Nông nghiệp Nhật Bản: CHỔI CÀO-Dụng cụ làm cỏ dễ dàng tiện lợi cho vườn rau

Xóa bỏ định kiến của 40 năm

Gần 40 năm kể từ khi bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ, để làm cỏ giữa những gốc rau tôi phải cẩn thận dùng tay hoặc dùng loại cào tam giác. Khác với chỗ rãnh giữa các luống rau nơi không có cây, chỉ có cỏ mọc nên có thể dễ dàng sử dụng các loại máy làm cỏ. Còn tại những vị trí ở giữa các gốc rau, cỏ và rau mọc xen kẽ nhau, không thể nào dùng máy móc để chỉ nhổ cỏ và giữ lại rau được. Tôi đã nghĩ như vậy suốt nhiều năm trời.

Nhưng năm ngoái, sau rất nhiều thử nghiệm, đột nhiên ý tưởng sử dụng “Cào làm cỏ dạng thức dao động” sử dụng chiếc cào matsuba boki (tham khảo hình 1) để làm cỏ mà không làm tổn hại đến rau đã thành công.

Hình 1: Chiếc cào Matsuba bouki hay còn gọi là kumade

Thật ngạc nhiên hết sức, định kiến suốt 40 năm của tôi nay đã tan biến trong một khoảnh khắc.

Chiếc cào mà tôi sử dụng là loại làm bằng kim loại mà có thể tìm thấy ở bất cứ cửa hàng nông cụ nào. “Cào làm cỏ dạng thức dao động” được làm từ chiếc cào này là một loại cào gồm các thanh kim loại làm từ thép, có thể dao động lên xuống, trái phải để di chuyển lên phía trước và sẽ đâm nông vào đất dưới một góc nhọn. Bằng cách đó nó sẽ làm sạch cỏ nên tôi gọi nó là CHỔI CÀO

Nếu bạn có thể sử dụng internet, vui lòng xem những hình ảnh quay chậm về CHỔI CÀO trên thư viện điện tử của Ruralnet. Bạn sẽ thấy một cơ chế rất đơn giản và thú vị. (Video về cơ chế hoạt động xin mời bạn đọc xem tại đây)

Rau và cỏ dại có cơ chế sinh trưởng của bộ rễ khác nhau

Trong những thửa ruộng canh tác luân canh với cây lúa, những loài cỏ thích hợp phát triển trong điều kiện đất khô như cỏ lồng vực, rau ruột gà phát triển rất mạnh. Thông thường, những loại cỏ này trong thời kỳ đầu phát triển thì bộ rễ chùm chỉ ăn vào mặt đất một khoảng rất nông (khoảng 1cm). Tất nhiên vị trí trong đất của các loại cỏ là khác nhau. Những loại cỏ có rễ mọc hơi sâu vào đất thì phần cọng sẽ đâm ra rồi rễ sẽ phát triển từ đó. Điển hình của loại này là cỏ lồng vực.

Ngược lại, dù trồng bằng cây hay gieo bằng hạt thì bộ rễ của rau cũng đâm ra chắc, khỏe và ăn khá sâu trong đất (dưới 3cm).

Chiếc cổi cào được thiết kế dựa trên sự khác nhau về cách ăn sâu và độ khỏe của bộ rễ rau và cỏ dại.

Cơ chế của cào cỏ dạng thức dao động

  • Nhâng lên, kéo về, rũ ra

Kéo cào, điểm đầu của thanh kim loại (răng cào) sẽ móc vào rễ cỏ, nâng lên, kéo về, rung cho cỏ rơi xuống, cỏ sẽ héo khô rồi chết. Điều thú vị là, nếu đất khô, vì cỏ rất nhỏ nên nó sẽ không bị dính vào cào, rất tiện lợi.

Như trên đã nói rễ rau thường mọc sâu và chắc nên nếu làm cỏ tại thời điểm thích hợp sẽ không làm ảnh hưởng đến rễ rau. Đường kính của răng cào răng cào khoảng 3mm, rất nhỏ và có thể dao động. Cuống rau cũng chuyển động nhẹ nhàng. Vì thế sẽ không làm gẫy cây rau.

  • Cỏ nhỏ sẽ bị kéo chuyển động theo đất mà bị khô héo đi

Với những loại cỏ có rễ nhỏ, không bị móc vào răng cào thì sao? Dao động phải trái của răng cào sẽ giải quyết vấn đề này.

Cào cỏ này được chế tạo bằng cách cải tiến chiếc cào sao cho nó hơi nghiêng về bên trái nhìn từ phía tay cầm. Dùng 2 tay nắm vào chỗ tay cầm, kéo cào phía trên gốc rau, các thanh kim loại được thiết kế mở rộng theo hình quạt sẽ dao động mạnh dựa trên sự chuyển động của lò xo và kháng lực của đất. Những cây cỏ quá nhỏ, không bị cuốn vào cào cỏ cũng bị chuyển động theo đất và bị khô héo rồi chết.

Nếu nhìn những hình ảnh quay chậm được quay từ điện thoại (theo link xem video ở phía trên) thì có thể thấy ngay vùng dao động rất rộng từ phần cán đến tận chỗ thanh kim loại, cả đất và cỏ đều chuyển động rất mạnh. Các thanh kim loại được bẻ nghiêng sang một bên tay cầm chính là để lợi dụng “đặc tính hình quạt” này.

  • Cấu tạo 4 lớp để chỉ loại bỏ cỏ, giữ lại rau

Tại sao cào cỏ dạng thức dao động này cần phải có 4 lớp cào?

Khoảng cách giữa các thanh kim loại càng nhỏ thì hiệu quả làm sạch cỏ càng cao. Nhưng nếu như vậy lá và cuống rau sẽ bị mắc vào giữa các thanh kim loại, đất cục, rơm rạ cũng bị kéo theo làm gẫy đổ rau. Ngược lại nếu khoảng cách giữa các thanh kim loại quá rộng thì rau không bị cuốn đi nhưng lại không làm sạch hết cỏ. Cách để giải quyết vấn đề này là “Cấu tạo đa tầng”.

Ví dụ cào được ghép bởi 4 lớp, khoảng cách giữa các răng cào của mỗi lớp là 6cm. Những cây rau lúc đó còn nhỏ sẽ dễ dàng lọt qua khoảng giữa 6cm này. Nhưng vì các thanh kim loại của các lớp được đặt so le nhau nên những loại cỏ dại có rễ mọc nông sẽ bị đặt vào vị trí khoảng cách 6/4=1.5cm này. Thêm nữa, các thanh kim loại còn dao động trái phải để lấp vào khoảng trống 1.5cm này nên sẽ phát huy được hiệu quả tiêu diệt cỏ cao. Số lượng các tầng càng tăng lên thì hiệu quả càng cao.

Nếu quan sát kĩ những hình ảnh quay chậm trong video trên, bạn có thể hiểu được cách thức chuyển động của của các thanh kim loại khi làm cỏ giữa cách gốc rau.

Đặc điểm nổi bật của cào cỏ dạng thức dao động

Tôi chỉ là một nông dân làm nông nghiệp hữu cơ, không phải nhà nghiên cứu cũng không phải là kỹ sư nên không biết điều này có đúng hay không, nhưng tôi nghĩ cào cỏ này có 4 đặc điểm nổi bật:

  • Đâm vào đất dưới một góc nhọn

Cào cỏ dạng thức dao động được làm từ chiếc cào matsuba bouki này, đâm vào rễ cỏ và kéo lên theo một góc nhọn. Còn những máy làm cỏ của các công ty sản xuất nông cụ của Hokkaido, Anh Quốc mà tôi thấy được qua sách, sách hướng dẫn, phim ảnh, các buổi giới thiệu sản phẩm… thì mũi kim đâm vào đất dưới một góc tù. Ở đây bạn có thể thấy được cơ chế diệt cỏ khác nhau phải không?

  • Đặc biệt có thể diệt cỏ giữa các gốc rau

Có hiệu quả tích cực trong việc diệt cỏ giữa các gốc cây.

  • Tốn ít công sức

Nếu điều kiện tốt thì tôi có thể làm cỏ 1 luống rau dài 100m trong vòng 1 phút.

  • Hợp túi tiền

Đây là một “Kỹ thuật thích hợp”, sử dụng một vật dụng rất gần gũi với người nông dân, rẻ tiền là chiếc cào matsuba bouki mà người nông dân Châu Á có thể làm được bằng tay.

Khi nhìn dạng hình quạt của matsuba bouki, nhiều người sẽ nghĩ rằng rau sẽ bị móc vào theo. Sau khi thử nghiệm nó đã được đánh giá: PASS . Hãy thử dùng một cây cào làm cỏ cho rau còn nhỏ của mùa xuân thử xem, bạn sẽ thấy nó thật tiện lợi. Đây là toàn bộ kỹ thuật của dụng cụ này.

Các loại CHỔI CÀO cho từng loại rau

Lúa (gieo sạ), lúa mì, ngô, đậu tương… là những loại có thể sử dụng chổi cào một cách dễ dàng. Tôi cũng đang trồng rất nhiều loại rau bằng phương pháp hữu cơ thì thấy, ngoài cà rốt, các loại rau khác đều có thể dùng chổi cào để làm cỏ giữa các gốc cây.

Không thể nói được thời điểm nào là lúc thích hợp để sử dụng. Phải dựa trên tình trạng phát triển của từng loại rau và cỏ để đánh giá. Thực tế chỉ cần sử dụng thử CHỔI CÀO một chút là có thể biết được có nên dùng hay không.

  • Với rau ăn lá, ăn củ gieo bằng hạt

Củ cải, rau cải, cải cúc, hành là những loại có rễ bám chắc, lá có tính đàn hồi nên có thể sử dụng chổi cào từ sớm. Nhất là củ cải, khi lá hơi lớn một chút là có thể sử dụng một cách chắc chắn. Cải cúc thì có thể sử dụng khi cây đã ra 2-5 lá.

Nhưng tôi đã gặp thất bại nặng nề với củ cải Turnip (củ cải tròn, nhỏ), ngưu bang. Cả hai loại này đều có lá và cuống khỏe nên tôi đã để khoảng cách giữa các thanh kim loại bé lại và cố gắng thử dùng. Mặc dù vẫn dùng được nhưng đến lúc thu hoạch thì củ cải Turnip biến thành hình như quả bầu, ngưu bàng thì lại có quá nhiều rễ. Nguyên nhân là vì khoảng cách giữa các cây kim loại quá nhỏ.

Chổi cào vẫn còn những rủi ro và điểm chưa hoàn thiện như trên. Có thể nó sẽ làm tổn hại đến cây trồng, có thể làm cây trồng bị biến dạng, vì vậy bạn đọc vui lòng tự quan sát và thử nghiệm.

  • Rau trồng bằng cây là loại thích hợp để sử dụng CHỔI CÀO

Những loại rau trồng bằng cây con như bắp cải, dưa, xà lách thì ngay từ đầu lá đã mở rộng nhưng vì trồng bằng cây nên dễ bám chắc nên có thể dùng chổi cào sớm hơn so với loại gieo từ hạt. Vì thế có thể nói rau trồng từ cây con là loại thích hợp để dùng chổi cào. Tuy nhiên khi cây càng lớn, lá sẽ càng mở rộng ra nên phải thay đổi chổi cào một chút.

  • Với xà lách khi lá bị héo

Xà lách khi gặp thời tiết lạnh hoặc do hơi ẩm lá sẽ bị héo rũ xuống. Nếu lúc đó dùng chổi cào sẽ làm lá bị nát. Nhưng khi thời tiết đẹp hơn, nhiệt độ tăng lên, lá xà lách chỉ hơi héo một chút mà dùng chổi cào thì hoàn toàn không có vấn đề, cây không bị tổn hại gì.

Không chỉ riêng xà lách, thông thường khi có nhiều ánh nắng mặt trời, cây trồng hơi rủ xuống một chút thì đó chính là lúc thích hợp để dùng chổi cào. Lúc có sương sớm và lúc sau mưa thì không nên dùng chổi cào.

Làm cỏ sớm, khi đất khô ráo

Trong thửa ruộng đang làm luân canh với lúa của tôi có rất nhiều loại cỏ. Theo quan sát của tôi khi những loại cỏ này dài từ 3-5cm mà dùng chổi cào thì có thể làm sạch cỏ giữa các gốc cây. Điểm cần lưu ý ở đây là nên làm cỏ từ sớm.

Khi đất trên ruộng khô ráo mà dùng chổi cào thì đất sẽ tơi, dễ làm. Làm đi làm lại 2 lần thì đất dưới 1cm sẽ tơi hơn, càng dễ sử dụng chổi cào hơn, số lần làm càng nhiều thì cỏ càng giảm. Lúc đất ướt cũng có thể làm được nhưng đất và cỏ sẽ quyện lại, bám vào cào, làm giảm hiệu quả. Nguyên tắc là để đất thật khô mới làm.

Tác dụng kích thích như aigamo

Từ năm ngoái, để làm cỏ giữa những gốc lúa, lúa mì, rau tôi đã tiến hành những thử nghiệm chổi cào dùng máy quản lý cùng công ty Orec.

Năm nay lúa mì đẻ nhánh mạnh chưa từng thấy trước đó. Có lẽ dụng cụ này, cũng tương tự như aigamo, có tác dụng massage toàn thân cho đất nhờ vào những dao động gây kích thích mạnh cho cả mặt trên và mặt dưới của đất. Ở Hokkaidai có một kỹ thuật gọi là “vuốt lúa mì”. chổi cào rất nhẹ nên đơn giản hơn rất nhiều so với việc dẫm lúa (dẫm lúa là một kỹ thuật trong việc trồng lúa mì giúp cây đẻ nhánh tốt, chống đổ, rễ khỏe…). Nếu phỏng đoán đúng thì chổi cào sẽ trở thành một kỹ thuật “2 trong 1”, vừa làm cỏ giữa các gốc cây, vừa làm được việc dẫm lúa, kích thích cây phát triển.

Ca sỹ Kobayashi Sachiko có một câu cách ngôn nói là “Vứt định kiến, nhặt ý tưởng”. Tôi đã bị cầm tù trong một định kiến suốt gần 40 năm.

Cách làm cào cỏ dạng thức dao động

Cào cỏ được làm từ matsuba bouki. Chỗ đầu bị bẻ cong ㋐ có độ dài 10 – 13cm, phần ㋑ có độ dài khoảng 35cm. Nếu đầu cong ㋐ quá ngắn thì rau sẽ bị phần ㋑ của thanh kim loại đè gẫy, bị kẹp vào khe hở hẹp giữa các thanh kim loại. Ngược lại, nếu đầu cong ㋐ quá dài, nó sẽ bị nảy lên nảy xuống quá mạnh, mất nhiều thời gian hơn để rút ra khỏi đất.

Bẻ thanh kim loại cong về phía bên trái nhìn từ phía tay cầm và chỉ giữ lại 6 – 8 thanh, độ rộng giữa đầu các thanh khoảng 6cm. Mài nhọn các đầu thanh để cắm xuống đất dễ hơn. Các thanh còn lại thì bẻ ngược lên trên hoặc dùng kìm bẻ đi.

Để nâng cao hiệu quả làm cỏ thì làm từ 3 lớp trở lên. Khoảng cách giữa các lớp là 12cm. Nếu khoảng cách giữa các lớp gần quá thì cỏ, rơm sẽ bị tắc trong đó. Ngoài chiếc matsuba bouki phía tay cầm thì các chiếc khác đều cắt bỏ cán, chỉ để lại một đoạn dài 60cm, sau đó lấy miếng bìa cat-tong làm miếng đệm và dùng băng dính chống nước nối lại với nhau. Về phần cán, để cho dễ kéo ngay cả khi các thanh kim loại bị bẻ nghiêng sang một bên thì nên gắn thêm tay cầm. Khi làm xong thử kéo trên mặt ruộng, nhìn những đường gân được cào tạo ra trên mặt đất để điều chỉnh độ cong của các thanh kim loại cho hợp lý.

[divider]

Biên dịch: Nguyễn Thị Khuyên

Biên tập: Bùi Linh

Nguồn: Tạp chí 現代農業

 

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan