Công nghiệp Việt Nam: Truyền thống bị coi nhẹ và bỏ rơi

Bài viết tiếp theo của bài viết: “Công nghiệp Nhật Bản: Nền tảng vững chắc từ lịch sử”.

Nói tới người thì phải ngẫm tới mình, đôi lúc tôi cảm thấy đau lòng vì những thành quả của ông cha ta không được người đi sau thừa hưởng và phát triển giống như ở Nhật Bản.

Người Việt ta rất sáng tạo. Theo tôi tìm hiểu trong những cuốn sách lịch sử về triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam thì người Việt ta đã có thể chế tạo tàu hơi nước từ rất sớm. Tuy nhiên, những chi tiết này, chưa từng được đưa vào sách giáo khoa lịch sử để giảng dạy, mà triều Nguyễn hiện lên trong sách sử là một vương triều tàn bạo, đàn áp khởi nghĩa Tây Sơn, cõng rắn cắn gà nhà (mượn quân Xiêm sang xâm chiếm nước ta).

Thực chất, tàu máy hơi nước xuất hiện ở Việt Nam dưới triều Minh Mạng. Năm 1838, vua Minh Mạng cho mua một chiếc tàu máy hơi nước của Pháp đã cũ, đem về tháo ra nghiên cứu để lấy mẫu đóng thử.Tháng 2.1839, tàu máy hơi nước do triều Nguyễn đóng xong, được đưa ra chạy thử trên sông Hương nhưng thất bại do vỡ nồi hơi. Sau khi sửa chữa, tháng 4.1839, chiếc tàu này lại được đưa ra chạy thử trên sông An Cựu và đã thành công. Vua Minh Mạng ban thưởng hậu hĩ cho những người có công thực hiện chiếc tàu này và ra lệnh đóng thêm chiếc tàu máy hơi nước thứ hai. Chiếc tàu này hoàn thành vào tháng 10.1839 và cũng thu kết quả tốt. Nhà vua giao cho vệ Long Thuyền quản lý 2 chiếc tàu máy này và giám sát việc sử dụng than củi đốt lò hơi để chạy tàu trong một thời gian cụ thể để xây dựng định mức tiêu hao than củi, trình cho triều đình xem xét để cấp tiền mua theo thời hạn 6 tháng 1 lần [Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập XIII, Thuận Hóa, 1993, tr. 373].

Từ việc đóng thành công 2 chiếc tàu máy hơi nước này, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của sông nước ở Việt Nam và các điều kiện về vật tư, thiết bị, vua Minh Mạng ra lệnh cho Hoàng Văn Lịch chế tạo ra một bộ máy và nồi hơi mới, lớn hơn bộ máy và nồi hơi của hai tàu máy đã đóng trước đó, rồi sai chưởng vệ thủy sư và giáo đốc kho gỗ dự trù số gỗ để đóng mới chiếc tàu máy mới phù hợp với bộ máy và nồi hơi do Hoàng Văn Lịch vừa chế tạo. Từ đó, xây dựng quy thức cho các tàu máy hơi nước sẽ đóng sau này. Theo quy thức này, tàu máy hơi nước do triều Nguyễn đóng từ năm 1840 trở về sau có thân rộng 7 thước 5 tấc, dài trên dưới 4 trượng, nhưng thân không quá sâu, khoảng 1 trượng, để dễ dàng di chuyển trên các dòng sông [Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập XIII, Thuận Hóa, 1993, tr. 347].

Vua Minh Mạng cũng ra lệnh cho thợ thuyền tiếp tục nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để chế tạo những thứ phụ tùng phù hợp với kích thước tàu máy mới; quy định độ chìm dưới nước của tàu để tăng tải trọng cho tàu. Thủy thủy đoàn của tàu máy hơi nước loại mới này được quy định là 22 người.

Năm 1840, vua Minh Mạng cho mua thêm một chiếc tàu hơi nước cũ của Pháp, đem về sửa chữa rồi cho chạy thi với thuyền bọc đồng Bình Hải từ Thuận An vào Đà Nẵng và ngược lại. Kết quả tàu máy chạy nhanh hơn thuyền Bình Hải. Vua Minh Mạng ra lệnh nghiên cứu máy móc của chiếc tàu máy mới mua về này để đóng thêm tàu máy hơi nước, gọi là tàu hạng trung.

Đến cuối triều Minh Mạng, nhà Nguyễn đã đóng được ba chiếc tàu máy hơi nước: tàu lớn gọi là Yên Phi, dài 8 trượng 5 thước 2 tấc, rộng 2 trượng 6 tấc, sâu 8 thước 6 tấc 1 phân; tàu vừa gọi là Vân Phi, dài 5 trượng 9 thước 2 tấc 4 phân, rộng 1 trượng 4 thước 5 tấc 9 phân 5 ly, sâu 6 thước 2 phân 5 ly; tàu nhỏ gọi là Vụ Phi, dài 3 trượng 8 thước, rộng 6 thước 7 tấc, sâu 3 thước 2 tấc.

Dưới triều Thiệu Trị, vua cho sửa chữa tàu Yên Phi và đổi tên tàu Vân Phi thành tàu Huy Phi đồng thời cho sửa lại để nâng vận tốc của tàu cao hơn so với trước. Cũng trong thời gian này, triều đình cho mua một thuyền máy hơi nước mới, dài 9 trượng 5 thước 7 tấc, rộng 1 trượng 5 thước 1 tấc, sâu 6 thước, đặt tên là Điện Phi. Đây là chiếc tàu máy hơi nước lớn nhất mà triều Nguyễn sở hữu. Đồng thời vua đóng thêm một chiếc thuyền máy nhỏ, dài 2 trượng 3 tấc, rộng 3 thước 3 tấc, sâu 1 thước 6 tấc, đặt tên là Hương Nhi. Đây là chiếc tàu máy hơi nước cuối cùng do triều Nguyễn đóng vì từ thời Tự Đức trở đi, nhà Nguyễn không đóng mới tàu hơi nước mà chỉ cho mua từ nước ngoài về. Như vậy, từ năm 1839 đến năm 1844, các xưởng đóng tàu của triều Nguyễn ở Huế chỉ đóng được 4 tàu hơi nước mà thôi. Đó là các tàu Yên Phi, Vân Phi (sau đổi tên là Huy Phi, rồi Hương Phi), Vụ Phi và Hương Nhi.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về ngành đóng thuyền Việt Nam qua từ khoá: NGÀNH ĐÓNG THUYỀN VÀ TÀU THUYỀN Ở VIỆT NAM  – THỜI CHÚA NGUYỄN VÀ THỜI NGUYỄN.

Có thể nói, tuy trong lúc “bế quan tỏa cảng”, những thợ thủ công người Việt với tài hoa và khối óc vẫn có những bước phát triển khá rõ rệt về khả năng tiếp thu công nghệ mới, và biến nó phù hợp với phong tục Việt.

Vậy, bạn có biết Nhật Bản có tàu hơi nước từ bao giờ không ?

Thuyền chiến Mỹ lần đầu tiên đến cảng Yokohama năm 1853
Thuyền chiến Mỹ lần đầu tiên đến cảng Yokohama năm 1853
Nguồn: Wikipedia

Những chiếc thuyền hơi nước đầu tiên đi đến Nhật Bản (cảng Yokohama)  được gọi là “Hắc Thuyền”, đó chính là những chiếc thuyền hơi nước do Mỹ phái đến bắt chính phủ Mạc Phủ ký kết hiệp ước có lợi với mình trong thông thương và ngoại giao vào năm 1853, tức sau chúng ta cả chục năm. Lý do là do chính quyền Mạc Phủ e ngại sự nổi dậy của các lãnh chúa và đã cho ban hành bộ luật cấm đóng thuyền lớn trước đó (ban hành từ năm 1635).  Và Nhật bản chỉ có thể có  được chiếc thuyền hơi nước đầu tiên vào năm 1855 do được Hà Lan tặng (bấy giờ Hà Lan là một cường quốc hàng hải).  Và để rồi sau đó, người Nhật nắm được công nghệ làm tàu, cho đến chiến tranh Nhật – Trung, hạm đội mới thành lập của họ đã chiến thắng hạm đội Đông Bắc của nhà Thanh, đưa Nhật Bản lên hàng ngũ đế quốc. 

Thiết nghĩ, nếu chúng ta có thể kế thừa được kinh nghiệm và tinh hoa của cha ông trong công nghiệp chế tạo tàu hơi nước, thì chắc hẳn chúng ta sẽ không kéo đắm nền kinh tế nước nhà với con tàu Vinashin.

(Còn nữa…)


CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan