Thử thách những người đoạt giải Nobel: Vẽ lại phát hiện của bản thân

Trong một công tác với một tạp chí của Italy, Volker Steger-một nhiếp ảnh gia người Đức, đã được đề nghị chụp ảnh chân dung của 12 người đoạt giải nobel trong lĩnh vực khoa học. Ban đầu, công việc có thể khá đơn giản đó là ông sẽ sắp xếp cho 12 người này một buổi phỏng vấn nhỏ, với những câu hỏi để làm bật cá tính của họ lên mà thôi. Thế nhưng, sẽ thế nào nếu sau những bức hình thương mại thô kệch đó, Steger thử nghiệm một chút gì đó nghệ sĩ hơn cho riêng mình? Và ý tưởng này đã xuất hiện khi Steger trên đường từ Munich đến Milan.

Để thực hiện ý tưởng này, Steger đưa cho các nhà khoa học một tờ giấy trắng thật lớn, một ít sáp màu và bảo họ vẽ lại những phát hiện được trao giải của họ. Khi họ hoàn thành, ông chụp lại các bản vẽ với các nhà khoa học đang tạo dáng một cách tùy ý.

“Ý tưởng này về cơ bản là miêu tả những nhà khoa học hàng đầu thế giới theo một cách khác, vui, cá tính và sáng tạo hơn”, Steger cho biết, “Tôi muốn tạo ra một mối liên hệ trực quan giữa những con người này và các khám phá của họ”.

Kết quả của bộ ảnh này đã làm Steger vô cùng bất ngờ và quyết định mở rộng hơn nữa. Trong nhiều năm, bắt đầu từ 2006, ông tham gia vào Hội nghị những người đoạt giải Nobel Lindau, một sự kiện thường niên tại Lindau, Đức. Tại đây, các nhà khoa học đẳng cấp Nobel về Vật Lý, Hóa Học, Sinh Lý Học và Dược Học sẽ gặp gỡ với các sinh viên và những nhà nghiên cứu trẻ để truyền lại kinh nghiệm cũng như chia sẻ những hiểu biết của họ. Và đương nhiên, khi những nhà khoa học rảnh rang, sẽ là lúc Steger kéo họ ra một góc khác để thực hiện công việc. Các tấm ảnh thường được chụp trong một studio tạm với nền trắng.

“Điều cơ bản là, sẽ ko ai được thông báo trước về điều này” Steger cho biết. “ Họ bước vào, choáng ngợp với hệ thống ánh sáng và các thiết bị. Còn tôi sẽ đơn giản là bảo họ ‘Hãy vẽ một bức tranh về phát hiện đạt giải Nobel của bạn’”.

50 tấm hình chân dung của những người đoạt giải Nobel và minh họa của họ do Steger chụp sẽ được giới thiệu trong quyển sách Sketches of Science (tạm dịch: Phác họa khoa học) và triển lãm cùng tên tại bảo tàng Nobel. Trong triển lãm này, mỗi bức ảnh đều đi kèm với một bản thu âm lời những người đoạt giải giải thích về phát hiện của họ.Một vài nhà khoa học thậm chí còn nguệch ngoạc các công thức khoa học lên trên bản vẽ (kích thước cỡ một tấm poster).

Françoise Barré-Sinoussi, người đoạt giải Nobel trong lĩnh vực Sinh lý và Dược học vào năm 2008, đã vẽ một virus suy giảm miễn dịch ở người. Virus này có hình dáng giống như một cái niềng bằng sắt, mô tả phát hiện của bà và các cộng sự về tác nhân gây bệnh AIDS.

Françoise Barré-Sinoussi, người đoạt giải Nobel trong lĩnh vực Sinh lý và Dược học vào năm 2008(Nguồn: Volker Steger)
Françoise Barré-Sinoussi, người đoạt giải Nobel trong lĩnh vực Sinh lý và Dược học vào năm 2008 (Nguồn: Volker Steger)

Elizabeth Blackburn, đoạt giải Nobel trong cùng lĩnh vực như trên vào năm 2009, mô tả phát hiện của bà về cách thức các nhiễm sắc thể được bảo vệ bởi các telomeres và enzyme telomerase. Các hình vẽ có tính tượng trưng cao, liên kết bằng dấu mũi tên và khá sinh động với các biểu cảm khuôn mặt vui, buồn hay hiệu ứng âm thanh.

Elizabeth Blackburn, đoạt giải Nobel trong cùng lĩnh vực như trên vào năm 2009 (Nguồn: Volker Steger)
Elizabeth Blackburn, đoạt giải Nobel trong cùng lĩnh vực như trên vào năm 2009 (Nguồn: Volker Steger)

Không khí ở Hội Nghị những người đạt giải Nobel Lindau rất thư giãn và đầy sáng tạo, khiến cho dự án này có thể thực hiện khá trôi chảy. Mặc dù cũng có một vài người không muốn tham gia vào dự án (khoảng 3/70 người được đề nghị), hoặc một số thì nói rằng họ đã quá già để vẽ một cái gì đó.Trong phần lớn các bức ảnh, Steger nhận ra rằng phần lớn những người đoạt giải Nobel đều không thực sự thích bị ghi hình như những nhà tư tưởng lớn trầm tư trên ghế bành. Nhiều người trong số họ giữ các bức tranh trước ngực hoặc trước mặt, một số thì nghịch ngợm hơn.

Robert Laughlin, đạt giải vào năm 1998 trong lĩnh vực Vật Lý, đã cắn vào một góc bức tranh và dùng tay còn lại để chỉ vào công thức trên hình.

Robert Laughlin, đạt giải Nobel vào năm 1998 trong lĩnh vực Vật Lý (Nguồn: Volker Steger)
Robert Laughlin, đạt giải Nobel vào năm 1998 trong lĩnh vực Vật Lý (Nguồn: Volker Steger)

Sir Harol Kroto, đạt giải năm 1996 trong lĩnh vực Hóa Học thì tạo dáng như đang đá một “quả bóng”. “Quả bóng” đó thực chất là một khối phân tử carbon hình cầu với công thức hóa học C60, được Harol và các đồng sự phát hiện vào năm 1985.

Sir Harol Kroto, đạt giải năm 1996 trong lĩnh vực Hóa Học (Nguồn: Volker Steger)
Sir Harol Kroto, đạt giải Nobel năm 1996 trong lĩnh vực Hóa Học (Nguồn: Volker Steger)

“Cá tính của những người đoạt giải cũng phong phú như cách họ phát hiện những khám phá của mình vậy”, Steger cho biết.

Sir Timothy Hunt, đoạt giải Nobel năm 2001 trong lĩnh vực Sinh lý và Dược Học, đã giới thiệu về cuốn Sketches of Science như sau “ Điều thú vị của những bức hình chân dung này đó là nó có vẻ gì đó tinh nghịch, không giống bất kỳ những bức chân dung chính thức nào của những con người phi thường đó. Dường như họ không đánh giá bản thân quá cao, bởi họ hiểu rất rõ rằng, những phát hiện vĩ đại luôn là kết quả một lượng may mắn nhất định, cùng với (đương nhiên) một bộ óc đã được chuẩn bị kiến thức chu đáo”.

“ Tôi cho rằng thứ mà bộ ảnh này muốn truyền tải đến người xem nhất chính là sự thú vị của việc làm khoa học”, Sir Timothy Hunt giải thích. Và điều đó càng làm cho bộ ảnh trở nên hấp dẫn.


Người dịch: Trungmaster, theo Smithsonianmag


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan