Xe tự lái là sản phẩm hứa hẹn mang đến cho con người tương lai sự an toàn, giảm thiểu tai nạn, giảm số người bị chết, bị thương vì tai nạn giao thông, giải quyết vấn đề ùn tắc, vấn đề về môi trường. Tiềm năng của thị trường xe tự lái là vô cùng lớn. Hiện nay có rất nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi lớn trên thế giới đã và đang tham gia vào cuộc chạy đua phát triển để giành giật “miếng bánh béo bở” này. Các tên tuổi lớn về công nghệ như Google, Apple…cũng không nằm ngoài cuộc chơi.
Để giữ vững vị thế “Ông lớn” trong ngành công nghiệp Ô tô, các hãng xe đến từ Nhật Bản cũng đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển các công nghệ về xe tự lái để có thể cạnh tranh trong cuộc chơi khốc liệt này. Trong phần này, xin mời các bạn cùng VietFuji tìm hiểu về chiến lược, và lộ trình phát triển xe tự lái của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản nhé.
1. Vấn đề
Hiện nay các đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực xe tự lái của các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản hầu hết là từ các cường quốc công nghiệp đến từ châu Âu và Mĩ. Mặc dù cơ cấu, bối cảnh của ngành công nghiệp ô tô tại Âu, Mĩ khác Nhật Bản, nhưng xu hướng hợp tác đa quốc gia lại rất tích cực.
Tại các quốc gia này, trường đại học, các cơ quan nghiên cứu nắm giữ một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển xe tự lái. Các nghiên cứu mới cũng như những nghiên cứu từ trước về xe tự lái đều đang tiến triển thuận lợi.
Điều này buộc các hãng xe Nhật Bản, cùng với chính phủ, cơ sở nghiên cứu, các trường đại học phải ngồi lại với nhau để bàn bạc và chung tay giải quyết những vấn đề mà họ đang gặp phải. Các vấn đề chính được đưa ra gồm có:
- Vấn đề về xây dựng các tổ chức hợp tác chiến lược dựa trên nguyên tắc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nghành ô tô nhưng vẫn đảm bảo sự bình đẳng và lên kết mạnh.
- Vấn đề về chia sẻ tầm nhìn về tương lai của của xe tự lái, tiền đề cho sự hợp tác và cạnh tranh.
- Vấn đề trong thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và trường đại học, để cùng nhau nghiên cứu về lĩnh vực xe tự lái và đào tạo nguồn nhân lực.
- Vấn đề về xây dựng các điều luật cụ thể, khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp liên quan.
- Vấn đề về kết hợp sử dụng công nghệ thông tin để phát triển xe tự lái.
Các giải pháp giải quyết vấn đề được các bên đưa ra gồm:
- Kết nối các bên liên quan để kiểm tra mô hình của xe tự lái từ đó tạo ra các sản phẩm có tính năng cao hơn.
- Cụ thể hóa các đề tài liên kết hợp tác liên quan đến các kỹ thuật quan trọng.
- Xem xét tiến hành các nghiên cứu chiến lược, chia sẻ thông tin theo chiều ngang.
- Xem xét các tính năng, công nghệ mà các trường đại học, cơ quan nghiên cứu đang kì vọng . Tạo điều kiện về nhân lực, thiết bị để thực hiện các đề tài này.
2. Lộ trình phát triển của xe tự lái
Mặc dù có khá nhiều ưu điểm nhưng hiện nay hệ thống dành cho xe tự lái chưa thực sự hoàn hảo do bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện môi trường. Thiết bị chỉ phát huy hiệu quả tối đa khi môi trường xung quanh đạt tiêu chuẩn nhất định. Thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng tới độ chính xác cũng như an toàn của xe khi vận hành.
