Máy gia tốc hạt lớn Large Hardron Collider – gọi tắt LHC của châu Âu được coi là cỗ máy đơn lớn nhất trên thế giới với đường ngầm có chu vi lên tới 27km. Tuy nhiên kỷ lục này có lẽ sẽ sớm bị phá vỡ khi mới đây Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc (China Academy of Sciences) đã tiết lộ về kế hoạch xây dựng một cỗ máy gia tốc Electron và Positron (Circular Electron Positron Collider- CEPC) với chu vi từ khoảng 54 đến 108km, đủ lớn để bao phủ toàn Manhattan. Quá trình xây dựng sẽ dược bắt đầu vào năm 2020 với tham vọng về một cỗ máy mạnh gấp 7 lần LHC tại CERN. Có vẻ như Trung Quốc đang quyết thâm nhập vào thế giới của Vật Lý Thí Nghiệm vốn là sân chơi độc quyền của Châu Âu và Mỹ từ trước tới nay bằng một …vụ nổ (chờ mà xem).
Theo ông Wang Yiffang, giám đốc Viện Vật Lý Năng Lượng thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc, địa điểm lý tưởng được lựa chọn để xây dựng dự án chính là thành phố Qinhuangdao (Tần Hoàng Đảo), ở phía Bắc Trung Quốc, gần với điểm bắt đầu của Vạn Lý Trường Thành.
Đường ngầm của Trung Quốc sẽ chứa hai cỗ máy gia tốc khác nhau.
Trong giai đoạn đầu của dự án, cỗ máy CEPC sẽ được xây dựng trước, nhằm phát triển các nghiên cứu về hạt Higgs, và quá trình tiêu biến của nó sau va chạm. Cỗ máy sẽ gia tốc các hạt nguyên tử đến gần vận tốc ánh sáng và để chúng va chạm với nhau, tạo ra trạng thái tương tự như những dự đoán về vụ nổ BigBang (khai sinh ra vũ trụ). Với kích thước và công suất khổng lồ, cỗ máy gia tốc của Trung Quốc có thể đạt đến trạng thái gần với BigBang hơn bất kỳ cỗ máy nào trước đây. Cũng theo ông Wang thì LHC đã đạt đến giới hạn năng lượng. Trong khi đó máy gia tốc của Trung Quốc hoạt động theo cách thức khác với LHC. Máy LHC tạo va chạm giữa các hạt proton, và tạo ra hạt Higgs cùng với vô số hạt khác. Còn máy CEPC theo thiết kế sẽ tạo va chạm giữa điện tử electrons và positrons để tạp nên một môi trường tinh khiết chỉ có hạt Higgs.
Trong giai đoạn thứ hai của dự án, dự kiến khởi công năm 2040, cỗ máy gia tốc Proton-Proton (Super Proton-Proton Colliders- SPPC) sẽ được xây dựng. Đây có thể coi là phiên bản cập nhật của LHC, nhằm nghiên cứu về va chạm của protons ở tốc độ siêu cao. Thông qua đó con người có thể hiểu hơn về các bí ẩn bên trong vật chất tối (dark matter), BigBang và hố đen.
Giáo sư Akrani-Hamed tại Trung Tâm Vật Lý Năng Lượng Tương Lai tại Bắc Kinh thì ông đã bắt đầu gửi lời mời đến các nhà khoa học hàng đầu thế giới để tham gia vào dự án. Có thể dự án sẽ phát triển lên phạm vi toàn cầu trong tương lai.
Có một thực tế là Trung Quốc đang dần mở rộng quy mô các dự án và có tầm ảnh hưởng nhất định trong khoa học so với Mỹ và Châu Âu. Theo như thông tin từ chỉ số Nature 2013 về công bố khoa học, Trung Quốc chỉ còn đứng sau Mỹ về số lượng đóng góp cho các tạp chí nghiên cứu chất lượng.
Biên dịch: Trungmaster, theo Gizmag