Khoa học thần kinh giải thích vì sao Con Người cảm thấy thương cảm cho Robot

Có khi nào bạn ngồi xem bộ phim hoạt hình WALL-E (nổi tiếng của hãng Pixar), và cảm thấy trái tim mình như rạn nứt khi trông thấy nhân vật chính bé nhỏ của chúng ta liều lĩnh du hành qua vũ trụ để tìm kiếm tình yêu đích thực của mình chưa? Điều đó không có nghĩa là bạn có vấn đề gì về thần kinh đâu. Hiển nhiên, WALL-E là một robot. Nhưng nó dễ thương, với vẻ ngoài được nhân cách hóa và khao khát rất “người”, đó là muốn kết thúc sự cô đơn của bản thân. WALL-E khiến chúng ta trong vô thức đã quên đi rằng nó không phải là “con người”.   

Khả năng để quên đi điểm quan trọng đó, đương nhiên không chỉ là do câu chuyện đã được dẫn dắt quá hay. Nghiên cứu mới đây cho thấy rằng, ít nhất trong quy mô nhỏ những người tham gia thí nghiệm, đã có sự tương đồng về mẫu hình thần kinh, xuất hiện trong não bộ khi họ cảm thấy thương cảm cho nhân vật con người trên màn hình và khi họ trông thấy trường hợp của một robot.

Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại Học Duisburg Essen tại Đức, đã sử dụng phương pháp Chụp Cộng Hưởng Từ Tính Chức Năng (Functional magnetic resonance imaging– gọi tắt là fMRI) để tìm kiếm và theo dõi dòng huyết lưu trong não bộ của 14 người tình nguyện khi họ xem video của con người, robot và các vật tĩnh khi bị được đối xử một cách âu yếm hoặc cay nghiệt. Nghiên cứu này sẽ được công bố tại Hội Nghị Hiệp Hội Truyền Thông Quốc Tế (International Communication Association conference) tại London vào tháng 6. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng, khi các tình nguyện viên xem đoạn phim về một robot (có tên goi Pleo, với hình ảnh là một con khủng long) được vuốt ve, cù và cho ăn, một số vùng của cấu trúc viền não (limbic structures) –vùng được cho rằng có liên quan đến những phản ứng cảm xúc- được kích hoạt. Hoạt động thần kinh này cũng xảy ra khi họ xem đoạn phim về một người đang được massage.

Cấu trúc viền não
Cấu trúc viền não

Tình huống tương tự cũng xảy ra khi những người tình nguyện xem đoạn phim về robot và con người khi bị đối xử một cách cay nghiệt- rung lắc, đánh rơi hay bị úp túi nhựa- nhưng với một chút khác biệt. Điều thú vị là, kết quả fMRI của họ cho thấy lượng mức độ hoạt động viền não cao hơn rất nhiều khi họ xem cảnh con người bị đối xử tệ bạc so với khi họ xem tình huống tương tự với robot. Điều này tương đồng với phản hồi từ bản điều tra mà các tình nguyện viên thực hiện sau khi khi xem các đoạn phim. Theo đó, họ có cho biết rằng họ cảm thấy hơi thương cảm một chút cho robot, nhưng rất nhiều cho con người.

Kết quả này đưa đến một dự đoán rằng, lý do chúng ta cảm thấy thương tâm cho những robot giống như WALL-E là bởi, khi chúng ta thấy chúng bị đối xử theo một cách nào đó, hành động đấy sẽ kích hoạt một số hoạt động thần kinh tạo cảm giác như là đang trông thấy một người bị đối xử như vậy. Trong ý thức, tâm trí của chúng ta diễn tả robot giống như là con người, khác với cách ta diễn tả một hòn đá. Mặt khác, một lời giải thích khá hợp lý cho việc tại sao, họ (những người tình nguyện) lại thể hiện ít sự thương cảm hơn so với trường hợp của con người, đó là có thể chúng ta coi robot như một thứ gì đó hơi kém hơn con người một chút -giống như một con vật nuôi nhiều hơn.

Đương nhiên, lời giải thích này cũng đi kèm với một mâu thuẫn quan trọng: tính tương quan và tính nhân quả. Chúng ta không biết chắc rằng, những mẫu hình thần kinh đó gây ra sự thương cảm, hay, chúng chỉ cùng xảy ra tại một thời điểm. (Hơn nữa, chúng ta cũng không thể dám chắc là hiệu ứng này chỉ xảy ra độc nhất với robot- thú nhồi bông và búp bê cũng có thể gây ra cùng một cảm giác buồn thương như vậy.)

Cho dù những mẫu hình thần kinh này chỉ là vô tình có liên quan đến tính đồng cảm, thì chúng cũng là một công cụ hữu hiệu để đo đạc, tính toán xem con người cảm thấy đồng cảm đến mức nào khi quan sát các dạng robot khác nhau- và những nghiên cứu trong mảng này có khả năng ứng dụng thực tế xa hơn nhiều so với ..Hollywood. Một trong những mảng chính, mà các nhà khoa học cho biết, đó là trong lĩnh vực gia công/chế tạo những robot làm việc với con người thường xuyên và lâu dài.

“Một mục tiêu của nghiên cứu robot hiện nay đó là phát triển các đồng chí robot có thể xây dựng một mối quan hệ trong thời gian dài với con người, bởi vì những đồng chí robot đó hoàn toàn có thể trở thành những công cụ hữu ích và tiện dụng. Chúng có thể hỗ trợ những người già trong các công việc thường ngày và giúp họ sống lâu hơn một cách tự chủ trong chính căn nhà của họ. Hoặc giúp đỡ những người khuyến tật, giữ cho bệnh nhân hợp tác hơn trong quá trình phục hồi chức năng,” Astrid Rosenthal-von der Pütten, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh “Một vấn đề cơ bản đó là những công nghệ mới thường rất thú vị trong thời gian đầu, nhưng hiệu ứng đó sẽ sớm biến mất, đặc biệt là khi công nghệ đó ứng dụng vào nhưng những bài tập lặp đi lặp lại và chán chường để phục hồi chức năng. Việc phát triển và ứng dụng những kỹ năng độc đắc của con người vào robot như lý thuyết về tâm thức, cảm xúc và sự thông cảm, được đánh giá là có tiềm năng để giải quyết vấn đề nan giải này.”

Trong một nghiên cứu trước đó, hai trong số sáu tình nguyện viên cao tuổi đã có dấu hiệu xuất hiện cảm xúc gắn bó với một robot hỗ trợ- ví dụ như đặt tên cho nó, nói chuyện và nhiều lần còn cười với nó- trong khi bốn người còn lại không có biểu hiện gì. Việc tìm hiểu sâu hơn vào cội nguồn cảm xúc thương cảm dành cho robot và chỉ ra xem các đặc điểm nào của chúng (ví dụ đặc điểm vật lý như khuôn mặt giống người, hoặc hành vi như cười, đi bằng 2 chân..) khiến con người có cảm xúc với chúng nhiều hơn có thể giúp các kỹ sư thiết kế ra những robot khơi gợi lòng trắc ẩn trong thời gian dài. Và đương nhiên, những thiết bị khiến con người ta cảm thấy gắn bó bằng cảm xúc có thể sẽ có hiệu quả tốt hơn trong việc hướng dẫn phục hồi chức năng hay hỗ trợ việc nhà trong thời gian không ngắn (tức là dài đấy).

—————————————————————————-

Người dịch: Trungmaster, theo Smithsonianmag

—————————————————————————-

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan