5 điểm nổi bật của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam

1. Đau đầu với chất lượng của nhà cung ứng tại Việt Nam

Trong thời gian tháng 12 năm 2014 và tháng 1 năm 2015 Honda phải thu hồi một lượng lớn xe ô tô do có vấn đề liên quan tới túi khí an toàn – chi tiết có liên quan trực tiếp tới sinh mạng của những người lái xe. Honda không phải là công ty sản xuất tất cả các chi tiết mà họ chỉ sản xuất những bộ phận quan trọng, sau đó nhập những chi tiết từ công ty cung ứng để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh. Vấn đề của Honda lần này phát sinh từ công ty Takata – nhà cung ứng chính chi tiết này cho Honda. Do đó, khi vấn đề xảy ra, Takata phải có những trách nhiệm liên đới liên quan tới việc thu hồi sản phẩm và bồi thường thiệt hại cho khách hàng, chi phí liên quan tới tố tụng và các vấn đề pháp lý. Không những thế, độ tín nhiệm của khách hàng đối với sản phẩm của Honda chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không hề nhỏ.

Một khi vấn đề liên quan tới chất lượng sản phẩm xảy ra, ngoài tổn thất về kinh tế thì tổn thất liên quan uy tín đối với khách hàng sẽ là điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản – những doanh nghiệp hoạt động dựa trên chữ “tín” lo lắng nhất. Những lo lắng này có thể là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Nhật Bản rất khó tính trong việc tìm đối tác cung ứng.

Biểu đồ so sánh giá nhân công Việt Nam – Trung Quốc và các nước lân cận (Theo bảng điều tra hoạt động doanh nghiệp Nhật Bản tháng 10-11 năm 2013 của JETRO)
Tỷ lệ nhập khẩu dây điện từ nước ngoài của công ty Nhật Theo JETRO (bộ phận tài vụ-thống kê – 2014)

Công ty chuyên sản xuất máy may Yuki là công ty có thị phần đứng số 1 trên thế giới hiện đã có mặt tại Việt Nam. Trước đây Yuki đã có chi nhánh sản xuất tại Trung Quốc, tuy nhiên với tốc độ tăng lương cơ bản tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, Yuki suy nghĩ tới một quốc gia khác và Việt Nam chính là lựa chọn của họ. Chiếc máy may được cấu thành từ trên dưới 200 chi tiết, dù chỉ một chi tiết gặp vấn đề thì chiếc máy may cũng sẽ không thể chuyển tới khách hàng được. Hiện tại ngoài khâu lắp ráp, Yuki cũng bắt đầu đặt một số chi tiết sản xuất tại Việt Nam. Trong một lô hàng, bộ phận quản lý chất lượng phát hiện ra bộ phận giữ chỉ có màu mạ bất thường. Màu mạ đục hơn và có dấu hiệu biến sắc so với những chi tiết đạt chuẩn bình thường. Giám đốc của Yuki Việt Nam chia sẻ: “cho dù đây là một lỗi không quá lớn nhưng sẽ ảnh hưởng lớn tới tổng thể sản phẩm do đó chúng tôi cần phải xử lý một cách triệt để”.

Có thể nói, đối với doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản, chất lượng là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy mà họ cũng đang gặp phải nhiều vấn đề đau đầu khi tìm đối tác tại Việt Nam vào giai đoạn mà suy nghĩ giữa hai quốc gia về vấn đề chất lượng sản phẩm còn chưa đạt tới sự ăn khớp.

2. Việt Nam tiếp nhận làn sóng đầu tư từ Nhật Bản

Mặc dù số doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật sản xuất từ phía công ty Nhật Bản vẫn còn nhiều hạn chế nhưng những năm gần đây số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam tiếp tục tăng nhanh. Theo số liệu thống kê của tổ chức hỗ trợ, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản (JETRO) tại thời điểm năm 2004, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam là 409, sau 10 năm con số này đã tăng gấp 3 lần, đạt 1349 công ty vào năm 2014.

Bảng trên là số liệu so sánh tỷ lệ điều phối linh phụ kiện trong nước của 3 quốc gia Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2013. Tỷ lệ điều phối tỷ lệ thuận với mức độ hoàn chỉnh của công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ này cũng có thể hiểu đơn giản là tỷ lệ nội địa hóa. Nhìn từ bảng thống kê, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ điều phối thấp nhất trong 3 quốc gia; chỉ bằng 3/5 so với Thái Lan và bằng 1/2 so với Trung Quốc.

