Sau khi được tiếp xúc với các OB (Old boys) đến từ các công ty Toyota, Denso… qua chương trình lớp học công xưởng trưởng do trường Đại học Công Nghiệp Nagoya tổ chức, VietFuji đã gom được một loạt bài về suy nghĩ theo QC (quản lý chất lượng). Cách suy nghĩ này đã được phổ biến rộng rãi trong công ty mẹ của Toyota (Toyota Jidoshoki) và một bộ phận những công ty cung ứng của Toyota. Chuỗi bài viết gồm 9 bài viết ngắn. VietFuji sẽ lần lượt gửi tới các bạn tất cả 9 bài viết trong tháng 2 này.
Mở đầu cho loạt bài này là suy nghĩ “Chất lượng là số một”. Công ty Toyota đã triệt để đặt khẩu hiệu này lên hàng đầu trong từng chiếc ô tô được sản xuất ra. Nghe thì có vẻ đây là khẩu hiệu hiển nhiên đối với bất cứ doanh nghiệp nào, nhưng để giữ vững nó lại không hề đơn giản chút nào.
Đây là cách suy nghĩ ưu tiến chất lượng lên hàng đầu dựa trên nền tảng là lấy được sự cân bằng giữa chi phí sản xuất và thời gian giao hàng cho khách. Khi có vấn đề về chất lượng phát sinh sẽ kéo theo những tổn thất to lớn bao gồm cả tiền bạc và sự tín nhiệm.
Tại Toyota, việc hướng tới sản xuất không có sản phẩm lỗi là chuyện đương nhiên, mục tiêu cao hơn mà họ hướng tới đó là tạo ra được những sản phẩm có chất lượng mang tính hấp dẫn nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Không chỉ riêng gì Toyota, phần nhiều doanh nghiệp Nhật Bản coi trọng vấn đề “đặt chất lượng lên hàng đầu”. Họ coi chất lượng là vấn đề sống còn của công ty.
Đảm bảo chất lượng hạ giá thành sản xuất?
Nghe có vẻ rất mâu thuẫn. Phải bỏ công giám sát chất lượng thế thì làm gì có chuyện hạ giá thành sản phẩm. Nhưng thực tế đúng vậy đấy các bạn ạ. Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới sự tin tưởng của khách hàng cũng như sự tồn tại của công ty. Nếu giải quyết được bài toán chất lượng (đảm bảo chất lượng), rất nhiều những tổn thất không đáng có (giải quyết khủng hoảng do lỗi chất lượng…) có thể được cắt giảm; nâng cao được giá trị thương hiệu mà không cần các biện pháp PR hoành tráng, do đó nhìn về tổng thể, đảm bảo chất lượng sẽ giảm giá thành sản xuất trong nhiều trường hợp. Bởi vậy cũng không ngoa nếu nói rằng, đảm bảo chất lượng là chìa khóa để duy trì lợi nhuận kinh doanh một cách bền vững.
Thực hiện: Nguyễn Sinh Côn