Làm thế nào để đơn độc thương mại hóa một sản phẩm mới ?

※Ảnh minh họa: redwingconsulting

Phần lớn các sinh viên về chế tạo máy, hay các chuyên gia về lĩnh vực này sẽ có một vài ý tưởng về các sản phẩm mới. Và một vài ý tưởng sẽ may mắn được chuyển thể thành concept sản phẩm và nếu may mắn hơn thì được chế tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh (một sản phẩm hoàn chỉnh, tức là có thể nhận bản quyền sáng chế theo quy định). Nhưng có một “hiểu lầm” vẫn luôn tồn tại ở các nhà sáng chế, đó là họ cho rằng những ý tưởng và concept sản phẩm đã là “vô cùng quý giá” rồi. Điều đó sẽ gây nên trở ngại lớn cho họ trong các nỗ lực để thương mại hóa sản phẩm hay sáng chế. Bài viết này xin đưa ra một vài lời khuyên để giúp các nhà sáng chế hiểu và giải quyết các trở ngại đó.

Liệu sản phẩm của bạn có nên hay không nên được thương mại hóa ? Để trả lời câu hỏi này, hãy thử sử dụng khung suy nghĩ “Có Thực (REAL), Thắng (WIN), Đáng (Worth it) hay không?” (Gọi tắt là RWW). Khung suy nghĩ này thể hiện cho 3 câu hỏi lớn:

1. Sản phẩm và thị trường của nó có THỰC hay không?

Để đánh giá câu hỏi này, ta có một câu hỏi phái sinh khác, đó là :
“Nguyên mẫu (prototype) của sản phẩm mà bạn đang làm có thật sự đáp ứng nhu cầu mà người sử dụng thực, cần có để giải quyết vấn đề hay không ?”

Nếu bạn không có một nguyên mẫu, thì bạn không thể chiết xuất được bất kỳ giá trị nào từ sáng chế (thông thường là vậy). Giữa “ý tưởng” và “nguyên mẫu” có một sự khác biệt lớn về khái niệm cũng như mức độ công sức phải bỏ ra. Ý tưởng thường thiếu “chắc chắn” và độ tin cậy hơn nguyên mẫu. Nếu bạn muốn thương mại hóa sản phẩm của mình, hãy giải quyết sự thiếu chắc chắn đó, cũng như các công việc liên quan.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO RA MỘT NGUYÊN MẪU ?

Phần lớn mọi người đặt câu hỏi như trên, nhưng đó là một câu hỏi sai. Thật ra cái mà các bạn nên hỏi đúng ra phải là: “Làm thế nào để tôi thiết kế sản phẩm của mình?”. Bởi vì việc xây dựng một nguyên mẫu chỉ là một phần trong quá trình thiết kế. Xin nhấn mạnh và XÂY DỰNG NGUYÊN MẪU KHÔNG TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI VIỆC THIẾT KẾ SẢN PHẨM. Quá trình thiết kế sản phẩm đòi hỏi bạn có kỹ năng cả về xây dựng nguyên mẫu và thiết kế hình thức, mẫu mã. Trong trường hợp bạn không biết gì về cả hai lĩnh vực này ? Bạn cần có một nhóm phù hợp. Cần có ít nhất một hoặc một vài người trong nhóm có kỹ năng về một trong hai lĩnh vực đó. Thông thường, thành viên đó nên là chuyên viên thiết kế sản phẩm hay kỹ sư trong các công ty thì tốt nhất. Bạn cũng có thể đi thuê, nhưng thông thường một công ty thiết kế có thể thu của bạn từ 100-300USD cho MỖI GIỜ làm việc. Hãy cân nhắc điều này nếu bạn là nhà sáng chế độc lập hay sinh viên.

Những nhà sáng chế thành công thường có vô số nguyên mẫu của sản phẩm. Những sản phẩm ban đầu thường được làm ra bằng …bìa các-tông, băng dính, ống nhựa PVC hay bất cứ “vật thể” nào họ có thể tìm thấy được ngay. Những nguyên mẫu sẽ là dự đoán tốt nhất cho thành công của sản phẩm cho tương lai. Nếu bạn đang đọc bài viết này nhưng chưa có một vài nguyên mẫu trong tay, tức là bạn đang nghĩ quá xa so với vị trí của mình hiện tại đó.

2. Bạn có thể chiến THẮNG trong thị trường này không?

Để có thể chiến thắng hay giành giật được thị phần, bạn sẽ cần thỏa mãn một vài điều kiện sau:

BẠN PHẢI CÓ KHẢ NĂNG TIẾP CẬN KHÁCH HÀNG

–> Làm thế nào để bạn có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng ?
–> Làm thế nào để một người chú ý đến sản phẩm của bạn?
–> Làm thế nào để họ mua nó? Bạn sẽ vận chuyển, cung cấp sản phẩm như thế nào?

BẠN PHẢI KIỂM SOÁT “NHỮNG TÀI SẢN BỔ SUNG” CHO SẢN PHẨM

Một vài người mới đây đã phát minh ra nút “undo” (hồi lại) cho thang máy. Nếu bạn bấm nhầm tầng, bấm “undo” và thang máy trở lại trạng thái lựa chọn. Ý tưởng hay đấy. Thế nhưng có vẻ như nhà sáng chế chẳng thu được chút giá trị nào từ sản phẩm này. Chỉ có một số ít nhà sản xuất thang máy trên thế giới để mắt đến sáng chế trên. Và cũng có vẻ như nhà sáng chế khó mà có một bằng sáng chế “lớn” cho ý tưởng về nút “undo” cho thang máy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất chưa chắc đã muốn mua bằng sáng chế này kể cả khi nó được công nhận. Bài học rút ra cho chúng ta là gì? Lý tưởng nhất là làm sao để sản phẩm của bạn không bị phụ thuộc vào sản phẩm của người khác (hay “tài sản bổ sung” của người khác) quá nhiều.

BẠN PHẢI CÓ KHẢ NĂNG NGĂN CẢN NHỮNG NGƯỜI KHÁC TẠO RA CÙNG SẢN PHẨM NHƯ MÌNH

Có nhiều cách để lập “rào” ngăn những người khác tạo ra sản phẩm tương tự như của bạn. Ví dụ như: các bí quyết khó đạt được để tạo ra sản phẩm, bằng sáng chế, những mối quan hệ đặc biệt…

BẠN PHẢI ĐƯỢC CHO PHÉP THỰC HIỆN SÁNG CHẾ (NÓI CÁCH KHÁC LÀ KHÔNG VI PHẠM BẢN QUYỀN)

Kiểm tra trên Google Patent (nếu bạn ở Mỹ) và hãy xem hiện tại có bằng sáng chế nào có khả năng gây khó dễ cho bạn không nhé. Và đừng quên tìm hiểu về mô hình cư bản của luật sở hữu trí tuệ và bản quyền trong thiết kế sản phẩm. Cũng nên hiểu rằng, không phải vì có một bằng sáng chế được cấp cho sản phẩm NHÌN TƯƠNG TỰ như sáng chế của bạn mà bạn sẽ phải ngồi im nhìn cơ hội trôi đi đâu nhé. Hãy đọc kỹ những trình bày, mô tả kỹ thuật của bằng sáng chế để biết được phần nào, và trong phạm vị nào đã được đăng ký bản quyền.

3. Sản phẩm này có ĐÁNG được thương mại hóa hay không?

Những câu hỏi phái sinh sau cần thiết được trả lời rõ ràng:

– Có bao nhiêu khách hàng có thể sử dụng sản phẩm này?
– Có bao nhiêu khách hàng đang sử dụng sản phẩm tương tự trong cùng lĩnh vực?
– Những công ty hiện có bán được bao nhiêu sản phẩm trong lĩnh vực này ?
– Những công ty cạnh tranh nhỏ bán được bao nhiêu sản phẩm trong lĩnh vực này?
– Giá trung bình của các sản phẩm tương tự là bao nhiêu? Sản phẩm của bạn có gì để cạnh tranh với chúng?
– Các sản phẩm tương tự tiếp cận thị trường như thế nào? Yêu cầu hoa hồng của các kênh phân phối là gì?
– Lợi nhuận biên dự kiến cho sản phẩm này là bao nhiêu ? (Khoản tiền thu được sau khi lấy giá phân phối cho các đầu mối trừ đi chi phí đầu vào của sản phẩm.)

Dựa trên những câu trả lời từ các câu hỏi trên, bạn sẽ ước tính được bạn có khả năng bán bao nhiêu sản phẩm nếu bạn thâm nhập thị trường với lượng đầu tư hợp lý cho dự án. Sử dụng doanh số bán hàng và lợi nhuận biên, bạn có thể dự tính được tổng lợi nhuận bạn CÓ KHẢ NĂNG nhận được sau khi cho ra mắt sản phẩm.

Nếu tổng lợi nhuận không đạt ít nhất 100,000USD/năm hay nếu tốt hơn là trên 1 triệu USD/năm, bạn đừng có cố theo đuổi dự án này làm gì cho mệt. (Hãy nhớ rằng đây chỉ là tổng lợi nhuận (gross profit), bạn sẽ còn phải trả thêm các khoản phí về quản lý, buôn bán, quảng cáo… để hỗ trợ cho việc kinh doanh nữa).

Nghĩ lại thì có lẽ “Đáng hay không” là câu hỏi bạn cần trả lời đầu tiên trước khi tiến đến “THỰC” và “THẮNG” đấy. Nếu sản phẩm không đáng, làm sản phẩm khác.

ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN HAY BÁN RA THỊ TRƯỜNG ?

Trả lời nhanh, hãy tạm quên việc đăng ký đi. Nói chung là không ăn thua, trừ phi: (1) Bạn có sáng chế liên quan đến dược học hay công nghệ sinh học, hoặc (2) bạn có sáng chế về vật liệu hay công nghệ cơ bản (những sáng chế và nghiên cứu liên quan đến những lĩnh vực này thường được thực hiện bởi trường Đại Học). Thông thường người ta sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trước rồi mới đăng ký sản phẩm (Hãy nhớ đây là bài viết về những nhà sáng chế độc lập, không phải các công ty lớn).

Nếu bạn thật sự coi trọng sản phẩm của mình, hãy đưa nó ra thị trường. Nhưng mà để làm vậy thì bạn nên có một số vốn đủ để sản xuất 1000 sản phẩm đầu tiên. Sau khi bán sản phẩm rồi, hãy quay lại câu hỏi về việc đăng ký bản quyền hay hợp tác có đáng hay không.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SẢN XUẤT 1000 SẢN PHẨM ĐẦU TIÊN?

Điều này phụ thuộc vào ..sức khỏe của bạn. Đùa thôi, thông thường bạn có thể tìm đến các cơ sở, các nhà sản xuất sẵn sàng gia công giúp bạn (tất nhiên là sau khi bạn trả tiền cho họ). Bạn có thể kiếm được các nhà sản xuất đó thông qua mạng lưới những người làm sáng chế giống mình hay các đối tác. Tất nhiên, hãy nhớ là việc chia sẻ thông tin của các nhà sản xuất thường ít khi suôn sẻ, bởi vì những nhà sáng chế độc lập thường gây ra nhiều phiền phức, và nguyên liệu đầu vào phù hợp đôi khi không có sẵn.

BẢN QUYỀN SÁNG CHẾ

Bằng sáng chế là MỘT YẾU TỐ hữu ích trong phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, nó không phải là tất cả. Đăng ký bản quyền một sáng chế có thể được thực hiện khi và chỉ khi có những tranh chấp về kỹ thuật và thị trường nổ ra.

Một bằng sáng chế thường không có nhiều giá trị thương mại (và một ý tưởng thì còn ít hơn vậy). Để có thể thu được giá trị từ một sản phẩm, các nhà sáng chế cần phải có một thiết kế sản phẩm hoàn chỉnh, giải quyết vấn đề khó khăn, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và giảm thiểu chi phí sản xuất. Khi những công việc vất vả này được giải quyết, thì một sản phẩm mới cho ra giá trị.

Trong phần lớn các trường hợp, đeo đuổi một bằng sáng chế không đáng để tốn nhiều công sức như vậy. Trừ phi đó là một trong một kế hoạch lớn, đánh dấu cột mốc quan trọng để biến concept sản phẩm thành một nguyên mẫu. Nếu một sản phẩm đã được chứng minh tính hợp lý thông qua nguyên mẫu và thử nghiệm, bằng sáng chế có thể là cơ cấu quan trọng trong việc gia tăng giá trị của sở hữu trí tuệ.

Cũng xin nói là việc đăng ký bằng sáng chế cho cá nhân thường khá khó khăn. Trừ phi bạn thực sự nghiêm túc với sản phẩm của mình, sẵn sàng theo đuổi thương mại hóa đơn độc hay liên kết với các công ty nhỏ. Ngược lại sau khi bạn đưa sản phẩm ra thị trường rồi, việc đăng ký có thể đơn giản hơn.


Biên dịch: Trungmaster, theo Wharton University of Pensylvania


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan