- Chiến lược tiêu thụ
2 tháng sau khi cơn bão khủng khiếp đi qua, nông viên du lịch đã được khôi phục và mở cửa lại. Tuy nhiên, nếu chỉ bán tại nông viên cũng không thể tiêu thụ hết 20 tấn xoài đã thu hoạch nên điều này lại khiến ông phải suy nghĩ rất nhiều. Vì vậy, đến năm 2008 ông kết hợp cùng 4 người nữa thành một hiệp hội chuyên về đầu ra cho nông sản. Kết quả, hiệp hội của ông đã nhận được quyền giao dịch trực tiếp với chuỗi cửa hàng của Aeon, các bách hóa ở Hanshin, các bách hóa Daimaru…Kể từ đó, xoài không những được giới thiệu tới khách hàng như một danh mục quà tặng mùa hè, mà còn được thiết lập riêng một gian hàng tại chuỗi cửa hàng Aeon.
Ngoài ra, 10% số xoài bị trầy xước hoặc xấu không thể bán đã được chế biến thành các món ăn như kem xoài, nước ép…Không trái xoài nào phải bỏ phí và tất cả đều được chuyển hóa thành tiền. Cùng với việc hợp tác và phát triển với các nông dân khác trong khu vực, năm 2011 ông lấy chứng nhận về phát triển mô hình nông nghiệp số 6 và bắt đầu đầu tư vào khai thác gia công các sản phẩm từ xoài.
- Phân phối công việc và mở rộng thêm các kì thu hoạch
Tại đảo Miyako, 95% loại xoài được trồng là xoài táo (hay còn gọi là xoài lrwin). Thời gian thu hoạch cho loại xoài này khá ngắn chỉ khoảng 1 tháng. Vì vậy, không chỉ phải dồn hết sức lực vào việc thu hoạch mà cả việc xuất và bán hàng cũng phải được tiến hành nhanh chóng. Sau này, ngoài xoài táo ông còn nhập và trồng thêm các giống xoài khác có khả năng thu hoạch như “Natsukobeni” và “Kitsu”. Nhờ vậy, thay vì trồng mình giống xoài táo thời gian thu hoạch là 1 tháng thì nay ông đã kéo dài thời gian này thêm một tháng nữa nhờ trồng thêm các loại mới.
Hơn nữa, ông cũng đầu tư thêm một số máy móc mới như máy tăng nhiệt độ nhờ vậy mà buổi sáng ông có thể dậy sớm hơn để bắt đầu công việc thu hoạch.
Nhờ vào việc trồng kết hợp nhiều loại giống khác nhau và đầu tư thêm máy tăng nhiệt độ mà thời gian thu hoạch đã có thể kéo dài thành 3 tháng. Công việc trước nay vẫn tập trung làm trong thời gian ngắn giờ đã được phân tán ra và tạo ra hiệu quả cao hơn.
3. Nuôi dưỡng thế hệ kế tục trong khu vực
Những năm gần đây tại đảo Miyako lớp người nông dân trẻ tham gia vào sản xuất xoài tăng lên đáng kể. Để có thể đạt được mục tiêu là vùng có đặc sản xoài số một Nhật bản thì việc đầu tư cải tiến kỹ thuật là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng thế hệ kế tục cũng là một vấn đề quan trọng không kém cần được quan tâm.
Tại nông trại Omine, hàng năm thu nhận thêm nhiều bạn trẻ có quyết tâm khởi nghiệp bằng nông nghiệp đến để học tập. Một phần trong số họ sau khi học tập tại đây đã tách ra khởi nghiệp riêng. Hiện nay, có 8 người trẻ đang sản xuất trồng xoài tại khu vực gần với nông trại Omine.
Sau khi nhận chứng nhận với tư cách là một nhà hướng dẫn nông nghiệp trong tỉnh Okinawa, ông nhận thấy được vai trò quan trọng của việc nuôi dưỡng lớp trẻ kế tục. Ông đảm nhận công việc truyền dậy kỹ thuật trồng trọt hay các phương pháp bán hàng và xem đây là một công việc rất quan trọng và nỗ lực hết mình.
Năm 2008, ông mở “lớp học về trồng hoa” cho người dân ở trong vùng. Ông tiến hành trồng hoa tại nông trại Omine, trường học, các nơi công cộng…bắt đầu chủ yếu là hoa giấy và hoa dâm bụt sau đó là các loại hoa khác theo từng mùa. Nông viên du lịch cho đến giờ đã mở được 13 năm. Mỗi năm, để tăng thêm phấn khởi cho công việc, vào mùa thu hoạch của mỗi loại ông lại cho trồng thêm các loại giống cây ăn quả nhiệt đới khác. Hiện nay, ông liên kết với một công ty lớn chuyên về du lịch để tổ chức các tour du lịch trải nghiệm thu hoạch xoài vào mùa hè, còn vào mùa thu thì tổ chức các tour du lịch kiến học trồng hoa như hoa giấy và hoa dâm bụt…Ước tính mỗi năm có khoảng 30 nghìn khách du lịch đến thăm và kiến học tại nông viên.
Trong cửa hàng của nông viên Utopia có trưng bày các DVD, bảng giới thiệu về quá trình phát triển nông nghiệp của đảo Miyako và thực trạng hiện nay của công việc trồng xoài. Đây được xem là nơi lưu truyền những thông tin quan trọng. Ngoài việc bán tại cửa hàng, ông còn kết hợp làm các cửa hàng trên mạng, nhận và chuyển cho các đơn hàng đặt trực tiếp trên mạng…chính nhờ kết hợp nhiều phương pháp khác nhau mà hiện nay ông luôn giữ một lượng khách hàng tiêu thụ khá ổn định.
4. Kế hoạch phát triển trong tương lai
Ông Uechi Noboru tin rằng chỉ có phát triển nông nghiệp thì mới có thể đưa đảo Miyako tiếp tục phát triển cùng với các khu vực khác. Từ hồi còn nhỏ ông hay được nghe cha mẹ và những người trong khu vực của ông nói rằng “làm nông nghiệp thì không đủ cơm mà ăn. Nông nghiệp là công việc cho những người kém thông minh”. Nhưng dù vậy, ông vẫn quyết tâm theo đuổi nghề nông. Sau 36 năm gắn bó với nghề, ông đã nhận được rất nhiều sự động viên cũng như giúp đỡ từ gia đình, nhân viên và nhiều người khác nữa. Nhờ nông nghiệp ông cũng cảm thấy yêu và gắn bó với đảo Miyako hơn. Cho đến giờ ông vẫn luôn nghĩ rằng “Làm nông nghiệp là một sự lựa chọn đúng đắn”.
Lượng thu hoạch xoài ở đảo Miyako càng lớn thì kéo theo một vẫn đề luôn thường trực là tình trạng hàng tồn kho do khâu vận chuyển. Ông đã chia sẻ rằng “dù nhỏ nhưng tôi luôn xem những vấn đề của đại đa số nông dân như là chính vấn đề của mình vậy. Tôi muốn giải quyết tình trạng hàng tồn kho do vấn đề về vận chuyển bằng các biện pháp như liên kết với các cơ quan có liên quan, xác lập hệ thống vận chuyển kết hợp cả vận chuyển bằng thuyền và máy bay…Tôi vẫn đặt niềm tin và tiếp tục nỗ lực để phát huy những khả năng không giới hạn của nông nghiệp”.
Thực hiện: Ngocnguyen
Theo tạp chí Nông nghiệp và Kinh tế số 4/2016
bài viết hay thật anh ạ