(Nguồn ảnh: Phys.org)
Một nhóm nhỏ tại thành phố London đã sử dụng sợi PLA và in 3D thành công một chiếc laptop dựa trên bo mạch Raspberry-Pi với dung lượng pin từ 6 đến 8 giờ. Hiện nhóm đang đưa sản phẩm này lên trang gây quỹ cộng đồng Kickstarter dưới dạng bộ tự lắp ghép laptop với cái tên Pi-Top.
Bộ lắp ghép này được tích hợp sẵn một màn hình 13.3 inch, một bàn phím và một touchpad. Việc chế tạo không hề dễ dàng và tiêu tốn tới 160 giờ nếu muốn in toàn bộ các linh kiện. Thế nhưng nhóm phát minh chia sẻ rằng những vất vả đó không thấm vào đâu nếu so sánh với niềm vui khi biết rằng mình đã tạo ra được một phương thức mới, giúp mọi người có thể tự xây dựng laptop theo ý thích bản thân. Cụ thể hơn, nhóm hướng đến cung cấp cho người sử dụng một bộ công cụ có đủ thứ cần thiết để xây dựng một chiếc laptop riêng kèm theo chỉ dẫn từ A đến Z. Chỉ dẫn người khác xây dựng phần cứng là công việc quen thuộc của nhóm. Trong thời gian vừa qua, họ đã chỉ dẫn 150 phụ huynh và học sinh tạo ra bảng mạch đèn LED với chương trình Python.
“Bộ lắp Pi-top chỉ là khởi đầu. Tương lai của dự án này chính là để mọi người có đủ khả năng tinh chỉnh chiếc Pitop dựa trên tất cả những kỹ năng bạn học được khi xây dựng từ ban đầu”, đại diện của nhóm cho biết.
Nhóm phát minh còn cho biết khó khăn lớn nhất gặp phải chính là làm sao để có được kết cấu vững chắc, chịu đựng được va đập mà các laptop thông thường có thể gặp phải. Về cách chế tạo cụ thể thì đầu tiên nhóm in nguyên mẫu bằng máy Rostock Max V2 Kit với đầu đùn kim loại E3D. Vỏ laptop được in bằng nhựa PLA với thời gian lên đến 160 giờ theo từng lớp 0.2mm, độ phủ 30%, chia làm 3 phần chính với, 2 phần in cùng lúc và một phần rời in riêng.
Nhà đồng sáng lập Ran Dunwoody hiện đang học chuyên ngành kỹ sư tại Oxford, nơi khiến anh tin rằng Raspberry Pi chính là công cụ hiệu quả để thực hành kỹ năng phần cứng kể cả dành cho những người mới bắt đầu. Còn nhà đồng sáng lập Jess Lozano thì lại học luật tại đại học King College và chỉ sử dụng thời gian rảnh để học lập trình.
Người dịch: Trịnh Trần Khánh Duy.
Nguồn: Phys.org