Sức mạnh của tầm nhìn

Ai cũng biết rằng doanh nghiệp cần phải có một tầm nhìn kinh doanh chiến lược. Từ khi còn làm việc tại Sony, tôi có cơ hội tham gia vào các dự án xây dựng tầm nhìn chiến lược. Nhưng chỉ cho đến gần đây, tôi mới có cơ hội hiểu rõ hơn về tầm nhìn chiến lược là gì, làm sao để tầm nhìn đó có thể lay động con tim khách hàng. Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cho quý bạn đọc hiểu rõ hơn về kinh nghiệm này.
Tầm nhìn sẽ phản ánh chân thực giá trị quan mà bản thân chúng ta coi trọng, là cây bút vẽ lên hình dáng tương lai. Tầm nhìn sẽ mang lại hiệu quả hơn nữa nếu hình dáng tương lai nó tạo ra rõ ràng đến mức chỉ cần nhắm mắt là có thể thấy cảnh tượng hiện ra một cách chân thực. Cảm giác chân thực là điều quan trọng để định nghĩa tầm nhìn, thiếu đi yếu tố này thì khó có thể gọi là một tầm nhìn đầy đủ.
Nếu nhìn lại thì có lẽ chính sự khuyết thiếu yếu tố chân thực trong tầm nhìn đã khiến Sony, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thiết bị audio cầm tay, hoàn toàn bị đánh bại bởi Apple.
Từ những năm 1990 đến đầu năm 2000, tầm nhìn của Sony chính là: “Các thiết bị số sẽ kết nối vào PC, sau đó mới kết nối đến Internet”.
Đối lập với điều này, Steve Jobs đã vẽ nên tầm nhìn “Digital Hub”. Đó chính là: ” Máy tính cá nhân sẽ trở thành phương tiện trung gian kết nối từ thiết bị âm nhạc, máy thu video, máy DVD cho đến máy chụp ảnh số. Kể cả âm nhạc, ảnh, phim và thông tin đều được quản lý trong máy tính”. Ngay từ đầu những năm 2001, tầm nhìn ấy đã nhanh chóng trở thành hiện thực, và ngày nay chỉ một chiếc iphone có thể thay thế hầu hết mọi thiết bị số. Đó chính là sức mạnh của tầm nhìn cụ thể.
Chẳng hạn như một công ty có tầm nhìn như sau: “Hướng đến hình mẫu công ty sáng tạo mang tầm cỡ quốc tế, nhận được sự tin tưởng từ khách hàng”. Quý vị có thể mường tượng ra một hình ảnh nào cụ thể không? Khi nghe những lời này, quý vị có cảm thấy hào hứng, rung động hay không? Có hiểu được cụ thể là công ty ấy sẽ trở nên ra sao không?
Chắc chắn câu trả lời là không. Khá nhiều công ty hiện đang sử dụng tầm nhìn mang tính trừu tượng như vậy, và những giám đốc công ty ấy có kêu gọi khản cổ: “Mọi người cùng hướng về tầm nhìn mà cố gắng nào” thì hầu như cũng chẳng có nhân viên nào hưởng ứng. Nếu không thực sự tưởng tượng được dáng hình vui vẻ của khách hàng sử dụng thì cũng không khơi dậy cho nhân viên lòng nhiệt huyết làm việc được.
10 năm sau, bạn muốn đưa ra được sản phẩm, dịch vụ ra sao? Thông qua đó, xây dựng nên một xã hội như thế nào? Nhờ những sản phẩm, dịch vụ của công ty, đời sống của khách hàng trở nên tiện lợi hơn ra sao? Cần phải tưởng tượng cụ thể ra những viễn cảnh như vật. Hơn nữa, bạn còn cần phải tóm gọn ý tưởng đó chỉ trong 1 cụm từ, giống như “Digital Hub” của Apple. Nhờ vậy, tầm nhìn của bạn sẽ rất dễ dàng truyền đạt đến nhân viên, khách hàng và cổ đông.
Khi cần suy nghĩ ra một tầm nhìn, bạn nên tự hỏi mình những câu hỏi như sau, “nếu giả sử không có bất cứ bó buộc cản trở nào thì bạn muốn biến công ty của mình trở nên ra sao? Muốn đưa đến cho khách hàng giá trị mới gì? Như vậy, khách hàng sẽ hài lòng ra sao? Nhân viên có vui vẻ làm việc hay không? Và với tư cách người lãnh đạo, bạn có được cảm giác thoả mãn hay không?”
Hãy thử bỏ qua mọi cản trở như không có vốn, không có cấp dưới đáng tin cậy, không có độ nổi tiếng,… và hãy thử vẽ nên một viễn cảnh khiến bạn cảm thấy hào hứng.
Khi nào xuất hiện một viễn cảnh khiến bạn nghĩ “tôi muốn biến điều này thành hiện thực”, hãy mạnh dạn truyền tải nó đến nhân viên. Chính những điều đó mới khiến những người xung quanh được truyền cảm hứng. Và nếu mọi người xung quanh cũng bắt đầu nghĩ “tôi muốn biến điều này thành hiện thực” thì một tương lai mới đang bắt đầu mở ra. Đó chính là sức mạnh của tầm nhìn.

Biên dịch: TTKD

Nguồn: Business Nikkei, bài viết của  佐々木繁範

CHIA SẺ ĐỂ LAN TỎA

0Shares
0

Bình Luận

comments

Bài viêt liên quan