Với tư cách là một nhà nghiên cứu khoa học (tác giả), chúng tôi thường bị bất ngờ về những hiểu lầm tai hại về công việc bởi những người ngoài chuyên môn. Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi liệt kê một danh sách những điều “bí ẩn” hay bị hiểu lầm nhất.
[Hiểu lầm 1] Nhà nghiên cứu được các Viện Nghiên Cứu trả lương
Những viện hàn lâm khoa học thường cung cấp, hỗ trợ các công nghệ “nguồn”, cũng như không gian, đối tác,… và đôi khi là tiền để duy trì các phòng nghiên cứu. Nhưng đấy KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG LÀ LƯƠNG “CỨNG”. Lương cứng thường chỉ có trong các trường Đại Học, và tất nhiên là đi kèm hợp đồng giảng dạy.
Đối với phần lớn các nhà nghiên cứu, họ phải tự tìm kiếm “lương” hay các quỹ tài trợ nghiên cứu tử tổ chức bên ngoài. Các khoản tiền này có thể được cung cấp dưới các hình thức cơ bản như: tài trợ từ chính phủ, quỹ từ thiện, hay hợp tác nghiên cứu với các công ty công nghệ (hợp tác công nghiệp).
Hiện nay đa số các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ vì tính cạnh tranh trong ngành khá là mạnh. Cũng may, một vài tổ chức nghiên cứu có chế độ gọi là “lưới an toàn”, trợ cấp tiền trong một khoảng thời gian giới hạn cho những nhà nghiên cứu top đầu (trong trường hợp họ chưa kiếm được lương hay tài trợ từ tổ chức bên ngoài).
[Hiểu lầm 2] Các nhà nghiên cứu được trả tiền cho các công bố trên tạp chí khoa học
Rất tiếc, khác với những cộng tác viên của các tờ báo, tạp chí thông thường, các nhà nghiên cứu PHẢI TRẢ TIỀN cho các tạp chí khoa học để được công bố nghiên cứu của mình (tất nhiên là sau khi qua bình duyệt và được chấp nhận).
Lý do là bởi, khác với các ấn phẩm khác, tạp chí khoa học nói chung không nhận tiền từ các nhà quảng cáo. Chi phí cho một công bố có thể lên tới 3000$ cho tạp chí đóng và 5.700 $ cho tạp chí mở (open access). Tạp chí mở là dạng tạp chí cho phép người đọc download hay sử dụng mà không phải trả thêm một khoản phí nào. Phần lớn các nhà nghiên cứu thường công bố từ 5 đến 10 bài một năm (tùy vào độ lớn của team nghiên cứu). Bạn có thể tự tính ra được chi phí cần bỏ ra rồi nhé.
[Hiểu lầm 3] Các nhà nghiên cứu được trả tiền để làm việc quá giờ
Thông thường các nhà nghiên cứu khoa học sẽ dành khoảng 37-39 tiếng một tuần để làm việc.
Tuy nhiên, với chi phí và thời gian tiêu tốn cho các thí nghiệm ngày càng gia tăng, cũng như áp lực mạnh trong việc cạnh tranh giành các khoản tài trợ vốn đã eo hẹp, có rất nhiều người dành đến gấp đôi số thời gian kể trên để làm việc. Thể hiện qua làm việc đêm hay làm thêm vào cuối tuần.
Và tất nhiên, khác với các ngành nghề chuyên nghiệp trong công ty hay tổ chức hành chính, nhà nghiên cứu KHÔNG ĐƯỢC TRẢ TIỀN LÀM THÊM GIỜ (tự nguyện mà).
[Hiểu lầm 4] Những nghiên cứu “sáng giá” sẽ luôn được tài trợ
Vào năm 1937, tỷ lệ được tài trợ của các nghiên cứu về y học là 49%, trong tổng số 63 lĩnh vực ứng dụng.
Đến những năm 2000, con số đó dao động trong khoảng 30%, tức là cứ ba nghiên cứu đăng ký thì có một cái được tài trợ. Ít ra thì điều này vẫn còn giúp duy trì sự nghiệp nghiên cứu của nhiều người, và giúp gia tăng lực lượng nghiên cứu. Tính đến nay, mỗi năm có khoảng 7000 Tiến Sĩ (PhD) tốt nghiệp, hơn một nửa thuộc về các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.
Tuy nhiên, năm 2014, tỷ lệ nghiên cứu được tài trợ từ chính phủ Úc đã chạm mốc thấp nhất trong 30 năm qua, chỉ còn 15%, và dự kiến còn tiếp tục giảm vào năm 2015. Mỗi năm có khoảng 4800 đơn đăng ký, và CÓ RẤT NHIỀU NHỮNG NHÀ NGHIÊN CỨU VÀ NGHIÊN CỨU XUẤT SẮC BỊ BỎ QUA.
Vấn đề này đã được bốn nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel tại Úc cảnh báo. Những nghiên cứu không được tài trợ thường sẽ bị đình chỉ, gây ra tổn thất về tài nguyên (thiết bị, kết quả nghiên cứu) và con người (đội ngũ nghiên cứu trình độ cao).
[Hiểu lầm 5] Các nhà nghiên cứu có thể yêu cầu nhận chi phí đăng ký tạp chí hay đăng ký thành viên của các tổ chức liên quan
Đăng ký (subscribing) các tạp chí hàng đầu là điều kiện cơ bản để luôn cập nhật những phát hiện mới nhất của các đồng nghiệp trong cùng một lĩnh vực. Chi phí có thể lên tài vài trăm USD mỗi năm.
Cũng có một vài tạp chí mở cửa miễn phí qua các thư viện của trường Đại Học. Nhưng cũng có nhiều tạp chí chỉ có phép đăng ký với tư cách cá nhân trong một năm đầu sau khi nghiên cứu được công bố.
Ngoài ra mỗi nhà nghiên cứu cũng cần phải duy trì liên lạc với các đồng nghiệp trong cùng một cộng đồng nghiên cứu của mình. Thông thường một nhà nghiên cứu có thể là thành viên của 2 đến 5 hội nghiên cứu khác nhau. Những khoản tài trợ sẽ không bao gồm tiền dành cho những việc như vậy, và các viện nghiên cứu thì càng không.
Nếu có thể thì nhà nghiên cứu chỉ có thể yêu cầu một phần trong các khoản chi phí đó như là khoản khấu trừ thuế mà thôi.
[Hiểu lầm 6] Các nhà nghiên cứu được “huấn luyện” để viết và kiểm soát tài chính
Không có khóa học bắt buộc nào liên quan đến giao tiếp khoa học, viết hồ sơ xin trợ cấp, hoặc quản lý tài chính cả. Những thứ đó chúng tôi chỉ được học từ những thày hướng dẫn, từ những thử nghiệm và sai lầm.
Những viện nghiên cứu mới hay các khoa trong trường Đại Học có thể cung cấp một số khóa học như vậy, nhưng xin nhắc lại, không có một hệ thống cố định nào liên quan đến các môn này cả.
[Hiểu lầm 7] Nghiên cứu là một nghề để sống đến cuối đời
Đã qua rồi những ngày tháng kiểu “Một ngày làm nghiên cứu, cả đời làm nhà nghiên cứu”. Một phần là do hiện tượng “bất chính tắc hóa” của nguồn nhân lực nghiên cứu và giáo dục tầm cao tại Úc, và một phần do tình trạng bỏ việc tăng cao.
Phần lớn các nhà nghiên cứu ký hợp đồng 12 tháng hoặc ít hơn. Những nhà nghiên cứu cấp cao cùng các nhân viên bên dưới có thể nhận hợp đồng cho các thành viên trong nhóm, thế nhưng kể cả với hợp đồng đó cũng khó có thể coi là “nhân viên chính thức” được.
Đây không phải điều gì quá đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Nhưng nói gì thì nói con đường sự nghiệp ngắn ngủi và đầy rủi ro này có thể gây ra hiệu quả nghiêm trọng cho tất cả nhà nghiên cứu, đặc biệt là NỮ GIỚI. Những nhà nghiên cứu trẻ thường được khuyên nên cân nhắc những công việc ngoài nghiên cứu hay đơn giản hơn là ra nước ngoài.
THỰC TẾ
Các nhà khoa học là những người đam mê về nghiên cứu của bản thân và sẵn sàng làm quá thời gian hay không cần giải thưởng nào. Nhưng họ vẫn cần phải tìm kiếm nguồn tài trợ để có “lương” cho bản thân và các đồng nghiệp trong nhóm.
Thông thường thời gian để một nhà nghiên cứu trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ có thể lên tới hàng chục năm cày cuốc, do vậy rất cần nguồn đầu tư lớn từ các cá nhân, chính quyền hay tổ chức xã hội. Rất ít nhà nghiên cứu phàn nàn về cuộc sống của mình bởi vì họ sống trong niềm đam mê nghiên cứu, khát khao được khám phá, và ước muốn giúp đỡ người khác.
Chúng tôi hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu hơn về cuộc sống của một nhà nghiên cứu khoa học, và tránh được những hiểu lầm bên trên. Nói cho cùng nghiên cứu của chúng tôi sẽ ít nhiều có ảnh hưởng đến bạn và tiền thuế bạn đóng cũng có thể một ngày nào đó sẽ được sử dụng để tài trợ cho nghiên cứu của chúng tôi. Cũng xin nhắc rằng đây là bài chia sẻ của một người làm nghiên cứu tại Úc do vậy đối với các quốc gia khác có thể có nhiều điểm giống hoặc không giống, bạn đọc nên cân nhắc (VietFuji).
Biên dịch: Trungmaster, theo iflscience