Công nghiệp Nhật Bản: Nền tảng vững chắc từ lịch sử

Hiện nay Nhật Bản đang chuẩn bị đón mùa đông. Nhưng cuộc sống trên quốc đảo này, dường như con người không biết mệt mỏi, họ vẫn hăng say di chuyển, làm việc, tạo nên nguồn nội lực lớn mạnh cho nền kinh tế Nhật.

Tôi cũng đang di chuyển, nhưng không phải để làm việc mà là đi tìm hiểu. Cái tôi đang tìm, chính là nguồn động lực nào để kinh tế và công nghệ Nhật Bản vượt qua sóng gió, những cơn bão, khủng hoảng kinh tế đang khiến đất nước tôi trì trệ và chậm phát triển.

Hiện tại, tôi đang ở Nagoya, thành phố được mệnh danh là trung tâm công nghiệp của Nhật Bản, và cũng chính là trái tim của nền sản xuất công nghiệp nước này. Từ bây giờ, tôi sẽ đi vào trụ sở của một công ty chuyên sản xuất khuôn đúc của Nhật. Ông giám đốc người Nhật dẫn tôi đi vào công ty do ông nắm quyền điều hành cách đây hơn 10 năm. Hiện tại công ty ông đang xúc tiến đầu tư về Việt Nam. Trong những câu chuyện của tôi và ông, ông thường luôn khen rằng, công nghiệp Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, và ông rất muốn có thêm nhiều người Việt vào làm ở công ty ông.

Thực sự, khi tôi bước vào, tôi rất bất ngờ khi thấy những người đứng máy phần lớn là những kỹ sư người Việt. Cả công ty có chừng 50 nhân viên, nhưng những người đứng máy chủ chốt lại là những kỹ sư người Việt. Tuy vậy, khi tiếp xúc, tôi được biết các anh đều đã sang Nhật làm việc từ lâu, ít nhất là từ 7 năm cho tới người dài nhất là 15 năm. Dường như thấy tôi rất bất ngờ , ông giám đốc cười niềm nở và nói: “Người Việt Nam có tinh thần học hỏi mạnh, và rất chăm chỉ“. Tuy nhiên, tôi liền phản bác: “Vậy nhưng những người học cao và có kỹ thuật ở Việt Nam, họ thường rất tự kiêu và khó bảo. Hơn nữa, có rất nhiều đòi hỏi.”. Đáp lại, ông chỉ cười.

Chuyến đi của tôi vốn là để tìm hiểu về việc các công ty sản xuất cơ khí của Nhật Bản, trước khi đến với công ty sản xuất khuôn đúc hiện tại, tôi đã từng có dịp đến với một số công ty lớn khác chuyên sản xuất bánh răng, công ty dệt may, những ngành sản xuất mà Nhật Bản vốn đừng đầu nhưng lại được rất ít người biết tới. Tiếp nối câu chuyện với ông giám đốc, sau khi nói chuyện về những dự định tương lai của ông tại Việt Nam, tôi tìm cách xoay chủ đề lại câu chuyện trước đó. Và không hiểu vì cảm thấy quý tôi, hay là do bắt đúng mạch chuyện, chúng tôi bắt đầu chia sẻ với nhau một cách thẳng thắn hơn.

Tôi:Vậy chắc hẳn ngài đã gặp rất nhiều khó khăn khi thuê những nhân viên Việt Nam đầu tiên ?”

Ông giám đốc:Oh, thực ra tôi cũng không có gặp khó khăn gì cả. Như cậu thấy đấy, phần lớn những nhân viên đang làm cho tôi, họ đều làm việc rất lâu, mà không bỏ công ty

Tôi:Nhưng theo tôi biết, và từ tâm tình của một người Việt, tôi thấy rằng những người Việt Nam có tay nghề thường tìm cách chuyển công ty khi thấy nơi khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn, có những người chuyển việc đến 2, 3 lần trong chỉ vòng một năm. Điều này khác hẳn với tư tưởng làm việc cả đời cho công ty của người Nhật. Ngài đã làm cách nào vậy ?”

Ông giám đốc:Cái mà cậu nói là tay nghề cao ở đây. Thực ra cách hiểu của tôi rất khác cậu. Lúc mới đầu, các nhân viên người Việt mà cậu thấy, họ cũng nghĩ như cậu. Phần lớn họ đều tốt nghiệp các trường Đại học kỹ thuật lớn ở Việt Nam. Thế nhưng, các nhân viên chủ chốt của tôi, tức là các cấp trên của họ, đâu phải ai cũng đã từng tốt nghiệp Đại học đâu

Tôi:Vậy những nhân viên người Việt của ông, họ có nghe lời cấp trên không, khi mà cấp trên của họ chưa từng có bằng Đại học ?”

Ông giám đốc cười và nói:Họ mới đầu cũng giống như cậu, nghĩ rằng có thể điều khiển máy móc công nghệ cao là đã giỏi, nhưng, việc điều khiển máy móc thực tế chỉ cần học là ai cũng có thể làm được, trong khi đó, sự cần thiết thật sự trong ngành kỹ thuật này không phải là việc bắt chước như vậy, nó cần được đúc kết từ kinh nghiệm. Và kinh nghiệm của những nhân viên người Nhật, không phải những nhân viên người Việt muốn là có thể học trong một hay hai ngày “…

Tôi liền bừng tỉnh, cái khoa học công nghệ mà tôi luôn hướng đến, mà cũng chắc hẳn nhiều người Việt Nam đang hướng đến, nó chỉ là cái hư ảo, mà không thực. Nền công nghiệp Việt Nam, thường được “chỉ nam” theo ngọn cờ “đi tắt đón đầu”, mong muốn huyễn hoặc rằng chỉ trong chừng 10 năm, 20 năm là một đất nước vốn thuần nông đuổi kịp những nền khoa học công nghệ đầu tầu thế giới như Nhật Bản. Và theo tôi nghĩ, có rất nhiều người vẫn đang ôm cái giấc mộng đó, giống như tôi đã từng.

Nền công nghiệp sản xuất của Nhật bản, họ chịu kế thừa từ truyền thống rất mạnh mẽ. Những công ty nắm trong tay kỹ thuật của Nhật bản, họ được thửa hưởng những kinh nghiệm của người xưa. Điển hình như người Nhật biết rất sớm về sắt. Họ sớm sủ dụng sắt trong những thanh gươm của võ sĩ, có độ sắc bén tới không ngờ và khó gỉ.  Những con dao của các đầu bếp Nhật Bản, được sử dụng làm món ăn sushi hay sashimi vốn làm mê hoặc cả thế giới, được đúc rất đặc biệt, dường như người Nhật đã làm sắt phát huy hết vẻ đẹp, tính chất vật lý của mình.

Có một câu chuyện bên lề Olympic 2008 tại Bắc Kinh mà ít người biết đến, ngoài những người Nhật. Công ty chuyên sản xuất dụng cụ cho những cuộc thi Olympic có tên là Tsujitani nằm tại tỉnh Saitama của Nhật Bản. Các tuyển thủ thi đấu môn ném bi sắt thi đầu tại Olympic gần như trên 90% đều sử dụng sản phẩm của công ty này. Trong 3 kỳ Olympic liên tiếp là Atlanta, Sydney, Athena, 8 vận động viên có thành tích đứng đầu tất cả đều sử dụng bi sắt do công ty này sản xuất. Thế nhưng, sau sự kiện Tây Tạng, công ty này đã ngừng sản xuất bi sắt cho Olympic.

Robot Asimo được nhiều người Việt biết tới

Còn rất nhiều câu chuyện nữa về nền kỹ thuật Nhật Bản mà bạn có thể tham khảo tại đây: “Ngành công nghệ Nhật Bản: Còn giữ được ngôi bá chủ? (Phần 1)

Tôi ra khỏi công ty khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Nhưng bên trong nhà máy, những nhân viên vẫn cặm cụi làm việc. Trong đó có không ít gương mặt kỹ sư người Việt. Tôi xoa tay tự hỏi, liệu có bao giờ, chúng ta có thể đuổi kịp Nhật ?


Nguyễn Xuân Truyền


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan

4 thoughts on “Công nghiệp Nhật Bản: Nền tảng vững chắc từ lịch sử”

  1. Kaito

    Bài viết rất hay! Đọc xong thấy mình cảm nhận thấy được điều gì đó!

  2. VietManh

    Bài viết hay và thực tế. Nếu thường xuyên đưa được những bài chất lượng như thế này thì sẽ tạo được giá trị của trang web cũng như vai trò của nhóm mình.

  3. xuantruyen

    Cảm ơn anh, em cũng mong mọi người có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân ạ.

  4. Những bài viết thực tế này khá hay ! Trao đổi với nhiều người Nhật mà tiếp xúc nhiều với nhân viên VN hay có hiểu biết về nền Công nghiệp Việt Nam sẽ cho mình những cái nhìn mang tính đối chiếu và học hỏi được nhiều. Việc đưa những câu chuyện như thế này cũng là một nhiệm vụ của nhóm phải ko nhỉ!

Comments are closed.