Chuyển từ cạnh tranh bằng “giá cả” sang cạnh tranh bằng “giá trị”
Nông sản chứa trong mình nhiều loại giá trị khác nhau. Trong đó, đặc biệt phải kể đến 6 giá trị lớn nhất là:
- Giá trị chức năng, bắt nguồn từ khả năng chuyển đổi sang các loại thực phẩm
- Giá trị sinh ra từ cách thức tiếp cận người tiêu dùng
- Giá trị sinh ra từ phương thức trồng trọt
- Giá trị của thương hiệu “nông dân”
- Giá trị gia công
- Giá trị của tổ chức
Khi theo dõi tin tức trên báo, đài,…chúng ta hầu như chỉ thu được thông tin về giá cả lên xuống, cao thấp của nông sản. Từ đó, chúng ta thường chú ý đến “cạnh tranh giá cả” của nông sản. Tuy nhiên, trên thị trường nông sản, luôn luôn tồn tại cạnh tranh về giá trị trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu chỉ nhìn vào giá cả, nông sản Nhật Bản thường có giá cao hơn, sức cạnh tranh kém hơn các loại nông sản cùng loại được nhập từ nước ngoài.
Với chúng ta, những người nông dân, những người sản xuất, bán nông sản, nếu chúng ta vô tình, cố ý chỉ chú ý đến cạnh tranh giá cả, chúng ta sẽ bị cuốn vào cuộc chiến cạnh tranh giá cả với hàng nông sản nhập ngoại. Và từ đó, chúng ta tự mình đánh mất năng lực cạnh tranh vốn có của mình. Lấy ví dụ đơn giản, khi nhìn vào khu bán cà chua của siêu thị, chúng ta có thể thấy rất nhiều loại sản phẩm cà chua khác nhau như:
- Cà chua ngọt
- Cà chua vị đậm đà
- Cà chua chuyên dụng cho nấu ăn
- Cà chua bi
- Cà chua quả cỡ vừa
- Cà chua hữu cơ
…Mỗi loại sản phẩm cà chua nêu trên được bày bán với một giá khác nhau, và việc 1 loại cà chua có giá cao gấp 10 lần 1 loại cà chua khác cũng không phải hiếm thấy.
Từ ví dụ này, chúng ta có thể thấy không phải 1 loại nông sản chỉ có 1 giá, nó hoàn toàn có thể có nhiều mức giá khác nhau. Cùng là cà chua, có sản phẩm cà chua mà 1 cân chỉ bán được 10.000VND/kg, cũng có sản phẩm cà chua khác bán được 100.000VND/kg, khác nhau đến 10 lần về giá cả.
1 lần nữa, luôn luôn ghi nhớ 1 điều quan trọng là chúng ta hoàn toàn không cần thiết phải cạnh tranh bằng “giá cả”, mà chúng ta phải cạnh trạnh bằng “giá trị”.
- Giá trị chức năng
Giá trị chức năng là giá trị tự nhiên, cơ bản của nông sản, bắt nguồn từ khả năng chuyển đổi thành các loại thực phẩm. Ví dụ:
- Rau xà lách có thể dùng làm salad, hay làm nguyên liệu của sandwich.
- Củ cải trắng có thể dùng làm nguyên liệu món củ cải hầm, có tác dụng dưỡng trắng da tự nhiên.
Giá trị chức năng này sẽ bị giảm, mất đi nếu nông sản bị hủ mục, bị dập, hay bị giảm độ tươi.
Vì giá trị chức năng này là giá trị tự nhiên, vốn có của nông sản, chúng không thay đổi theo vùng sản xuất, người sản xuất, nên những vùng, những người có thể trồng nông sản này với chi phí thấp sẽ có lợi. Do đó, nếu chỉ cạnh tranh bằng giá trị chức năng này, chúng ta sẽ bị cuốn vào cuộc chiến cạnh tranh giá cả với nông sản nhập ngoại. Và thực tế thì nông sản Nhật Bản thường kém hơn nông sản nhập ngoại trong cuộc cạnh tranh giá cả này.
Và cũng chính vì nông sản Nhật Bản không có ưu thế trong cuộc cạnh tranh chỉ bằng giá trị chức năng, giá trị cơ bản của nông sản này, điều quan trọng là chúng ta cần chú ý đến và cạnh tranh bằng các loại “giá trị giá tăng” thêm vào giá trị cơ bản này.
- Giá trị sinh ra từ cách thức tiếp cận người tiêu dùng
Trong 2 giai đoạn,
Giai đoạn 1: trồng trọt, tạo ra nông sản
Giai đoạn 2: đưa nông sản đến tay người tiêu dùng
Nông dân chúng ta thường chú ý đến giai đoạn 1, giai đoạn trồng trọt, tạo ra nông sản. Tuy nhiên, có 1 sự thực là giai đoạn 1 tốn nhiều công sức hơn nhưng lại mang lại giá trị gia tăng (lãi) thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2, giai đoạn đưa nông sản đến tay người tiêu dùng.
Cụ thể hơn, 1 số phương thức cơ bản đưa nông sản đến tay người tiêu dùng có thể kể đến như sau:
- Thu hoạch nông sản vào sáng sớm, rồi bán
- Nông dân trực tiếp vận chuyển nông sản của mình vào thành phố, các khu dân cư “bán dạo”
- Sử dụng xe lạnh (thường là xe tải có trang bị máy điều hòa, làm lạnh kho chứa hàng) vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
- Vận chuyển đến tay người mua theo khung giờ định sẵn (ví dụ 4-6 giờ cho khách sạn, quán ăn, 17-19 giờ cho người đi làm,… )
- Nông dân tự xây dựng cửa hàng bán nông sản.
- Các phương thức sinh ra do sự kết hợp 2 hay nhiều phương thức trên
Với mỗi phương thức nêu trên, ngoài giá trị chức năng của nông sản, chúng ta tạo thêm được giá trị sinh ra từ cách thức tiếp cận người tiêu dùng. Và giá trị của nông sản tăng cao sẽ kéo theo mức giá mà người tiêu dùng chấp nhận trả cho nông sản tăng cao. Số tiền thu được do bán nông sản của nông dân sẽ tăng lên.
- Giá trị sinh ra từ phương thức trồng trọt
Ở đây, chúng ta cùng xem lại ví dụ về các sản phẩm cà chua.
- Cà chua ngọt
- Cà chua vị đậm đà
- Cà chua chuyên dụng cho nấu ăn
- Cà chua bi
- Cà chua quả cỡ vừa
- Cà chua hữu cơ
Sản phẩm “1. Cà chua ngọt”, và “2. Cà chua vị đậm đà” là 2 sản phẩm nhằm vào vị cà chua.
Sản phẩm “3. Cà chua chuyên dụng cho nấu ăn” là sản phẩm nhằm vào mục đích sử dụng cà chua.
Sản phẩm “4. Cà chua bi”, và “5. Cà chua quả cỡ vừa” là 2 sản phẩm nhắm vào kích cỡ cà chua.
Bằng cách thay đổi phương thức trồng trọt (bao gồm cả giống, kĩ thuật trồng) phù hợp, chúng ta thu được nông sản có đặc điểm khác nhau, ví dụ 5 loại cà chua khác nhau trên. Do tạo ra được sự “đặc biệt”, khác với nông sản trồng theo cách thông thường, giá trị nông sản được nâng cao.
Đặc biệt, thời gian gần đây, cùng với các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nông sản hữu cơ cũng được nhiều người quan tâm, chú ý. Ở Nhật Bản, để được chứng nhận là nông sản hữu cơ (được nhận chứng chỉ JAS), có nhiều điều khó khăn trong kĩ thuật trồng trọt, lao động. Tuy nhiên, nếu được chứng nhận nông sản hữu cơ, sẽ có ưu thế lớn về mặt an toàn, môi trường. Từ đó, sẽ dễ nhận được sự chú ý của người tiêu dùng, nâng cao giá trị nông sản một cách ổn định.
Tương tự như vậy, phương thức trồng sản phẩm “1. Cà chua ngọt” đã được xác định cụ thể, được nhiều người biết đến, và kết quả là dù có giá gấp vài lần cà chua thông thường nhưng vẫn bán rất đắt khách. “1. Cà chua ngọt” đã tạo được chỗ đứng riêng, chắc chắn trong lòng người tiêu dùng. Có thể nói rằng, bằng vào sự khác biệt một cách áp đảo về độ ngọt, cà chua ngọt đã có được giá trị gia tăng cao hơn hẳn so với cà chua thông thường.
Ngoài ra, nông sản nhà kính, nông sản trái mùa,…cũng là nông sản được nâng cao giá trị do có thêm giá trị sinh ra từ phương thức trồng trọt.
(Mời các bạn đón đọc tiếp phần 2)
[divider]
Thực hiện: Hoàng Minh
Tài liệu tham khảo: Sách “7 quy tắc để sinh ra lợi nhuận liên tục trong nông nghiệp”- Sawaura Syouji