※ Ảnh minh họa khả năng định hướng của việc đầu tư (investment), nguồn: indonesia-ottawa
Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nhiều nhà kinh doanh đã nghĩ tới các kế hoạch tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên chính những thời điểm khó khăn như thế này lại càng cần phải tiếp tục duy trì việc đầu tư cho bản thân để tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. Vậy làm thế nào để đầu tư cho bản thân ngay cả trong những thời điểm kinh tế khó khăn ? Bài hôm nay sẽ giới thiệu với các bạn nguyên tắc 2:6:2 trong cách sử dụng hầu bao nhé.
Thời điểm kinh tế khó khăn chính là lúc không thể thiếu sự đầu tư có hiệu quả cho bản thân. Tại sao?
1. Người thành công luôn đầu tư cho bản thân dù ở bất kỳ thời điểm nào
“Những nhà kinh doanh có thu nhập hay địa vị cao luôn duy trì việc đầu tư cho bản thân ngay từ hồi họ còn trẻ.”
Trích lời Giám đốc tổ chức giáo dục tài chính Nhật Bản – ông Izumi
2. Trong tương lai, thành quả sẽ gấp hàng chục lần những gì bạn đầu tư
Nếu bạn tích lũy được thật nhiều kiến thức và trí tuệ, 20 năm sau thành quả bạn thu được sẽ nhiều hơn gấp hàng chục lần so với những gì bạn đã bỏ ra. Khi bạn còn trẻ có thể chưa nhận ra sự khác biệt giữa người biết đầu tư cho bản thân và người không đầu tư cho bản thân nhưng theo thời gian sự khác biệt sẽ lớn dần và bạn sẽ thấy rõ trong nghề nghiệp của họ trong tương lai.
Trích lời Giám đốc tổ chức giáo dục tài chính Nhật Bản – ông Izumi
3. Từ giờ trở đi sẽ là thời đại coi trọng trí thức và sự lý luận
Thế giới đang tiến dần tới toàn cầu hóa, điều đó đồng nghĩa với cơ hội làm việc với những người có cách suy nghĩ khác với bạn sẽ tăng lên. Do đó để tạo ra được thành quả sẽ cần tới những kiến thức sâu rộng, năng lực tạo dựng mối quan hệ hay khả năng đối thoại với đối tác.
Việc đầu tư cho bản thân cũng giống như việc bạn để dành tiền vậy, theo thời gian những gì bạn tích lũy được sẽ không mất đi mà sẽ quay trở lại với bạn. Đầu tư trong trường hợp này khác với việc bạn đầu cơ cho bất động sản hay cho việc chơi chứng khoán, do đó thực sự việc đầu tư này sẽ không chịu ảnh hưởng của sự biến động của nền kinh tế. Việc đầu tư cho bản thân có thể phân chia thành bốn nhóm lớn.
〇 Đầu tư cho bộ não: Học tập cách suy nghĩ và nâng cao tri thức
〇 Đầu tư cho thời gian: Dành thời gian để thu thập thông tin
〇 Đầu tư cho kinh tế: Vận dụng đồng vốn vào các hoạt động kinh doanh
〇 Đầu tư cho sức khỏe: Rèn luyện để có được sức khỏe sao cho có thể vượt qua được những cơn sóng gió.
Trong lúc thu nhập đang giảm dần, chính là lúc bạn cần phải đẩy mạnh hiệu quả đầu tư cho bản thân. Đầu tư cho bộ não trong thời điểm này lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông Izumi có nói “không có sự đầu tư nào thắng được đầu tư cho việc học”.
Năm 25 tuổi, ông Izumi đã bước chân vào “chiến trường” đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông chưa có kiến thức về lĩnh vực này và kết quả ông đã thất bại. Không tiếp tục đầu tư mang tính may rủi, ông bắt tay vào tìm hiểu các kiến thức liên quan tới thị trường chứng khoán. Tất nhiên ông đã bỏ nhiều thời gian và tiền bạc cho việc này để nâng cao năng lực, kết quả ông đã thu về những chiến thắng đầu tiên trên thị trường mà nhiều người vẫn đang đầu tư theo cách thức cá cược với vận may này.
Đầu tư cho bản thân cũng tương tự như vậy. Trước hết bạn hãy tưởng tượng về hình ảnh của bạn trong tương lai và bắt tay vào việc thu thập thông tin và những kiến thức cần thiết giúp bạn tiến gần tới nó. Không đầu tư tràn lan, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ xem bạn nên đầu tư vào việc gì để có thể thu về nhiều nhất. Khi tìm ra được việc bạn cần đầu tư hãy dành tiền và thời gian cho nó. Ví dụ, khi bạn lựa chọn đầu tư cho bằng cấp bạn hãy dành chút thời gian để suy nghĩ xem bạn sẽ thu được những kỹ năng gì từ việc học lấy tấm bằng đó, tấm bằng đó sẽ giúp bạn nâng cao thu nhập như thế nào? …Dựa trên đó, bạn sẽ chọn cho mình những tấm bằng phù phù hợp với bản thân và bắt đầu “tung tiền” cho việc học lấy tấm bằng đó. Việc tiếp cận với việc đầu tư nếu được tiếp cận theo thứ tự ưu tiên:
kiến thức, kỹ năng ⇒ thời gian ⇒ kinh tế
sẽ giúp bạn có những quyết định đầu tư có hiệu quả cao cho bản thân. Khi đầu tư cho bản thân chắc chắn bạn cũng sẽ cần tới tiền. Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề khó khăn về kinh tế hãy cùng suy nghĩ về cách sử dụng hầu bao của bạn hiện nay (trong kỳ sau).
— Còn tiếp —
Người dịch: Nguyễn Sinh Côn, theo 日経