lại thành một. Có vẻ như những sai phạm này được thực hiện nhằm làm kết quả nghiên cứu “đẹp” hơn.
Chúng ta đều biết hình ảnh vốn là bằng chứng quan trọng của mọi kết quả thí nghiệm. Những thay đổi bất thường dưới mọi hình thức sẽ làm giảm giá trị và độ tin cậy của nghiên cứu khoa học. Báo cáo cho thấy, có vẻ như ông Kato đã giao việc kiểm tra độ xác thực của dữ liệu cho các cấp dưới. Ông Kato chỉ thừa nhận trách nhiệm quản lý chứ ko thừa nhận trực tiếp tham gia tạo những hình ảnh này. Tuy vậy, ông vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm về việc làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với các nghiên cứu được tiến hành tại Đại Học Tokyo, cũng như việc gây ra một ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà khoa học trẻ. Quá trình điều tra sẽ được hoàn thành sau khi kết thúc quy trình chứng thực nội bộ, bao gồm việc điều tra riêng biệt từng cá nhân liên quan. Nếu các sai phạm này được chính thức xác nhận, Bộ Khoa Học và các nhà đầu tư khác sẽ cân nhắc chuyện dừng hỗ trợ nghiên cứu và có thể sẽ truy thu số tiền đã đầu tư.
Mặc dù nói đi cũng phải nói lại, việc kiểm chứng số liệu xem có bị sửa đổi hoặc giả mạo vốn là một việc rất khó khăn trong giới khoa học. Vậy nên những nhà nghiên cứu nên thành thực và cẩn trọng khi viết các công bố nếu không hậu quả rất khó lường trước được. Mặc dù ông Kato đã nhận trách nhiệm vì là người đứng đầu phòng nghiên cứu. Nhưng với những nghiên cứu được thực hiện bởi quá nhiều nghiên cứu sinh thì một giáo sư cũng ko thể nào kiểm chứng hết được. Một trong những ý tưởng để giải quyết vấn đề này là đề nghị các nhà khoa học trong cùng 1 đề tài kiểm tra chéo lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu có tiêu cực hay “ăn rơ” xảy ra thì phương pháp này cũng chưa phải là một phương án lý tưởng.
Bạn đọc có thể xem chi tiết một số sai phạm bị phát hiện trong clip sau:
[youtube link=”http://www.youtube.com/watch?v=FXaOqwanWnU” width=”590″ height=”315″]
Người dịch: Trungmaster, theo Asahi