Sau phần 1 của bước số 5 trong giải quyết vấn đề “Xác lập phương án giải quyết vấn đề” bạn đã vận dụng thành thạo cây logic để mở rộng các phương án giải quyết vấn đề hay chưa? Nếu bạn còn gặp bế tắc trong việc đưa ra các phương án thì hãy cùng VietFuji tìm hiểu thêm phần 2 của bước này nhé. Bài này Vietfuji sẽ giới thiệu cho các bạn hai nguyên tắc quan trọng trong suy nghĩ giúp những bạn không giàu ý tưởng trong suy nghĩ phương án giải quyết vấn đề vẫn có thể đưa ra thật nhiều phương án.
Nguyên tắc 1: Nguồn gốc của các phương án là “mục đích”
Sau khi đưa ra một phương án giải quyết, bạn đã bao giờ bị bế tắc không thể tiếp tục đưa ra các ý tưởng khác hay không? Phương án thực hiện là công cụ để đạt được mục đích. Do đó, khi bế tắc hãy quay về xuất phát điểm “mục đích là gì?” Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma, bởi vậy bạn không cần thiết phải câu nệ với phương án hiện có. Hãy thử suy nghĩ các phương án mới xuất phát từ mục đích ban đầu.
Ví dụ, ngày mai bạn sẽ cùng bạn bè đi đến quán café nhưng ngày mai quán đó không mở cửa, vậy khi đó bạn sẽ làm như thế nào? Hãy thử quay lại với mục đích “Bạn đi đến đó để làm gì?” để suy nghĩ phương án giải quyết. Nếu đến đó để gặp gỡ, nói chuyện với bạn bè thì có thể đi đến công viên, phòng trà, nếu để học tập thì đến thư viện, nếu để uống cafe thì một quán cafe khác cũng không phải là một lựa chọn tồi.
Khi suy nghĩ về mục đích các từ khóa “Vì ai?”, “Vì việc gì?” sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để tìm ra các phương án tuyệt vời khác.
Nguyên tắc số 2: Loại bỏ sự đối lập của các phương án
Bạn đã bao giờ trong tình huống muốn làm cả hai việc nhưng hai việc lại mâu thuẫn nhau khiến bạn suy nghĩ chỉ có thể chọn một trong hai hay chưa? Ví dụ, bạn muốn đi chơi với bạn bè nhưng sắp đến kỳ thi nên bạn cũng cần phải ôn bài. Hay bạn muốn giảm béo nhưng bạn lại là một tín đồ trung thành của những chiếc bánh ngọt.
Những trường hợp như thế này thật khó khăn để chọn lựa, nhưng tại sao lại phải chọn một trong hai mà không tìm ra phương án để thực hiện cả hai? Cách suy nghĩ này được gọi là “loại bỏ sự đối lập của các phương án”. Hãy thử suy nghĩ các phương án “có cùng mục đích hay không?” “có thể cùng lúc thực hiện được cả hai hay không?” để tìm ra phương án 2 trong 1.
Sự mâu thuẫn giữa các phương án khiến chúng ta dễ dàng suy nghĩ “nếu làm việc này thì không thể làm được việc kia”. Nhưng dẫu vẻ bề ngoài, các phương án có hoàn toàn đối lập, chỉ cần cuối cùng có chung một mục đích thì chắc chắn sẽ có phương án để loại bỏ sự đối lập đó.
Ví dụ, bạn muốn giảm béo nhưng lại rất muốn ăn bánh ngọt. Mục đích của ăn bánh ngọt là để cảm thấy ngon miệng, mục đích của việc giảm béo là muốn có một thân hình cân đối khỏe mạnh và mục đích cuối cùng là muốn có một cuộc sống thoải mái, vui vẻ. Vậy hãy thử suy nghĩ “Tại sao giảm béo thì lại không thể cảm thấy ngon miệng?”, “Không có phương pháp nào để vừa cảm thấy ngon miệng lại vừa có thể giảm béo hay sao?”, hay “Nếu ăn bánh ngọt thì không thể có một thân hình cân đối khỏe mạnh hay sao?”, “Phương pháp nào để vừa ăn được bánh ngọt vừa có một thân hình cân đối?”. Thêm vào đó chia thành các trường hợp “Lúc này sẽ ăn bánh ngọt, lúc khác sẽ giảm béo” và suy nghĩ thêm ý tưởng thông minh “vừa ăn bánh ngọt lại vừa có thể có một thân hình cân đối khỏe mạnh” thì sao? Như vậy bạn sẽ tìm ra được những phương án thỏa mãn cả hai thay vì phải đắn đo suy nghĩ nên chọn phương án nào .
Chúng ta cùng xem một ví dụ thực tế vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Nguyên nhân được cho là do nhà máy Formosa thải chất thải ra biển gây ngộ độc cho cá. Giải pháp mọi người đặt ra là “Chọn cá hay chọn Formosa”. Vậy tại sao không thể chọn cả hai? Cùng phân tích mục đích của cả 2 sự lựa chọn này nhé.
Với cách làm này bạn có thể giải quyết vấn hóc búa một cách đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
Tác giả: Kiều Chinh
Hiệu đính: Nguyễn Sinh Côn