Xe tự lái có thể là xu thế phát triển tất yếu nhưng chắc chắn một điều rằng nếu chỉ với cộng nghệ hiện tại thì chưa đủ. Do vậy cần có những lộ trình cụ thể và dài hạn để phát triển lọai xe công nghệ cao này trong tương lai. Chính phủ và các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản đã thống nhất đưa ra lộ trình phát triển của xe tự lái trong thời gian tới gồm bốn giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn hiện thực hóa và đưa vào sử dụng. Thiết bị có khả năng đưa ra các cảnh báo đến lái xe. Ở giai đoạn này hệ thống chỉ có thể thực hiện đơn nhiệm từng chức năng một trong các chức năng: tăng tốc, tự lái, điều khiển.
- Giai đoạn 2: Giai đoạn từ năm 2015 trở đi. Ở giai đoạn này hệ thống của xe cùng lúc có thể đảm nhiệm được nhiều chức năng (không phải tất cả) trong ba các chức năng tăng tốc, lái tự động, điều khiển.
- Giai đoạn 3: Giai đoạn trong khoảng 2020 ~ 2025. Hệ thống của xe cùng lúc có thể đảm nhiệm được tất cả các tính năng. Tuy nhiên khi hệ thống yêu cầu thì lái xe cần phải tự mình xử lý tình huống (khi đó trách nhiệm thuộc về lái xe).
- Giai đoạn 4: Giai đoạn từ năm 2025 trở đi. Ở giai đoạn này hệ thống có thể cùng lúc đảm nhiệm được tất cả các tính năng. Hệ thống hoàn toàn điều khiển, xử lý tính huống tự động từ A đến Z.
3. Một số công nghệ xe tự lái đang được sử dụng và nghiên cứu hiện nay (nằm trong giai đoạn 1) được phát triển bởi Nisan và Toyota
a, Hệ thống phanh hãm nhằm giảm thiểu thiệt hại khi va chạm: là hệ thống camera và radar được gắn ở trước xe, giúp xe nhận diện được chướng ngại vật và phanh trước khi va chạm ( hiện nay đã được tích hợp vào nhiều loại xe).
b, Hệ thống giữ khoảng cách (ACC): là hệ thống radar, hồng ngoại…. gắn ở xe giúp xe điểu tiết và giữ được khoảng cách an toàn với xe phía trước. Trường hợp nguy hiểm thì hệ thống sẽ cảnh báo lái xe để xử lý kịp thời tình huống.
c, Hệ thống duy trì đúng làn đường: là hệ thống camera giúp xe nhận diện vạch trắng kẻ đường giúp xe duy trì dược đúng làn đường của mình.
d, Hệ thống phân biệt đèn đỏ, các phương tiện từ hai bên: là hệ thống laser cho phép nhận dạng các đối tượng xung quanh mình trong khoảng cách 230 feet, hệ thống radar phía trước, cùng máy ảnh màu độ phân giải cao có thể phân biệt màu đèn giao thông, cùng các phương tiện đang tiếp cận từ 2 bên.
Mỗi công ty cũng có quan điểm và hướng đi riêng cho mình trong lĩnh vực xe tự lái. Hầu hết quan điểm về xe tự lái của các hãng xe hay công nghệ hiện tại đó là chúng ta chỉ việc lên xe, nằm ngủ, nghe nhạc hay thư giãn trên xe, nghĩa là không cần tài xế nữa.
Tuy nhiên, quan điểm của Toyota về xe tự lái lại hơi khác một chút. Toyota có xu hướng nâng cao trải nghiệm cầm lái, hỗ trợ kỹ năng cho người cầm lái an toàn hơn, nghĩa là vẫn cần đến lái xe. Những nghiên cứu của Toyota nhằm mục đích tăng khả năng tương tác giữa các phương tiện và hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Do vậy, họ cũng xây dựng những nghiên cứu, thử nghiệm các hệ thống an toàn của riêng mình.
Trong tương lai, việc làm chủ một thiết bị di chuyển hiện đại sẽ nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Hình thức lái xe tự động là một dấu hiệu cho sự bùng nổ công nghệ trong tương lai không xa.
(còn tiếp)
[divider]
Thực hiện: Nguyễn Cao Cường
*Theo tài liệu của Bộ Phát Triển Công Nghiệp Nhật Bản tại hội nghị về Xe Hơi Thế Hệ Mới, Đại Học Công Nghệ Nagoya