Đừng khởi nghiệp. Chẳng có gì tốt xảy ra khi bạn là một doanh nhân cả.
Thường thường khoảng 1% những nhà doanh nhân thành công top đầu luôn được người ta tung lên tận trời xanh với đủ lời hoa mỹ, ít nhất là trong những hội thảo công nghệ hay các bài phỏng vấn trên truyền thông. Thế nhưng, bạn nên biết con đường vinh quang đến một miền đất hứa, nơi chỉ toàn cầu vồng, ánh nắng, và hàng tỷ đô la chất thành núi lại vô cùng chật hẹp. Con đường đó phủ đầy máu của những con cừu non mong muốn thành kỳ lân.
Chỉ cần một lần bạn ở gần những con cừu đó, bạn sẽ nghe chúng lẩm bẩm những lời kiểu như “Sản phẩm của tôi sẽ là một Uber thứ h…”. Xoẹt.
Với mỗi hình mẫu như Mark Zuckerberg, Jack Ma hay Elon Musk, sẽ có tương ứng khoảng 10,000 những-kẻ-muốn-làm-doanh-nhân học theo, và tuyên bố: Tôi, chứ không phải ai khác sẽ là người kế thứa thành công của họ. Những con cừu đó xuất hiện trong các hội nghị công nghệ với một bộ vest rất đẹp, và sẵn sàng quẳng những chiếc danh thiếp được thiết kế vô cùng đẹp đẽ cho bất kỳ ai vô tình bắt gặp chúng (hoặc bị chúng bắt gặp).
Bạn khởi nghiệp vì muốn có một doanh nghiệp tự do, con đường này không dành cho bạn.
Bạn khởi nghiệp vì muốn tìm thấy núi vàng trị giá hàng triệu đô la, hãy dừng lại trước khi bạn mất nhiều hơn thế.
Nếu bạn đang muốn tìm danh tiếng và quyền được khoe khoang với những người khác ? Lời khuyên của tôi là bạn nên tỉnh dậy, đi thay quần áo và bắt đầu làm việc.
À, còn nếu bạn muốn khởi nghiệp chỉ vì bạn cho rằng mình đang có một-ý-tưởng-thú-vị-độc-nhất-vô-nhị, mà bạn tin rằng không truất ngôi Facebook thì cũng đè chết Uber,…(tự điền vào chỗ trống), ư ?. Bạn thật đáng thương vì bạn đang bước vào một con đường đầy chông gai chỉ với sự ngây thơ và vô minh của mình làm hành trang. Thất bại luôn chờ đợi những người nhầm lẫn niềm tin với sự mù quáng, và để chúng trá hình trong những khẩu hiệu tích cực nhưng sáo rỗng.
Kinh doanh là một phong cách sống, không phải một nghề. Nếu những hình ảnh như máy bay riêng, tiệc tùng trên du thuyền,… hiện lên trong đầu bạn khi tôi nhắc đến “phong cách sống”, bạn đã nhầm. Khi tôi nói “phong cách sống”, có nghĩa là một doanh nhân sẽ sẵn sàng xông pha trong cuộc đời mình như các chiến binh Sparta. Họ lấp đầy một ngày bằng sự cống hiến, vượt qua những đêm trắng dài vô tận, sống chỉ với mỳ tôm làm bữa tối, chịu những cơn đau đầu liên miên và gần như khó có đời sống xã hội cân bằng. Nhưng doanh nhân có sự cân bằng giữa công việc và đời sống cũng hiếm như là những con Bigfoot trong thần thoại (ai chưa biết xin tra google).
Nếu bạn chưa sẵn sàng để dành quãng thời gian tươi đẹp của gia đình cho công việc, hãy suy nghĩ lại trước khi bắt đầu. Nếu bạn chưa sẵn sàng làm việc 70-80 tiếng một tuần trong ít nhất 5 năm, hừm, bạn biết phải làm sao rồi đấy.
Có thể nói làm doanh nhân là ác mộng giữa ban ngày. Bạn phải nỗ lực trong tuyệt vọng để tiếp thị sản phẩm của bạn, gây quỹ, thuê nhân viên, giữ nhân viên (giỏi) ở lại. Có hàng ngàn thứ phải lo. Khi bước lên giường bạn sẽ ngủ như một đứa trẻ. Ý tôi là chỉ ngủ vài tiếng, sau đó thức dậy khóc và hoảng loạn.
Tôi đoán là bạn đang thắc mắc:”Nhưng tôi đã được nhận đầu tư trong X tháng. Sao có thể có vấn đề gì được ?”. Tôi chúc mừng bạn, nhưng đó chỉ là bắt đầu. Từ bây giờ bạn sẽ cần phải tìm cách duy trì hy vọng của nhà đầu tư cũng như những cổ đông lớn. Cũng nên biết rằng cuộc sống của các nhân viên giờ đang đặt trong lòng bàn tay của bạn, một áp lực không hề nhỏ.
Tại sao tôi lại viết bài này ? có phải đề làm nhụt chí những doanh nhân trẻ và hừng hực khí thế hay không ?
Tôi đã từng như các bạn. Tôi muốn một phong cách sống đầy hào quang và quyền lực, tôi phải là chủ và tôi tạo ra tài sản của riêng tôi. Tôi cũng kiếm được một vài khoản đầu tư trước khi liên tục bị hạ gục bởi chính thứ mà tôi theo đuổi. 80 tiếng làm việc một tuần lấy của tôi nhiều thứ. Nhưng tôi vẫn thường rất hùng hồn khi trình bày ý tưởng kinh doanh của mình, dù thực tế tôi không có chuyên môn trong thế giới thực, mà cũng chẳng có đủ can đảm để biến các ý tưởng thành hiện thực.
Sau một năm tôi tiêu đến đồng đô la cuối cùng. Không chỉ mất tiền và thời gian, tôi mất cả bạn bè và các mối quan hệ. Đổi lại tôi học được hai bài học vô cùng giá trị:
1. Không phải cứ có tiền thì gọi là doanh nhân
Bạn sẽ cần nhiều hơn vốn và chuyên môn để bắt đầu khởi nghiệp. Những thứ bên ngoài chẳng thể nào so với cái “chất” ở bên trong. Mối quan hệ và vốn đưa bạn đến đích nhanh hơn, nhưng nếu bạn không có sự kiên cường, tinh thần chiến đấu đến cùng, bạn sẽ sớm rớt ngựa. Kinh doanh cần cả tư duy và thái độ. Không phải ai cũng có thể chịu đựng và tận hưởng con đường này. À, bạn đừng vội nản chí còn bài học thứ hai nữa.
2. Không một ai sinh ra đã là doanh nhân
Có ai bảo với Mark Zuckerberg từ khi còn là một đứa bé rằng một ngày nào đó anh ta sẽ tạo ra một trong những mạng xã hội lớn và mạnh nhất trong lịch sử loài người không ? Mặc dù có một vài đặc điểm bẩm sinh khiến một số người có vẻ kinh doanh thành công hơn người khác, nhưng có những thứ bạn có thể học được. Ví dụ như chuyện tính toán rủi ro chả hạn. Một vài người có khả năng tính toán tốt hơn người khác, nhưng không có nghĩa những người đó có thể là nhà đầu tư tốt. Chỉ cần có thời gian và đào tạo đầy đủ, bất kỳ ai cũng có thể tính toán rủi ro được vậy.
Quay trở lại lý do tôi viết bài này. Đó là để cảnh tỉnh những doanh nhân trẻ về một viễn cảnh khác xa những gì họ đang mơ mộng. Bạn cần phải yêu những gì mình đang làm, và đủ đam mê để thay đổi thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn trước khi chạy theo niềm tin. Tôi đã gặp nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp tại hội nghị Tech in Asia Tokyo 2015, và tôi thấy lửa ở trong mắt họ. Họ bộc lộ một ý chí sẵn sàng tiến dù con đường đó có giúp họ làm thế giới tốt đẹp hơn hay không.
Bạn vẫn muốn khởi nghiệp ? Có một câu nói đùa thế này “Cứ mỗi 10 công ty khởi nghiệp bạn thấy trên thị trường, có khoảng 11 công ty thất bại”. Hãy suy nghĩ.
[divider]
Tác giả: Alan Seng
Biên dịch: Trungmaster
Theo TechinAsia