Tuy vậy với lợi thế về vị trí địa lý, sở hữu nguồn lao động dồi dào và sự cạnh tranh về giá nhân công nên Việt Nam vẫn đang là một trong những lựa chọn của doanh Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia. Điều này đồng nghĩa với việc công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang bước vào cửa ngõ của quá trình phát triển.

3. Sự khác biệt giữa doanh nghiệp quốc nội và doanh nghiệp tư nhân

Ông Ichikawa hiện đang là điều phối viên (coodinator) của JETRO chuyên viên điều tra thị trường công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Ông đã đi nhiều vùng trên khắp Việt Nam để tìm kiếm những nhà cung ứng từ những doanh nghiệp tư nhân cho tới những doanh nghiệp quốc doanh. Lần này, ông đã dẫn đoàn JETRO Việt Nam tới thăm một công ty quốc doanh chuyên sản xuất đinh ốc quy mô lớn nhất Việt Nam. Công ty này một năm sản xuất vào khoảng 5000 tấn tổng các loại đinh ốc. Đinh ốc là chi tiết nhỏ, đồng thời cũng là chi tiết không thể thiếu được trong nhiều sản phẩm. Mỗi chiếc xe ô tô khi lắp ráp sẽ cần tới trên dưới 5000 đinh ốc các loại để kết nối các chi tiết. Việc sản xuất đinh ốc không đơn giản chỉ tạo hình mà còn phải được tiến hành xử lý nhiệt, xử lý bề mặt, mạ kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu về cường độ. Đầu những năm 90, ông đã tới thăm công xưởng này, nhưng vào thời điểm đó, sản phẩm của công ty này gặp vấn đề về chất lượng nên chưa thể làm đối tác cho công ty Nhật Bản.

Công xưởng tư nhân chuyên sản xuất sản phẩm bao bì, hộp nhựa gây ấn tượng bất ngờ với sự sạch sẽ và dàn máy chạy tự động.

 

Một công ty quốc doanh chuyên sản xuất đinh ốc với quy mô lớn nhất Việt Nam ”Đã 20 năm nhưng không có gì thay đổi, cả cách làm và cách điều hành quản lý. “

Sau hơn 20 năm, giờ khi thăm lại công xưởng này ông lắc đầu nói rằng “Đã 20 năm nhưng không có gì thay đổi, cả cách làm và cách điều hành quản lý. Họ có mua thêm một số máy mới nhưng ngoài điều đó ra thì không có gì đặc biệt”. Cũng có thể là công ty quốc doanh nên cha chung không ai khóc nhưng sau 20 năm khi thế giới bên ngoài đã tiến xa thế nào mà những doanh nghiệp quy mô như vậy vẫn dậm chân tại chỗ thì quả là một điều đáng tiếc.

Ông Ichikawa lại lên xe và dẫn đoàn tới một công xưởng khác nhưng lần này là công xưởng tư nhân – công xưởng của công ty sản xuất sản phẩm bao bì, hộp nhựa. Bước vào công xưởng, đoàn đã rất bất ngờ với sự sạch sẽ và dàn máy chạy tự động của công xưởng. Ngoài khu vực sản xuất chính, công xưởng còn được trang bị phòng sạch (clean room) để nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm có yêu cầu vệ sinh ở cấp độ cao. Các sản phẩm chủ yếu hướng tới các công ty của Nhật Bản. Theo giám đốc Diệp Văn Minh, số lượng khách hàng từ Nhật Bản tăng lên liên tục, mỗi tháng công ty xuất hơn 10 container hàng, có những thời điểm năng lực máy móc của công ty không đáp ứng được hết yêu cầu từ các đơn hàng. Ông Ichikawa đã có những nhận xét rất tích cực về công ty nhựa này. Ông cho rằng công ty đã chọn đối tác chính là công ty Nhật Bản và có những đầu tư thích hợp để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng từ phía khách hàng và đây có thể coi là một ví dụ điển hình cho doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản.

Xem tiếp nội dung bài viết ở ➡ trang 2 

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan