※ Ảnh nguồn: Instructables
Đối với nhiều người, việc sao chép những thứ vớ vẩn lại là điều thú vị nhất, một khát khao tội lỗi. Đằng sau những văn bản được sao chép nặc danh, các nhân viên văn phòng bắt đầu nghĩ ra lắm trò nghịch ngợm. Có khi là những đoạn ghi chú giả để trêu chọc sự ngờ nghệch của nhân viên khác- ví dụ tạo ra một cuốn lịch “Việc Cần Làm Gấp” với ngày tháng đã bị xáo trộn loạn xà ngầu, khách hàng sẽ “đặt hàng vào ngày mùng 7 nhưng lại muốn chúng được giao vào mùng 3”. Hoặc là tạo ra một hình biếm họa sơ đồ tổ chức -một thành viên ban chấp hành đang đưa chiếc nhẫn cho một nhân viên thấp quyền hơn hôn, và một nhân viên khác cũng đang hôn chiếc nhẫn của nhân viên đó, cứ thế kéo dài mãi. Những trò đùa lố lăng về các nhóm sắc tốc cũng được lan truyền, cũng như những trò đùa về vấn đề “nhạy cảm”.
“Có những bản copy được ngụy trang dưới dạng vết mực Rorschach (những vết mực được sử dụng để tìm hiểu bệnh liên quan đến thần kinh). Nhưng khi bạn gập chúng lại và soi trước ánh sáng, đập vào mắt bạn sẽ là cảnh người ta đang “xếp hình” với nhiều tư thế hơn những gì bạn có thể tưởng tượng”, ông Michael Preston, một giáo sư danh dự về tiếng Anh tại Đại Học Colorado, người đã xuất bản cuốn sách Xerox-lore-the folklore of the copying age (tạm dịch: Văn hóa Xerox-văn hóa dân gian của kỷ nguyên copy) đã nói như vậy.
Những nghệ sĩ, cũng không thể bỏ qua thiết bị hấp dẫn này, bởi các bản in thô ráp nhưng có độ tương phản cao của chúng khác hẳn với những phương pháp in hay chụp ảnh truyền thống. Theo họ, công việc photocopy cũng có tính nghệ thuật cao. Pati Hill, một nghệ sĩ đã thành danh nhờ sử dụng máy photocopy cho biết: “Khi tôi đặt vào máy một miếng kẹp làm xoăn tóc, nó in ra một cái tàu vũ trụ. Còn khi tôi đặt mặt trong của một chiếc mũ rơm, nó trả cho tôi một cơn lốc xoáy vào lòng núi lửa.”
Nói chung, máy photocopy đã không còn thuần chất là một thiết bị chỉ dùng để sao chép nữa. Nó trở thành một cơ cấu cho phép con người nắm bắt cách thức xuất bản, phát tán những ý tưởng vốn khó có khả năng vượt qua màng lọc kiểm duyệt và biên tập như trong quá khứ. Vào năm 1966, Marshall McLunhan đã viết: “Xerography- in khô, đã đem đến một lãnh địa của sự khủng bố bên trong đế chế xuất bản. Bởi vì giờ đây, mọi người đọc đều có thể trở thành tác giả hoặc nhà xuất bản nếu muốn”.
Tất nhiên, máy photocopy cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị. Những bí mật nay đã trở nên khó giấu kín hơn, các tài liệu dễ dàng bị tuồn ra ngoài. Daniel Ellsberg đã từng sử dụng máy photocopy để sao chép lại các giấy tờ của Lầu Năm Góc. Lo lắng trước sức mạnh của máy photocopy, Liên Xô đã ban hành những quy định chặt chẽ về việc tiếp xúc với “cỗ máy nguy hiểm” này. Ở mỹ, các nhà hoạt động của nhóm ACT-UP- nhóm đấu tranh để bệnh AIDS được các bác sĩ và chính trị gia cân nhắc nghiêm túc hơn- cũng đã gây ra được những tiếng vang lớn nhờ máy photocopy. Trong tổ chức này có nhiều người làm việc tại các công ty truyền thông lớn như Conde Nast và NBC, sau giờ làm việc họ sẽ bí mật photo hàng ngàn tờ rải truyền đơn để phục vụ cho chiến dịch cảnh báo cộng đồng về AIDS.
Kate Eichhorn, PGS tại trường New School, người đã viết một cuốn sách về máy photocopy cho biết: “Họ liều lĩnh đến mức dán đè các nội dung lên mọi tờ tạp chí, và qua đó tạo ra hàng ngàn poster và truyền đơn đi kèm với khẩu hiệu của ACT-UP”. Sức mạnh này cũng gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực văn hoá khác trên toàn thế giới. Ví dụ những người hâm mộ của các chương trình TV, phim ảnh bắt đầu tự xuất bản những cuốn tạp chí hay tài liệu để thể hiện sự đam mê cuồng nhiệt của mình. Phong trào Nữ Nghệ Sĩ Riot Grrrl vào những năm 90, đã quá chán với những gì mà truyền thông đại chúng đối xử với phụ nữ, và họ đã cho ra mắt một bộ sưu tập thông tin truyền thông cho riêng mình, tất nhiên là nhờ máy photocopy. Tác giả Copyart, một quyển sách hướng dẫn D.I.Y cho biết “Trước khi được công nhận như là một “công cụ văn phòng”, máy photocopy đối với nhiều người là phương tiện để họ thể hiện cái tôi cá nhân”.
Có thể nói photocopy làm cho bất kỳ tác giả truyền thống nào cũng phải lo lắng. Doanh số bán sách của họ tất nhiên sẽ giảm đi nếu có một kẻ xấu bụng nào đó copy nguyên một trang trong cuốn sách và phát tán nhưng không trả tiền bản quyền. Các thư viện và trường đại học là đầu mối hàng đầu phát tán những ấn phẩm như vậy. Đến mức các nhà xuất bản đã phải nhờ đến toà án vào cuộc vào những năm 70, nhưng hoàn toàn thất bại. Toà án và quốc hội đã thống nhất rằng việc sao chép các bản in cho mục đích cá nhân hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Lisa Gitelman, Giáo Sư tiếng Anh và Truyền Thông tại Đại Học Newyork cho biết: ” Đó thật sự là thời điểm tuyệt vời khi luật bản quyền được nới lỏng vào cuối những năm 70″. Thời đó, toà án thường đứng về phe của các studio làm phim,hay các nhà sản xuất nhạc, gây khó khăn cho bất cứ ai muốn có bản sao kỹ thuật số của chúng. Thế nhưng dưới ảnh hưởng của Xerox, lần đầu tiên các nhà làm luật và thẩm phán đã đi đến một kết luận hoàn toàn trái ngược: Photocopy là tốt cho xã hội.
Tác giả: Clive Thompson
Biên dịch: Trungmaster, theo Smithsonianmag