Có nên nhìn bản thảo khi phát biểu?

Hôm nay chúng ta sẽ cùng anh Sasaki đại diện của hãng Logic and Emotion Nhật Bản chia sẻ về viêc sử dụng bản thảo trong lúc phát biểu. Trước khi bắt đầu, bạn hãy thử cho ý kiến về việc có nên sử dụng bản thảo trong lúc phát biểu hay không? Và bạn hãy thử đưa ra những luận điểm để bảo vê ý kiến của mình.

Trong các cuộc hội thảo hay diễn giảng, tôi thường dành thời gian để mọi người cừng nghe lại bài phát biểu của Steve Jobs tại buổi lễ chúc mừng tốt nghiệp đại học Stanford. Bài phát biểu là một ví dụ rất hay để chúng ta có thể học cách tạo dựng bố cục, cách dẫn dắt câu chuyện.

Hôm trước, trong một bài giảng tại Hiroshima, sau khi cho mọi người nghe xong bài diễn văn này tôi đã hỏi ý kiến và cảm tưởng của những người tham gia. Trong số những ý kiến thu được cũng có người đã bày tỏ cảm tưởng như sau: “ Jobs nhìn bản thảo khi phát biểu, nên tôi cho rằng không thể coi đó là một bài phát biểu hay được”. Mặc dù Jobs vừa xem bản thảo vừa đọc diễn văn nhưng hầu hết người tham gia buổi giảng hôm đó đều có chung cảm tưởng rằng: “Đây là một bài diễn văn tuyệt vời”. Vậy quả thực có nên nhìn bản thảo hay không? Hôm nay tôi muốn đưa ra những suy nghĩ của bản thân về vấn đề này.

Thực sự là đến cả những diễn giả nổi tiếng như tổng thống Mỹ Barack Obama, nguyên thủ tướng Anh Tony Blair, hay là những nhà lãnh đạo của tập đoàn đa quốc gia, những người diễn thuyết chủ đạo trong các buổi hội nghị quốc tế, người phát biểu trong lễ tốt nghiệp ở trường đại học họ đều chuẩn bị bản thảo và vừa nhìn bản thảo vừa phát biểu. Khi phát biểu tổng thống Obama sử dụng bảng nhắc (Prompter) – một loại bảng trong suốt, được đặt tại các góc bên trái bên phải và phía trước của sân khấu. Khi thuyết trình ông ấy sẽ vừa nhìn bản thảo được chiếu trên các Prompter vừa nói. Nếu được nhìn từ phía hội trường, tấm bảng trở nêntrong suốt, nhưng nếu được nhìn từ trên sân khấu có thể nhìn thấy văn bản một cách rõ ràng. Đối với những diễn giả khác, họ có thể nhìn thẳng về phía thính giả và phát biểu là nhờ có sự giúp sức của thiết bị này.

Tổng thống Obama vừa nhìn bảng nhắc vừa phát biểu (theo Reuter)
Tổng thống Obama vừa nhìn bảng nhắc vừa phát biểu (theo Reuter)

Những bài diễn văn mang tính chất trang trọng, không cho phép nhầm lẫn thì ngay cả các bậc nguyên thủ quốc gia cũng thường phải dùng bản thảo khi diễn thuyết.

Tôi nghĩ sẽ có ý kiến chỉ trích rằng: “Có người diễn thuyết mà chẳng cần xem gì cả”. Thật vậy, tuy nhiên nó chỉ rơi vào những trường hợp sau:

(1) Nói những điều lặp lại

(2) Nếu có sai sót vẫn có thể chấp nhận được

(3) Có đủ thời gian luyện tập

(4) Bài diễn văn ngắn

Trong những trường hợp như thế này, các bạn có thể thử sức phát biểu mà không cần dùng tới bản thảo.

Tuy nhiên trong những trường hợp trang trọng, không cho phép sai sót thì việc tiến hành phát biểu không cầm theo bản thảo có thể xem là việc làm khinh xuất. Có thể xảy ra những điều không mong muốn như lúng túng, nói không mạch lạc, nội dung hời hợt, thậm chí có nguy cơ giữa chừng đầu óc trở nên trống rỗng, quên mất nội dung cần phát biểu.

Khi phát biểu có sử dụng bản thảo có 2 điều quan trọng sau đây.

Thứ nhất: không phải là đọc mà là kể chuyện.

Ví dụ, nếu chúng ta xem một người diễn viên có diễn xuất giỏi, chúng ta sẽ có cảm giác không thể tin nổi những cách mà họ bộc lộ trạng thái cảm xúc.Vì diễn viên khi diễn xuất thì họ không còn là chính bản thân mình mà họ đã hóa thân thành một người khác, đương nhiên nó sẽ khó khăn với những người nghiệp dư.

Trái lại, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta những cảm xúc vui buồn mừng giận biểu hiện một cách rất tự nhiên, vượt trên cả nghệ thuật diễn xuất của các diễn viên. Phát biểu cũng vậy, nếu có thể thể hiện được đúng những điều vốn thuộc về bản thân chúng ta một cách tự nhiên là điều tốt nhất nhưng, khi có bản thảo trước mắt, chúng ta thường có khuynh hướng ưu tiên việc đọc gây ra cảm giác đơn điệu. Kết cục bài phát biểu thiếu đi yếu tố tình cảm và tính chân thực. Steve Jobs có thoáng nhìn bản thảo nhưng ông đã phát biểu bằng cảm xúc hồi tưởng lại những kinh nghiệm của bản thân và như kể lại cho người nghe  nên bài phát biểu đã có được những giá trị rất riêng.

Thứ hai: giao tiếp bằng mắt.

Ánh mắt và những biểu lộ tình cảm gửi đi rất nhiều thông điệp. Đôi mắt đầy vẻ quan tâm trìu mến, khoén môi mỉm cười là những biểu cảm mang lại sự an tâm, sự tin cậy cho người nghe. Nếu đọc bản thảo, nhiều trường hợp ánh mắt chỉ hướng về bản thảo, dẫn đến không truyền được cảm xúc, tư tưởng của bài phát biểu. Từng đoạn từng đoạn một, hãy chắc chắn rằng mình vẫn đang hướng về thính giả và mang đến cho họ những thông điệp có ý nghĩa hơn cả ngôn từ.

Một lần nữa tôi xin khẳng định rằng phát biểu trong các buổi lễ trang trọng thì việc vừa nói vừa nhìn bản thảo hoàn toàn không có vấn đề gì. Hơn nữa đó chính là hành động tôn trọng thính giả đã dành thời gian đến tham dự. Đưa cảm xúc vào câu chuyện, cố gắng không quên giao tiếp bằng mắt với thính giả, làm được điều đó chắc chắn bạn sẽ có một phát biểu tuyệt vời.


Theo Nikkei Top Leader Monthly
Biên dịch: Trần Xuân Quyết –  Đại học kỹ thuật Nagaoka


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan